Tác phong ăn uống liệu có nói lên bạn là ai, bạn ở đâu trong xã hội này? Chắc chắn là có. Nhưng nếu vẫn chưa tin, bạn có thể ghé thăm Ấn Độ để thấy điều này thể hiện rõ nét ra sao.
Ấn Độ - đất nước với chuẩn mực ăn uống khắt khe
Ấn Độ nổi tiếng là một trong những nơi có nhiều quy tắc phức tạp về vấn đề ăn uống. Ở đó, những nhóm người trong xã hội được phân biệt bởi những món ăn họ thưởng thức.
Nếu một nhóm người yêu thích món gà, trong khi một số khác lại chán ghét đồ ăn này thì ngay lập tức, một rào cản vô hình đã được thiết lập giữa họ.
Khi người ta nhận thấy, ai đó có những thói quen ăn uống không phù hợp, những sở thích không đồng điệu với mình thì rất khó để họ nảy sinh thiện cảm.
Mặt khác, những người cùng thích ăn thịt gà lại nhận thấy mình có điểm chung và vì thế họ dễ dàng làm quen và trở nên thân thiện với nhau hơn.
Ở Ấn Độ, hệ thống xã hội phân chia người dân thành nhiều đẳng cấp khác nhau mà trong đó các quy tắc ăn uống góp phần xác định vị thế cao hay thấp của mỗi người. Một gia đình chỉ chấp nhận kết thông gia với những người mà họ thấy phù hợp trong cách ứng xử trên bàn ăn.
Một khi họ đã từ chối nhận thức ăn từ gia đình bên kia, đó là dấu hiệu chắc chắn rằng sẽ không có cuộc hôn nhân nào được chấp thuận ở đây cả.
Ở các đám cưới, bữa ăn chung sẽ diễn ra trong không khí nghiêm trang và chỉnh tề với sự xuất hiện của cô dâu, chú rể, cùng thành viên của hai bên gia đình.
Những món ăn nào được coi là "thuần khiết"?
Tại nhiều nơi ở Ấn Độ, người ta đề cao khái niệm về "sự tinh khiết" trong ăn uống. Món ăn phổ biến nhất thường ngày là cơm – thứ hay bị xem là dễ bị pha tạp nhất. Những món ăn được nấu chín và không dùng dầu mỡ gọi là "kacca", nghĩa là "không hoàn hảo".
Người Ấn Độ thường ăn cơm một mình hoặc với những người thân quen, chứ không dùng trong các buổi tiệc. Trong khi đó, những món chiên hay đồ ăn vặt lại được gọi là "pukka", tức là "hoàn hảo".
Chúng mang sự thuần khiết của loại bơ thiêng (ghee), ít tạp chất hơn.
Một yếu tố quan trọng không kém là đầu bếp, vì đó là người tiếp xúc với chậu, bát và thực phẩm. Người đầu bếp phải tránh nếm thử món ăn, thay vào đó, họ học cách nhận biết mùi vị bằng ngón tay và khứu giác.
Khi những người thuộc tầng lớp thượng lưu muốn tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi, họ sẽ lên thực đơn gồm những món "pukka" và tự tay chế biến bữa ăn, để các món ăn được hoàn toàn thuần khiết và không bị "nhiễm bẩn" từ ai khác.
Theo nghi thức bàn ăn của giới thượng lưu, phải dùng tay phải để đưa thức ăn cho người lớn hơn.
Phụ nữ có thể ăn bằng tay trái, đó cũng là một dấu hiệu biểu trưng cho giới tính, nhưng phải đưa thức ăn cho người khác bằng tay phải. Cốc nước có thể được cầm bằng tay trái.
Mọi người phải ngồi hoặc ngồi xổm trên mặt đất, không được nằm, đứng hay vừa đi vừa ăn. Hướng mặt lúc ngồi ăn cũng là một yếu tố được chú trọng.
Mặt hướng về phía đông được xem là "thuần khiết" và đáng kính nhất. Ai có cha mẹ còn sống thì không nên ngồi quay mặt về phía nam.
Chén dĩa được rửa trước bữa ăn, và bỏ đi sau khi dùng, không ai muốn ăn trên một chiếc dĩa mẻ hay bị bẩn. Thật khó chịu khi phải dùng bữa quá sớm, quá muộn, hay ăn quá nhiều.
Người ta thường ăn uống kín đáo, không phơi bày cho người khác thấy.
Ăn cơm bằng tay được coi là không sạch sẽ vì ngón tay dễ tiếp xúc với lá gói, thức ăn bị vấy bẩn bởi nước bọt. Cách tốt nhất là nắm lấy một lượng nhỏ bên trên, nhúm nó lại bằng các ngón tay rồi cho vào miệng.
Đồ ăn vặt, đồ chiên, trái cây sấy, bánh kẹo có thể được đưa thẳng vào miệng để tay không chạm môi. Nếu các món đó quá lớn không thể đưa hết một lần vào miệng, người ta sẽ bẻ nhỏ chúng ra chứ không cắn.
Hút thuốc là điều tối kị trên bàn ăn. Khói thuốc vừa gây ô nhiễm, vừa làm hỏng mùi thơm của món ăn.
Phong thái trên bàn ăn nói gì về con người bạn?
Những người được xếp vào đẳng cấp cao luôn tự hào về những nghi thức ăn uống này. Họ kì thị và xa lánh những hành vi vô ý hoặc thô lỗ trên bàn ăn.
Không có bộ luật nào quy định phải làm thế này hay cấm làm thế kia, nhưng trong thực tế cuộc sống, người ta vẫn nhìn vào cử chỉ ăn uống để đánh giá một con người.
Dù ở Ấn Độ, phương Tây hay bất cứ đâu, việc ứng xử phù hợp trên bàn ăn thể hiện sự hiểu biết và tinh tế của một người.
Khách đến nhà nên quan sát hành vi của chủ nhà để không vô tình phạm phải những điều tối kị trong mỗi gia đình. Khách nước ngoài khi đến thăm một quốc gia nào đó cũng cần tìm hiểu và tuân theo những nguyên tắc, phong tục của nước chủ nhà.
Người ta từng kể một câu chuyện về những vị khách hợm hĩnh và cố chấp như sau: Một nhà lãnh đạo quốc gia khi đến thăm nước bạn, được chiêu đãi và bối rối khi lần đầu tiên nhìn thấy trái chuối. Vị nguyên thủ nước chủ nhà biết ý, liền cố tình bóc vỏ chuối và ăn để khách nhìn mà làm theo.
Nhưng vị khách kia quá cố chấp, nói rằng ở nước ông, người ta toàn ăn chuối để cả vỏ. Rồi ông lấy một trái chuối, ăn đúng theo cách mà mình đã nói.
Dù không hoàn toàn nói lên đẳng cấp và địa vị của một con người, tác phong ăn uống cũng thể hiện phần nào sự lịch thiệp trong cuộc sống.
Người ta sẽ tự nhiên có thiện cảm với những tâm hồn đồng điệu, và ngược lại, tránh né những ai họ cảm thấy không phù hợp, không cùng đẳng cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét