Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

ATTP - Chết vì bát tiết canh.

Tập quán ăn tiết canh ở Việt Nam có từ lâu đời. Đặc biệt, cánh mày râu rất thích món này.  Tuy nhiên, trong mỗi bát tiết canh ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người là nạn nhân của tiết canh lợn.

Người đàn ông này bị suy đa tạng, mặt tím bầm vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải xin về nhà chết.
Sáng 5/6, bệnh nhân Lê Đình H. được đưa đến BV đa khoa Hương Trà (Huế) với các triệu chứng sốt cao, người run cầm cập. Sau khi điều trị khoảng 3 giờ đồng hồ thì bệnh nhân có triệu chứng choáng, xuất hiện vết tím tái trên da... nên đã được chuyển lên BV TW Huế để điều trị.

Khi nhập viện, bệnh nhân đã suy hô hấp, trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở và tử vong nên được gia đình đưa về nhà để tổ chức mai táng. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính với liên cầu khuẩn lợn.


Bệnh nhân Trần Văn Anh (39 tuổi ở Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị.

Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt.

Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Khi về nhà, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở… nhưng chỉ nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị ở nhà. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn.

Chân bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Theo thông tin từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu năm 2014 đến nay, Bệnh viện này tiếp nhận gần 10 ca bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn lợn.

Trao đổi với VTC News, Ths – Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới TW cho biết: Tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn.


Trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Như vậy, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn.

Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.

Bác sỹ Cấp nói: “Ở những con lợn khỏe mang liên cầu khuẩn, khi cắt tiết ở vùng cổ, vi khuẩn liên cầu khu trú ở dịch hầu họng lợn bị nhiễm sang tiết canh nên người ăn bị bệnh. Cũng có thể, cuống họng được dùng để đánh tiết canh chưa được nấu chín hẳn có chứa liên cầu khuẩn nên người ăn bị nhiễm.

Nếu con lợn được lấy tiết để làm tiết canh bị ốm vì liên cầu khuẩn, thì bản thân trong phổi lợn, tiết lợn đã có vi khuẩn nguy hiểm này.

Với người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc phải do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh”.

Tuy nhiên, khi cùng ăn tiết canh một con lợn bị liên cầu khuẩn nhưng không phải ai cũng phát bệnh. Tùy cơ địa, sức đề kháng mỗi người mà người đó có bị phát thành bệnh hay không.

Bệnh nhân này phải cắt bỏ chân vì bị hoại tử do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Theo Bác sỹ Cấp, khi phát bệnh trên người, vi khuẩn liên cầu này thường gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết.

Với bệnh cảnh viêm màng não thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá với triệu chứng sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Với trường hợp bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân sốt cao liên tục, phát ban hoại tử từ màu hồng cánh sen, chuyển sang đỏ tím, lan ra toàn thân rồi hoại tử đen.

Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng thì khả năng tử vong chiếm tỷ lệ 45%- 50%.

Để tránh mắc liên cầu khuẩn lợn, bác sỹ Cấp khuyến cáo: Không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thịt lợn phải nấu chín. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

(VTC News)


ATTP - Chết vì “ăn sống nuốt tươi”


Trong “đặc sản” của người Việt, có thể nói tiết canh là món ăn khoái khẩu nhưng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhất, bởi đây không chỉ là ẩm thực “ăn sống nuốt tươi” mà còn là mầm mống lây nhiễm bệnh một cách trực tiếp và nhanh nhất, đặc biệt khi động vật cho tiết ấy lại mang mầm bệnh.

Cùng với đó, các món ăn như gỏi cá, thịt bò tái… cũng “góp phần” làm cho nguồn gây bệnh “phong phú” hơn.

1. Sướng cái miệng - khổ cái thân

Đúng khoảnh khắc giao thời từ năm cũ sang năm mới, trong khi người dân hân hoan đón chào tết dương lịch trong không khí tưng bừng thì hai nam bệnh nhân đều ở Hà Nội phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu. 

Theo chẩn đoán ban đầu, cả hai bệnh nhân này đều bị viêm màng não do nhiễm… liên cầu lợn vì ăn tiết canh. Người nhà một bệnh nhân cho biết, cách đó 4 hôm, nhân chuyến đi công tác ở Ninh Bình, bệnh nhân đã ăn hai bát tiết canh dê. 

Sau đó, về nhà vẫn bình thường, nhưng chỉ mấy ngày sau đột ngột sốt cao rồi hôn mê phải đi cấp cứu. Còn bệnh nhân kia, nhân liên hoan cuối năm, cũng đã ăn tiết canh lợn với lý do “lấy may” vì có màu đỏ. Và hậu quả hệt như bệnh nhân kia.

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên phải cấp cứu vì nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh, mà trước đó Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã cấp cứu một bệnh nhân ở Hưng Yên trong tình trạng sốc, sốt cao, xuất hiện các ban hoại tử vùng tay, cẳng chân. Phải sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân mới tạm qua cơn nguy kịch. Nghiêm trọng hơn, phải kể đến 2 trường hợp cấp cứu hồi năm ngoái cũng do ăn tiết canh dẫn đến mắc liên cầu lợn nhưng đã tử vong bởi đi cấp cứu muộn.


Không chỉ gây ra bệnh liên cầu lợn, tiết canh còn làm thực khách dễ bị sán não, nghĩa là sán “cư trú” tại não và sinh sôi nảy nở trong não. Như ông Bảo Ngọc Tân, ở Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, điều trị ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương đã 2 năm nay bệnh sán não chỉ vì “nghiện” tiết canh.

Ông tâm sự: “Trước khi đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhìn thấy tiết canh là tôi không thể cầm lòng, phải ăn ít nhất mỗi ngày một bát tại quán đầu làng. Nhưng đến bây giờ thì tôi sợ lắm rồi, “cạch” đến chết cũng không dám “đụng đũa” vào tiết canh nữa”.

Chả là tự dưng ông thấy đau đầu khủng khiếp, như có một vật sắc nhọn chọc xoáy vào đầu. Còn tay thì tê cứng, cầm đôi đũa ăn cơm cũng không xong. Chân phải đập, vỗ mạnh mới đi đứng được. Lúc mới khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn thần kinh. Nhưng đến khi chụp cắt lớp não thì ôi thôi, bác sĩ phát hiện trong não ông sán “nằm vùng”. Đến nay đã chữa trị 2 năm mà não ông Tân vẫn chưa hết sán.

Nằm cùng phòng ông Bảo Ngọc Tân là bệnh nhân Lương Văn Ân, ở Đại Từ, Thái Nguyên, cũng bị sán não. Nghe ông Tân chia sẻ với báo chí, anh Ân cũng một mực khẳng định: “Chừa đến già, sẽ không bao giờ tôi ăn tiết canh, dù hấp dẫn đến mấy. 

Bởi vì nó mà tôi phải chuyển hết viện này đến viện khác mà không biết bị bệnh gì, chỉ thấy đầu đau như búa bổ, hay lên cơn co giật và ngất lịm. Có nơi khẳng định tôi bị động kinh. Nhưng từ bé tôi có bị bệnh này đâu, trong khi nếu mắc phải có biểu hiện từ lúc ấy. 

Chỉ đến khi đến Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương, tôi mới biết bị bệnh ấu trùng sán não. Cũng chỉ vì tôi ăn nhiều tiết canh quá nên mới vậy”.

2. Mối nguy nhiễm sán lá gan

Cùng với tiết canh, gỏi cá, rau sống, nem chua, thịt tái… những “đặc sản” thu hút được rất nhiều thực khách hiện nay, nhất là giới trẻ cũng là những món ăn được coi là “sướng cái miệng khổ cái thân”. Mới đây, các nhà khoa học ở Trường ĐH Khon Kaen, Thái Lan, sau khi nghiên cứu 20 năm tại các nước Thái Lan, Việt Nam, Campuchia đã công bố: thói quen ăn sống như: gỏi cá nước ngọt, thịt chưa nấu chín (thịt tái) đã khiến cho 6 triệu người ở các quốc gia này bị nhiễm sán lá gan dẫn đến ung thư gan.

TS Banchob, một trong những người chủ chương trình nghiên cứu đã chia sẻ về cơ chế sán lá gan xâm nhập vào cơ thể: “Có hai loại: sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Sán lá gan lớn thường có ở thịt bò, trâu, dê, lợn. Nếu không nấu chín các loại thịt này thì từ đây sán lá gan lớn sẽ xâm nhập vào cơ thể. 

Còn sán lá gan nhỏ có chu kỳ sinh trưởng phức tạp hơn khi bị bài xuất ra ngoài theo con đường đại tiện (do nằm trong đường mật), gặp nước sẽ nở thành ấu trùng lông rồi bám vào các vật chủ trung gian là các loại ốc. 

Trong ốc, ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi sẽ tìm một nơi cư trú khác là cá nước ngọt (vật chủ trung gian thứ 2) để phát triển thành các nang ấu trùng và nằm trong thớ thịt của cá. Nếu bắt được cá trong giai đoạn này và ăn gỏi thì lập tức các nang ấu trùng “chuyển” sang người và gây bệnh”.

TS Chanbob cũng cho biết, cách gây bệnh của sán lá gan có hai cách, thứ nhất là cắn biểu mô ngoài của ống mật để rồi gây ra những vết loét; Hai là gây viêm túi mật bằng cách gây ra “cơn bão” cytokine, một chất hoạt hóa tế bào. Người nào càng nhiều cytokine thì càng bị viêm nhiều. Viêm càng nhiều thì càng dễ bị ung thư về sau. 

Tuy nhiên, TS Banchob và nhóm nghiên cứu cảnh báo: Khi phát hiện ra ung thư gan thì bệnh nhân đã ở giai đoạn nặng, không còn cách chữa trị nào ngoài cách chỉ là “còn nước còn tát” mà thôi. Do giai đoạn đầu của bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt cũng như để phát hiện ra tổn thương ban đầu ở gan rất khó.

Còn Th.S Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương khẳng định: Ấu trùng sán khi đã xâm nhập vào cơ thể thì có thể đi đến bất kỳ cơ quan nội tạng nào nhưng chủ yếu tập trung ở cơ, mắt và não (chiếm đến 80%). 

Khi cư trú ở vùng cơ, dưới da người bệnh thường xuất hiện các nang sán nhỏ bằng hạt đậu hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da để gây tổn thương. Còn khi cư trú ở não, sán gây tắc ống dẫn lưu, lưu thông ổ dịch não tủy từ trên não, giãn não thất, ứ nước trong não…

Bệnh nhân bị hoại tử chân và tay do ăn tiết canh

3. Phải ăn chín uống sôi

Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là số lượng bệnh nhân cấp cứu vì những món ăn sống, đặc biệt là tiết canh lại tăng vọt. Trong khi nguy cơ tử vong, di chứng suốt đời từ những bệnh do ăn sống này đã được cảnh báo rất cao. 

Như tại phía bắc có 55 bệnh nhân mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh, thịt tái… thì trong đó, số người tử vong chiếm tới 13%. Cụ thể như bệnh liên cầu lợn, sau khi ủ bệnh từ vài tiếng đến 4-5 ngày, người bệnh sẽ bị nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não mủ, thậm chí mắc cả hai bệnh cùng lúc dẫn đến tử vong do suy đa phủ tạng. 

Nếu không tử vong, người bệnh sẽ phải chịu di chứng nặng nề suốt đời như: giảm thính giác hoặc điếc vĩnh viễn, giảm thị lực, đãng trí, mù mắt…

Bởi vậy để bảo vệ sức khỏe cũng như không để xảy ra tình trạng tử vong vì những nguyên nhân “lãng xẹt” đã được cản báo trước, theo TS Nguyễn Văn Kính tốt nhất nên tẩy chay những món có tập tục “ăn sống nuốt tươi”, đặc biệt là trong hoàn cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm như hiện nay.

Theo Nguyễn Anh
Petrotimes


ATTP - 97% rau sống nhiễm giun, sán, thuốc trừ sâu

Rau sống là món ăn ưa thích của đa số người Việt. Tuy nhiên, có không ít nguy cơ nhiễm khuẩn do ký sinh trùng và dư lượng thuốc trừ sâu có trong các loại rau này.


Rau sống là món ăn rất tốt cho sức khoẻ vì rau sống với đa dạng các loại rau gia vị cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật. 

Nhưng nếu rau sống không đảm bảo vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định...) thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh làm cho người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mãn tính.
Kết quả khảo sát từ đề tài nghiên cứu Khảo sát ký sinh trùng trên rau sống do bộ môn Ký sinh trùng (KST) thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (TTĐT-BDCBYT) thực hiện và báo cáo cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại KST trên rau là rất cao: 97,12% (101 mẫu) với các loại KST nhiễm chủ yếu gồm: bào nang amip (E.histolytica; E.coli) trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa chó mèo và ấu trùng giun. 

Trong đó, ấu trùng giun được phát hiện trên rau sống chiếm tỉ lệ cao nhất (78,8%), kế đến là amip (E.histolytica: 65,4%; E.coli: 50%); trứng giun móc (25%); trứng giun đũa (23,1%) và giun đũa chó mèo (11,5%).

1. Rối loạn tiêu hóa, ngộ độc vì rau sống

Hiện nay, do người trồng rau chạy theo lợi nhuận nên trong rau sống có nhiều dư lượng chất kích thích và bảo quản thực vật. Vì vậy, khi ăn sống dễ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu hóa.

Theo Th.S – BS. Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút Ký sinh trùng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, rau sống thường không đảm bảo vệ sinh vì nhiều nơi còn có thói quen tưới bón phân tươi, các loại phân bắc và phân chuồng chưa ủ kỹ, đặc biệt là dùng thuốc trừ sâu không đúng quy định nên thường mang theo những mầm bệnh nguy hiểm vào trong cơ thể. Nếu thuốc trừ sâu còn có dư lượng cao thì sẽ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa mà triệu chứng rõ nhất là đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu… Nặng hơn, người sử dụng rau sống chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao có nguy cơ ngộ độc, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.



2. Tổn thương gan, phổi… do ăn rau sống

Rau sống không được rửa sạch sẽ đưa vào cơ thể người nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm, trong đó có khuẩn đơn bào. Chúng không chỉ gây bệnh ở đường ruột mà còn lên gan, lên phổi và nhiều cơ quan khác để “hoành hành”.

Đơn bào có 3 nhóm sống ở ruột già: có chân giả, có roi và có lông. Trong nhóm đơn bào có chân giả (a-míp), chỉ có ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây bệnh cho người. Khi nói “bệnh do nhiễm a-míp” là nói đến bệnh do ký sinh trùng này gây ra. Chúng gây bệnh ở đường ruột và một số cơ quan khác.

Khi ăn rau dính bào nang a-míp, các bào nang này sẽ theo đường tiêu hóa vào đến ruột, a-míp non sẽ chui ra khỏi vách bào nang, tăng sinh rất nhiều. Khi đó, người ăn đã nhiễm bệnh. Nếu không có triệu chứng gì thì gọi là người lành mang mầm bệnh (khi họ đại tiện, thể hoạt động của a-míp và bào nang sẽ theo phân ra ngoài).

Nếu gặp một số điều kiện như sức đề kháng cơ thể giảm, cơ thể có nhiễm thêm vi trùng khác, thể hoạt động sẽ to lên, xâm lấn đường ruột, gây bệnh kiết lỵ. Chúng "ăn" hồng cầu và chất lỏng trong mô, tạo thành vết loét trong thành ruột già; mạch máu bị vỡ ra nên phân có máu và chất nhầy. 

3. A-míp khi vào cơ thể sẽ gây bệnh đường ruột

Ở thể cấp tính, bệnh nhân đau bụng lâm râm hay từng cơn, có cảm giác muốn đi tiểu liên tục, lúc đầu tiêu chảy, sau đó đi ra nhầy và máu, nhiều lần trong ngày. Ở thể bán cấp, bệnh nhân đau bụng lâm râm và đi tiêu phân lỏng, có chút ít nhầy. Đôi khi bệnh nhân bị táo bón. Trường hợp có nhiễm thêm ký sinh trùng hoặc vi trùng khác, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.

Người bị suy giảm miễn dịch, kém dinh dưỡng dễ mắc bệnh ở thể ác tính: bệnh trạng nặng, máu và nhầy tự nhiên chảy ra. Bệnh nhân thường tử vong do sốc, do chảy máu ở ruột và di căn a-míp vào gan. Có những người mắc bệnh mạn tính, bị rối loạn tiêu hóa. Đó là do sau khi bị áp-xe, vách ruột có sẹo và chai đi, hệ thần kinh ở đó bị phá hủy nên chức năng ruột không còn bình thường.

Một số bệnh nhân có u a-míp trong ruột, thường xuất hiện sau cơn lỵ cấp từ vài tháng đến 20 năm. Việc chẩn đoán hơi khó, dễ bị nhầm với các khối u thật sự của ruột già. Nếu điều trị thử bằng thuốc diệt a-míp mà khối u xẹp đi thì đó đúng là u do a-míp.

4. A-míp gây bệnh ở gan


Từ các sang thương ở ruột già, a-míp theo mạch máu vào gan. Mỗi a-míp tăng sinh sẽ tạo thành một vết loét và nhiều vết loét tạo thành áp-xe.

Các triệu chứng điển hình là đau bụng vùng gan, gan to không kèm lách to, không rỉ dịch, không vàng da, sốt cao, suy nhược thể tạng. Một số trường hợp không có triệu chứng điển hình, khi đó các triệu chứng kể trên thiếu hoặc nhẹ đi.

5. Bệnh ở phổi và các vị trí khác

Vì phổi ở sát gan nên do tiếp xúc, a-míp có thể từ gan đi đến phổi. Khi đó, bệnh nhân có những biểu hiện như: ho, sốt, khạc ra mủ màu nâu.

Ngoài ra, bệnh có thể gây áp-xe não - một biến chứng hay gặp ở người bị áp-xe gan do a-míp, chỉ được chẩn đoán sau phẫu thuật. Một số bệnh nhân trong thời gian bị lỵ cấp tính bị loét da do a-míp, thường thấy ở quanh hậu môn hoặc chỗ vết mổ.

Th.S – BS. Nguyễn Tiến Lâm, cũng cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào để tẩy sạch triệt để các KST trên rau sống. Để bảo vệ sức khỏe người dân, trước mắt, các cơ quan chức năng nên có khâu kiểm nghiệm KST các nguồn rau cung cấp vào thành phố; tăng cường tuyên truyền để người dân dùng rau sạch rau an toàn”.

BS. Nguyến Tiến Lâm khuyến cáo: “Về phía người dân, ngoài việc rửa rau kỹ bằng máy sục ozon hoặc rửa nhiều lần bằng nước thường có hỗ trợ thêm với nước rửa rau chuyên dụng, rửa dưới vòi nước chảy mạnh, nên chú ý không sử dụng các nguồn rau có màu sắc, hình dáng, mùi vị lạ. Nên chọn mua rau ở các cửa hàng rau sạch, rau an toàn có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng”.

 (Kiến Thức)



Văn hóa ẩm thực - 15 quy tắc ăn uống, lễ nghi nên nhớ khi xuất ngoại

15 phép tắc lễ nghi sau đây sẽ không chỉ giúp bạn tránh khỏi một số tình huống khó xử, mà còn có thể có thêm những người bạn mới.


1. Ở Nhật Bản, không gác đũa ngang miệng bát
Ở Nhật, bạn nên tránh những điều sau khi ngồi ăn cơm: Không dựng đứng đũa trong bát cơm, không ngậm đũa vào miệng, không cắm đũa vào thức ăn hay kéo, đẩy chén, bát. Đặc biệt, nếu bạn gác đũa ngang miệng bát nghĩa là chê món ăn dở ẹc hoặc thể hiện “tôi không cần nữa”. Đó là sự xúc phạm đến người nấu.

Người Nhật cũng không dùng đũa để chuyền thức ăn vì trong đám tang người ta dùng đũa để chuyền những mảnh xương còn sót lại sau khi hỏa táng. Sau khi ăn xong, họ cũng không nằm ngay. Người ta nói ăn xong mà nằm ngay thì chẳng khác gì con bò.

Khác với các quốc gia dùng đũa khác, đũa Nhật khi được đặt trên bàn ăn không được đặt thẳng về phía bên phải, bên tay cầm đũa, mà được đặt ở trước mặt người ăn, đầu đũa phải được đặt trên một cái gác đũa gọi là hashioki hướng về phía bên trái.


2. Ở Thái Lan, nhiều món được ăn bằng tay

Một số món ăn miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan thường được ăn bằng tay. Bạn sẽ gặp những món ăn dính dớp và nhầy nhụa phải dùng tay để ăn như cơm nếp chẳng hạn. Còn với những món không có thành phần nguyên liệu từ gạo thì có thể ăn bằng đũa hoặc dĩa.


Rất có thể bạn sẽ phải ăn bằng tay như thế này khi đến Thái Lan


3. Ở Trung Đông, Ấn Độ và một số nước châu Phi, đừng ăn bằng tay trái

Nam Ấn Độ, bạn không nên cầm dao, thìa hay dĩa… bằng tay trái khi ăn. Lý do chủ yếu là vì tay trái phụ thuộc vào các bộ phận khác của cơ thể, do đó nó bị cho là dơ bẩn. Thực tế, bạn cũng đừng cầm những tài liệu quan trọng bằng tay trái. Còn nếu chỉ có một tay trái thì dĩ nhiên là bạn phải sử dụng nó rồi.


4. Trong các lễ hội truyền thống ở Georgia, uống rượu là bất lịch sự

Ở những nơi mà người Georgia gọi là lễ hội truyền thống, rượu vang chỉ được dùng để nâng ly chúc mừng. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau đặt ly xuống. Ở đất nước này, uống rượu chỉ là phần rất phụ.


5. Tại Mexico, không bao giờ ăn bánh Taco với dĩa và dao

Bạn đã bao giờ thấy ngượng đỏ mặt vì làm đổ hết đỗ chiên và nước sốt cay ra trước mặt? Quả là không may. Người Mexico nghĩ rằng ăn bánh Taco với dao và dĩa trông rất ngớ ngẩn và tệ hơn nữa, thế chẳng khác gì ăn Hamburger mà lại dùng dụng cụ ăn bằng bạc cả. Vì vậy, lịch sự nhất là bạn hãy dùng tay để ăn.


6. Ở Ý, chỉ uống 1 ly cà phê Cappuccino trước buổi trưa

Một số người Ý nói rằng uống Cappuccino cuối ngày sẽ khiến dạ dày bị rối loạn, một số người khác thì uống nó thay cho bữa sáng. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ không thấy người Ý gọi một cốc Cappuccino trong quán cà phê vào lúc 3 giờ chiều và chắc chắn là càng không phải sau một bữa tối thịnh soạn. Nếu làm vậy, bạn sẽ ngay lập tức bị gắn mác khách du lịch. Nếu bạn thấy nhất thiết phải uống cà phê sau buổi trưa thì tốt nhất là hãy tự pha cho mình một tách.


Nếu uống cà phê sau bữa trưa tại Ý, bạn sẽ lập tức bị gán mác khách du lịch
7. Tại Anh, luôn đi phía bên trái cửa sân bay và nhớ hỏi thăm về Đức Giám Mục của thành phố Norwich

Không rõ vì sao khi đi qua cửa sân bay lại nhất thiết phải đi về phía bên trái nhưng theo một số người thì đó là nghi thức truyền thống của hải quân (đỗ thuyền bên trái cảng khi cầm lái). Kể cả việc đi bên phải các hàng quán cũng rất lố bịch. Vì vậy, không đi bên phải là tốt nhất.

Người Anh cũng có thói quen chuyền rượu vang sang bên trái sau khi đã rót đủ cho mình. Nếu bạn ngồi cùng một bàn với người Anh, nếu có ai quên “quy tắc” đó, hãy “nhắc khéo” họ bằng câu hỏi: “Bạn có biết Đức Giám mục của Norwich là ai không?”. Nếu họ trả lời không biết thì hãy bảo “Ông ấy là người thật tử tế, nhưng lại luôn quên không đi qua cảng”. Nghe có vẻ lạ nhưng đó là sự thật. Đó là một nghi lễ truyền thống trên toàn nước Anh.


Sau này “Đức Giám mục của Norwich” là một từ người Anh dùng để ám chỉ “người hay quên”.

8. Ở Pháp, không ăn bánh mì như món khai vị

Thay vì ăn bánh mì như món khai vị, bạn hãy ăn nó kèm với thức ăn, đặc biệt, hãy ăn nó với pho mát ở cuối bữa. Thêm nữa, đặt bánh mì trực tiếp trên bàn mà không có vải lót là thô thiển và mất vệ sinh ở bất cứ nơi nào khác nhưng lại hoàn toàn chấp nhận được ở Pháp. Thực tế, đó là việc làm được người Pháp ưa thích.


9. Ở Trung Quốc, không lật cá

Mặc dù, bình thường bạn có thể đã quen lật cá khi ăn hết một bên, nhưng khi ở Trung Quốc, đặc biệt là miền Nam Trung Quốc và Hong Kong, đừng bao giờ làm thế. Bởi với người Trung Quốc, lật cá (phát âm là “dao yue”) là cụm từ tương tự như “may mắn”. Thêm vào đó, lật cá được hiểu là thuyền của ngư dân sẽ lật nhào. Những người tín tâm sẽ kéo bộ xương cá bỏ đi rồi mới ăn phần còn lại phía dưới. Tất nhiên, một bộ phận ngư dân nước ta cũng kiêng kị điều này.


10. Ở Ý, không yêu cầu cho pho mát vào pizza

Cho pho mát vào bánh pizza bị cho là một tội lỗi, giống như đặt thạch ăn kiêng Jell-O trên một ly kem sô-cô-la nguyên chất vậy. Và một số món mỳ ống ở Ý cũng không được cho pho mát vào. Ví dụ, ở Rome, pho mát truyền thống là làm từ sữa chó nên sẽ không cho nó vào các món mỳ. Nguyên tắc hàng đầu là: Nếu họ không mang sẵn pho mát cho bạn thì đừng đòi hỏi.


11. Không ăn bằng tay ở Chile

Khi ở Chile, bất kì món gì, kể cả khoai tây chiên, bạn cũng không nên dùng tay để ăn. Nguyên tắc này ít phổ biến hơn ở nhiều quốc gia Nam Mỹ khác. Vì vậy, kể cả bạn đã quen ăn khoai tây chiên bằng tay thì cũng đừng làm điều đó tại đây. Hãy tôn trọng văn hóa của quốc gia này và chỉ dùng dao và dĩa để ăn.


12. Tại Hàn Quốc, đừng tiếc lời khen ngợi món kim chi

Bạn sẽ làm cho một người Hàn Quốc vui bằng cách không hà tiện lời ca ngợi món kim chi của họ. Người Hàn Quốc uống nhiều rượu, nhưng cũng không phật ý nếu bạn nói không uống được rượu. Dù vậy, bạn vẫn nên để cho họ rót chút rượu vào cốc của mình.

Khi mời một người Hàn Quốc đi ăn hay dự một bữa tiệc của họ, hãy chỉ ăn uống và nói chuyện vui chứ đừng nói chuyện công việc.


13. Không trộn hay từ chối uống rượu Vodka ở Nga

Rượu Vodka luôn khiến người uống say ngay cả khi có đá. Việc pha thêm bất cứ thứ gì vào Vodka đều bị xem là làm bẩn rượu (trừ khi trộn bia vào để sản xuất ra nước giải khát nổi tiếng Yorsh). Nhưng có một hành động sai lầm còn tồi tệ hơn là khi bạn đang được ai đó mời uống rượu mà bạn lại đặt nó xuống. Khi ai đó mời nhau uống rượu Vodka là thể hiện sự tin tưởng và tình bạn.


Đó là một ý nghĩa tốt đẹp, ngay cả khi lúc ấy là 9 giờ sáng.

14. Ở Trung Đông, hãy lắc cốc nếu bạn đã uống đủ cà phê

Thông thường, những người có dòng máu Ả Rập sẽ tiếp tục đổ thêm cà phê vào cốc cho bạn nếu nó cạn, trừ khi bạn lắc chiếc cốc. Lắc cốc hay nghiêng ly 2-3 lần nghĩa là bạn đã uống đủ. Đó là một mẹo nhỏ quan trọng.


15. Tại Brazil, hãy dùng thẻ mua hàng một cách khôn ngoan

Ở nhà hàng của người Brazil, thực khách thường phải sử dụng thẻ để đặt các món ăn. Nếu người phục vụ mang ra món mà bạn thích, hãy ngửa mặt xanh lá cây của chiếc thẻ lên. Nếu bạn không muốn ăn, hãy lật mặt đỏ của thẻ lên. Đó chính là chiến thuật để sử dụng thẻ mua hàng một cách khôn ngoan.

(theo petrotimes)

Văn hóa ẩm thực - PHONG CÁCH ĂN UỐNG CÓ VĂN HÓA (Trong Gia đình có đạo thiên chuá)


  “Học ăn học nói học gói học mở” là lời răn dạy của tiền nhân đối với con cháu trong gia đình dòng tộc: 
- Ăn thế nào cho có văn hoá? 
- Nói thế nào cho lễ độ lịch sự? 
- Gói, mở thế nào cho đẹp mắt cả về hình thức và ý nghĩa về nội dung?
Đây chính là những đức tính nhân bản mà mọi người đều phải học tập trong suốt cuộc sống nếu muốn làm người trưởng thành về nhân cách và được người khác kính trọng.
Sở dĩ phải học ăn học nói, vì tuy chỉ là những việc ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm tốt, giống như treo một bức tranh lên tường ai cũng làm được, nhưng không phải mọi người đều treo được bức tranh cho ngay ngắn và hòa hợp với bức tường ở phía sau.
Vậy trước tiên hãy học cách ăn uống sao cho lễ độ lịch sự vì "nhân cách" của một con người và cần phải ăn uống ra sao cho "có văn hóa"?

I. PHONG CÁCH ĂN UỐNG VÔ VĂN HÓA CẦN TRÁNH:
Người bất lịch sự không biết nghĩ tới người khác khi ăn uống: Họ có thể ợ ngáp như ở trong phòng riêng. Họ có thể húp canh sùm sụp. 
Có người vừa nhai nhồm nhoàm đồ ăn vừa nói to tiếng, khiến thức ăn trong miệng văng sang người bên cạnh. Có người không biết mời mọc những người cùng bàn. 
Việc dùng đũa gắp thức ăn bỏ vào chén đĩa của khách quý tuy muốn thể hiện sự thân thiện, nhưng lại vô tình gây khó chịu cho khách do việc dùng đũa đang ăn mất vệ sinh, lại khiến khách phải khó xử khi không thích dùng món ăn đó. 
Trừ khi có mối quan hệ thân tình với gia chủ hoặc theo thông lệ địa phương, người ăn tiệc cần tránh mang đồ ăn dư về cho người ở nhà.

II. PHONG CÁCH ĂN UỐNG CÓ VĂN HÓA CẦN TẬP LUYỆN:
Phong cách ăn uống có văn hóa là khi biết nghĩ đến người khác như sau:
1) Trước bữa ăn trong gia đình: Nên ấn định giờ ăn và mọi người cần hiện diện đúng giờ. Người đến trước nên chờ người đến sau. Trừ khi phải chờ quá lâu, và sắp tới giờ phải làm việc khác như đứa con cái đi học...
2) Gia đình cần tổ chức dùng bữa chung giữa các thành viên ít nhất mỗi ngày một lần, để duy trì bầu khí yêu thương. Trong bàn ăn nên xếp chỗ ngồi theo vị trí lớn nhỏ.
3) Cần tổ chức cầu nguyện trước khi ăn bằng đọc kinh Lạy Cha. Tránh đọc với thái độ chiếu lệ, nhưng tốt nhất nên đọc chung. Cũng có thể chủ nhà dâng một lời nguyện tự phát ngắn gọn hợp với mục đích bữa ăn trước khi mọi người cùng đáp: Amen.
4) Trong bữa ăn, cha mẹ không nên trách phạt con cái hay vợ chồng không nên cãi lộn nhau. Nên khen các món ăn ngon để động viên người nấu và tránh phê bình gay gắt các món ăn chưa vừa miệng.
5) Trong bữa ăn, mỗi người cần tránh chỉ ăn món mình thích, nhưng liệu sao để mọi người đều có phần ăn. Nên quan tâm dọn đủ chén bát, muỗm đũa, dĩa ly.... Muốn nhờ ai lấy giúp đồ ăn trên bàn, cần lựa thời điểm thích hợp. Người giúp lấy đồ ăn không nên lấy đầy chén, vì có thể người kia còn lấy thêm món khác. 
Khi để phần thức ăn cho người về sau, nên để ra một dĩa riêng. Nên kín đáo bỏ xương xẩu hay đồ ăn không hợp miệng vào khăn ăn bên cạnh. Tránh vứt đồ ăn xuống nền nhà vì mất vệ sinh chung.
6) Khi tham dự các bữa tiệc tự chọn (Buffet), mỗi người cần phải xếp hàng lấy đồ ăn theo thứ tự trước sau. Ai lấy trước tránh lấy quá nhiều vì ăn không hết phải bỏ đi, đang khi những người lấy sau lại không còn các món ngon.
7) Trong bữa tiệc liên hoan, tránh ép nhau uống nhiều bia rượu vì vừa có hại cho sức khỏe, lại vừa gây lãng phí tiền bạc của gia chủ. Tránh ngồi dự thêm bữa tiệc sau dành riêng cho người phục vụ, để khỏi gây phiền hà cho gia chủ và người nấu nướng cần dọn dẹp để về nhà sớm ăn uống nghỉ ngơi.
8) Khi tham dự tiệc liên hoan nhà hàng, cha mẹ không nên mang theo con cái, để tránh phiền hà cho gia chủ. Cha mẹ không nên để con trẻ tự do nô giỡn trên sân khấu gây mất trật tự và trở ngại cho việc biểu diễn của các ca sĩ.
9) Trong các bữa ăn tập thể riêng nhóm gia đình, mỗi người nên thể hiện tinh thần phục vụ bằng việc giúp đỡ dọn dẹp chén bát trước và sau bữa tiệc


Văn hóa ẩm thực - CÁCH ỨNG XỬ TRÊN BÀN TIỆC LỊCH SỰ TAO NHÃ.

A/ Chú ý trong bàn tiệc:

1.Cách dùng dao, nĩa:

Cầm nĩa bằng tay trái và dao bằng tay phải. Nếu bạn thuận tay trái, có thể cầm ngược lại. Giữ dao, nĩa một cách thoải mái bằng ngón cái, trỏ và giữa.

Nhẹ nhàng xiên nĩa qua vật cần cắt, dùng ngón trò ấn vào nĩa để cố định thức ăn. Trong khi đó, tay phải cắt bằng cách di chuyển mũi dao qua lại một cách nhẹ nhàng, dứt khoát. Không cắt quá 1-2 lần mỗi miếng.

Đặt dao nĩa ở mép phải đĩa, lưỡi quay vào trong, đối diện cơ thể. Không đặt dụng cụ ăn đã dùng lên bàn, nếu đánh rơi hay chạm vào khăn bàn hãy đề nghị đổi cái khác.

2. Nghe điện thoại khi dự tiệc

Khi đến nhà hàng hoặc nhà ai đó ăn tối, trước khi ngồi vào bàn ăn bạn nên tắt điện thoại di động hoặc chuyển sang chế độ rung. Nếu bạn đang chờ một cuộc gọi quan trọng, hãy xin phép trước với chủ nhà, điều này sẽ tránh gây cảm giác khó chịu.

Tuyệt đối không đặt điện thoại trên bàn để trông chừng ai đó gọi bạn, điều này khiến người cùng ăn cảm thấy bạn không tôn trọng họ, và họ không quan trọng bằng người bạn đang chờ điện thoại.

Tránh xem điện thoại nếu nó rung lên trong túi bạn khi đã ngồi vào bàn, nếu cần xem ai gọi tới nên kiểm tra kín đáo dưới bàn. Xin phép mọi người và ra khỏi bàn nghe điện thoại nếu đó là cuộc gọi khẩn. Nên hạ thấp giọng khi trả lời điện thoại trong nhà hàng, kể cả không còn ở bàn tiệc, sau đó khi trở lại hãy xin lỗi một lần nữa.

3. Cách dùng khăn ăn

Bạn có thể đặt khăn nên vạt áo, nhặt khăn từ một góc và trải rộng ra. Chấm miệng nhẹ vào khăn ăn trước khi bạn dùng thức uống. Điều này nhằm tránh vụn thức ăn dính lên miệng ly.

Bạn nên chú ý khi lau để khăn không che kín mặt. Lưu ý không dùng khăn ăn như khăn tay, để lau các vết bẩn trên áo hay cà vạt.

Đặt khăn ăn bên trái đĩa nếu bạn ra ngoài và có ý định trở lại. Che miệng bằng khăn ăn nếu bạn sắp ợ hơi. Kết thúc bữa ăn, đặt khăn ăn trên bàn, gần đĩa của mình.


B/ Nghệ thuật ăn uống trên bàn tiệc

Nghệ thuật ăn uống cũng là một điểm cần lưu ý trong văn hóa giao tiếp.
Bạn được mời đi tham dự một bữa tiệc, và bạn thấy hơi lúng túng vì từ trước đến giờ bạn chỉ tham dự các bữa cơm thân mật trong gia đình hay cũng chỉ dừng lại ở các bữa tiệc sinh nhật bạn bè, nơi mà bạn có thể ăn uống thoải mái mà không cần câu nệ.

Nhưng trong một buổi tiệc sang trọng, khung cảnh lịch sự với nhiều người quan trọng , bên cạnh việc giao tiếp tốt, cử chỉ thân thiện thì bạn cũng phải đặt sự quan tâm đến nghệ thuật ăn uống để gây ấn tượng tốt với người xung quanh.

Trước khi đến buổi tiệc bạn nên tìm hiểu đó là tiệc đứng hay tiệc ngồi để có cách ứng xử cho phù hợp. 

- Đối với tiệc đứng (buffet):

Bạn nên tìm hiểu kĩ các đặc điểm của nó để có cách ứng xử khéo léo. Dưới đây là một vài đặc điểm bạn cần lưu ý.
  • Quy luật chọn món: Buffet là tiệc tự chọn với nhiều đồ ăn khác nhau được đặt trên bàn theo hàng dãy. Bạn có thể chọn những món bạn thích nhưng phải theo quy luật từ món khai vị đến món tráng miệng, từ mặn tới ngọt, từ món khô rồi mới đến món nước, món nguội trước rồi món nóng sau, nhưng cái hay của tiệc đứng là bạn không bị ép hay phải ăn tất cả các món như thế. Tốt nhất bạn nên dành một chút thời gian xem qua bàn tiệc để có thể lựa chọn những món bạn thích.
  • Bước thứ hai là chuẩn bị dụng cụ: bạn có thể chọn dao, nĩa hay thìa, còn phụ thuộc vào món bạn chọn. Bạn chú ý một tay cầm đĩa thức ăn, một tay cầm dụng cụ để tránh làm rơi dao nĩa.
  • Một số lưu ý: Trong khi chọn thức ăn bạn không nên chen lấn, không nên đứng trước một món quá lâu để để nhường chỗ cho ngừơi khác chọn, trong khi gắp thức ăn phải dùng dụng cụ gắp riêng không được dùng thìa nĩa của mình. Khi ăn bạn không nên phát ra tiếng động quá to, ăn nhỏ nhẹ, lần lượt từng món, không nên ngậm thìa hay dĩa. Khi ăn xong bạn hãy gác dao nĩa chéo theo hình chữ X lên đĩa có nghĩa là bạn đã ăn xong để phục vụ đến thu dọn. Sau đó bạn có thể chọn món khác theo ý thích.
  • Một điều tối kị trong tiệc buffet đó là bạn không nên để thừa thức ăn trên đĩa, như vậy sẽ bị coi là lãng phí, bạn hãy lấy đủ lượng dùng thôi.
  • Một lưu ý nhỏ là nếu bạn vẫn còn thấy lúng túng trong khi ăn uống thì hãy quan sát người khác rồi “ bắt chước” theo. Cách này có thể khiến bạn ăn chậm hơn bạn bè nhưng chỉ số an toàn lại rất cao. Hoặc nếu gặp khó khăn gì bạn có thể nhờ phục vụ giúp đỡ, họ sẽ luôn sẵn lòng phục vụ bạn.

- Đối với tiệc ngồi

Tiệc ngồi thường nguyên tắc và phức tạp hơn tiệc đứng, bạn sẽ được phục vụ những món theo thực đơn vì thế hãy học cách ứng xử trong ăn uống sao cho bạn có thể thuần thục khi gặp bất cứ món ăn nào.


+ Tư thế ngồi: bạn nên ngồi thẳng lưng, khoảng cách từ ghế tới mặt bàn khoảng một gang tay, tuy nhiên khoảng cách này có thể thay đổi miễn sao bạn có tư thế ngồi thoải mái. Nếu có túi xách bạn nên để phía sau lưng ghế, không được ngồi khoanh chân, hay rung đùi, không chống tay lên cằm.

- Cách dùng khăn ăn và dụng cụ ăn:

+ Khăn ăn: gấp gọn gàng và dùng bốn góc của khăn nhẹ nhàng lau quanh miệng, không nên dùng khăn lau ngang miệng tránh gây phản cảm.

+ Dụng cụ ăn: đối với đồ ăn Tây cần dùng dao nĩa: tay phải cầm dao, tay trái cầm nĩa, vừa cắt vừa ăn. Khi cắt thức ăn phải nhẹ nhàng tránh gây tiếng động, tránh bị rơi vãi lung tung. Nếu là món ăn dùng đũa thì hãy gắp từng miếng nhỏ, không nâng bát để húp món canh, không được để dụng cụ của mình lung tung tránh nhầm lẫn đối với người khác.

- Cách dùng đồ ăn và uống:

  • Món khai vị: thường là món súp. Món súp thường được đặt trong 1 bát nhỏ hoặc đĩa sâu lòng, bạn sẽ dùng thìa để ăn, tránh cầm cán thìa xa quá hoặc gần quá gây mất thẩm mĩ. Nếu món súp còn nóng bạn có thể khuấy qua cho nhanh nguội, nên múc từng thìa nhỏ để ăn, tránh cầm cả bát húp hay để thìa va chạm vào thành bát gây tiếng động, không nên vét sạch đĩa súp.
  • Món ăn chính: tùy theo mỗi loại thức ăn mà có kiểu ăn cho phù hợp.

Đối với món cá, dùng dao nĩa xẻ cá dọc theo phần xương, ăn từ nửa dưới lên trên.
Đối với món thịt, cắt thành từng miếng nhỏ cho vừa ăn, riêng thịt gà và các món hải sản như tôm cua có thể dùng tay, nhưng chú ý phải rửa tay sau khi ăn xong. 

Bát rủa tay thường là 1 bát thủy tinh nhỏ, nước trong có vài cánh hoa hồng rắc lên trên, khi rửa không nhúng cả bàn tay vào kì cọ mà chỉ nhẹ nhàng chấm các đầu ngón tay vào nước.

- Đồ uống:
  • Ở các buổi tiệc ngồi người ta hay phục vụ rượu và nước ngọt. Bạn không nên uống rượu khi miệng còn thức ăn, không nên uống quá nhiều sẽ mất tỉnh táo. Nếu bạn không uống được rượu hãy úp cốc xuống bàn, khi nâng cốc có thể thay thế bằng nước ngọt, có thể nâng cốc bằng rượu nhưng bạn chỉ cần chạm nhẹ môi rồi hạ cốc xuống.
  • Khi ăn xong bạn cũng nên để dụng cụ song song trong thành đĩa để phục vụ dọn đồ đi. Nếu chẳng may bạn làm rơi vỡ đồ gì đó không nên hoảng hốt hãy ngồi yên sẽ có người đến dọn dẹp.
Trong lúc dự tiệc kĩ năng giao tiếp dường như không đủ mà cả cung cách ăn uống cũng sẽ thể hiện rõ phong cách của bạn, vì vậy hãy ăn uống sao cho “đẹp” để gây cảm tình với mọi người.

C/ Cách cư xử trong buổi tiệc:

Tôi nhận ra rằng khi những đứa trẻ trở nên lớn hơn, sự hời hợt trong nền văn minh hiện nay sẽ nhấn chìm cả sự hồn nhiên của trẻ. 

Khi trẻ khoảng 6 tuổi hoặc nhỏ hơn, hầu hết các em có thể bắt chước tốt việc giữ bình tĩnh,  tôn trọng luật lệ, và duy trì những thái độ tốt này trong khoảng một giờ nếu như các em không phải chịu quá nhiều áp lực.

Tham gia vào buổi tiệc của chính mình sẽ là ngày hồi hộp nhất trong năm, nhưng vẫn rất căng thẳng, và điều này chính xác đối với trẻ học cấp 2 (cấp 3, hoặc những trẻ nhạy cảm), sự thất bại trong việc tổ chức sinh nhật cho trẻ là một hiện tượng thường gặp.

Tất cả mọi người đều khéo léo cố tình phớt lờ buổi tiệc, và những giọt nước mắt hoặc sự giận dữ sẽ còn xót lại trong ký ức về sinh nhật lần đó.

Tuy nhiên, trong khi chúng ta vẫn kéo dài sức chịu đựng những đứa trẻ trong bữa tiệc sinh nhật, chúng ta nên kiềm chế việc biểu lộ cảm xúc tùy tiện đối với buổi tiệc của những trẻ chưa đủ tuổi đến trường. 

Những đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học, chúng đã từng tham gia nhiều buổi tiệc trước khi bắt đầu học cấp một thì sẽ có khả năng điều khiển được các hành động của mình với sự tự tin.Chúng cũng sẽ điều khiển được sự lịch thiệp đã đề cập ở đây.

Bởi vì phụ huynh thì hiếm khi ở lại buổi tiệc cùng những đứa trẻ của họ kể từ khi trẻ lên 6 tuổi, bạn nên hướng dẫn cho con mình một số quy tắc cơ bản sau trước khi để lại con của bạn ngồi lại một mình với những món quà.

Một vài hành động này có thể do vô ý, nhưng một vài lại trong số đó là đặc trưng tùy thuộc vào mỗi trường hợp riêng. Nói thật là, những người tổ chức tiệc khéo léo thì sẽ không mấy bận tâm nếu những lỗi đó có thể bỏ qua được. Nhưng nếu con của bạn có thể làm được điều này, bé chắc chắn sẽ tạo được một ấn tượng rất tốt.

1. Chào hỏi người tổ chức
Điều tự nhiên mà một đứa trẻ thường làm là tìm kiếm bạn gái trong buổi tiệc và trao quà. Nhưng lời nói thân mật “Xin chào” đối với người tổ chức buổi tiệc cũng rất quan trọng. Hầu hết người lớn thực hiện việc này dễ dàng bằng cách mở đầu và chào hỏi những vị khách. Tất cả những gì mà một đứa trẻ có thể nói là “Xin chào, bà Farley”. Và có thể thêm vào đó một nụ cười.


2. Hãy là một người có tinh thần thượng võ
Khi chúng ta đã lớn, những trò chơi luôn có tính cạnh tranh cao hơn, và chỉ có một vài người dành được giải thưởng mà thôi. Ngày nay, phụ huynh thường đưa ra ý tưởng về trò chơi để tránh tình trạng căng thẳng. 
Nhưng trẻ con lại thích cạnh tranh. Và nơi nào có những người thắng cuộc, thì cũng có những kẻ thua cuộc. Tinh thần thượng võ vẫn là một yếu tố tạo nên buổi tiệc.

3. Hãy đừng phàn nàn
Tổ chức một buổi tiệc sinh nhật cho trẻ em thì không thú vị gì cả. Có quá nhiều điều phải suy nghĩ và mọi thứ luôn ồn ào một cách khó chịu. Những lời than phiền hoàn toàn không thích hợp tý nào. 
Năm nay tại buổi sinh nhật của Will, khách mời đã chơi đá banh và bóng chày, ngoại trừ một cậu bé là không thích chơi thể thao.

Vậy nên cậu ấy cứ đá trái bóng lung tung vô phương hướng cho đến khi mọi người vào ăn bánh kem. Tôi cảm thấy đáng tiếc cho cậu ấy, nhưng tôi bận quá nên không thể bày trò cho cậu bé giải trí được. 
Và tôi vô cùng cảm kích tính nhẫn nại chịu đựng của cậu về thứ mà rõ ràng không có gì hấp dẫn đối với cậu ấy. Tôi nghĩ rằng hành động đó thật lịch sự.

4. Cảm ơn người đã đưa giỏ quà cho bạn
Những giỏ quà là một gánh nặng khủng khiếp khác đối với phụ huynh. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều muốn hoàn thành việc này sớm, nhưng ta không biết cách để tổ chức nó như thế nào trong khi lũ trẻ thì rất mong chờ những giỏ quà. 

Chỉ cần ngắm ánh mắt lúc chúng bước vào căn phòng, cố khám phá nơi mà những món quà đã được giấu đi. Chúng nên cảm ơn người đã đưa chúng những giỏ quà, mặc dù chúng cảm thấy rằng nhận được quá ít.



5. Cảm ơn gia đình tổ chức buổi tiệc khi bạn rời tiệc
Nếu bạn đưa bé rời khỏi buổi tiệc, bạn có thể nói một lời tạm biệt trân trọng. Còn nếu bạn không có mặt ở đó, nhớ rằng hãy nhắc con bạn điều đó trước khi rời tiệc. Tôi không chắc rằng bé sẽ tự làm được, nhưng bạn nên cố gắng thử.

6. Nói với người tổ chức rằng bạn đã có một khoảng thời gian vui vẻ
Đây có thể là một ví dụ của đời sống xã hội. Hoặc có thể đây là cách cư xử sao chép của sự nhiệt tình chân thật cho dù con bạn là một diễn viên tệ và không thể che giấu được rằng bé thực sự chẳng thích phim 3-D một tý nào cả, thể hiện một sự hài lòng trên mặt về mọi thứ sẽ làm người lớn quý mến bé.


ĐÔI ĐIỀU LƯU Ý KHI ĐI DỰ TIỆC CƯỚI
  • Nên xem rõ ngày giờ, đặc biệt là địa điểm, nơi tổ chức tiệc cưới, để tránh nhầm lẫn khi nhà hàng có đến 3, 4 đám cưới. Không nên đến muộn.
  • Nếu bận việc, không đến dự tiệc được, nên thông báo cho gia đình cô dâu, chú rể biết trước. Khi đi dự đám cưới, bạn nên ăn mặc lịch sự, đẹp. Không nên dẫn theo trẻ em.
  • Nếu có khả năng, bạn hãy chuẩn bị sẳn một bài hát, hoặc một vài câu chuyện dí dỏm để có thể góp vui cùng hôn lễ, khi được gia chủ yêu cầu.
  • Nên ngồi theo sự hướng dẫn của người đón tiếp. Hãy chủ động đổi chỗ ngồi trong bàn tiệc, nếu người bên cạnh không thuận tay với bạn, hoặc bàn bên còn thừa chỗ, còn bàn của bạn chỉ có một vài người.
  • Quà tặng của bạn nên có một bưu thiếp đính kèm, ghi lời chúc mừng và tên của bạn (tức người tặng quà).
  • Không nên so sánh, bình phẩm cô dâu này với cô dâu khác hay chê bai về các món ăn trong bữa tiệc.
  • Không nên ép chú rể và cô dâu uống nhiều bia rượu, cũng như đừng nên quá chén trong tiệc cưới bạn bè.