Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

ĐI DU LỊCH - Bí quyết du lịch bụi


Du lịch "bụi" (hay còn gọi là du lịch ba-lô, tiếng Anh: Backpacking Tourism) là loại hình du lịch thường được các cá nhân hay một nhóm nhỏ áp dụng. Hình thức này phù hợp cho việc khám phá thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống thường ngày của dân địa phương. Hoàn toàn khác với hình thức đi tour, du khách sẽ bị bó buộc trong một không gian và phải bị giới hạn thời gian lịch trình của chuyến tour.


"Ta Ba-Lô" là một khái niệm khá quen thuộc trong giới trẻ năng động ngày nay.
Để có một chuyến du lịch bụi đúng nghĩa thì phải đảm bảo "no-tour" (không theo tour) và "no-guider' (không người hướng dẫn). Sẽ chuyên nghiệp hơn nếu kèm theo cả "no-bus" và "no-hotel". Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải kiêm luôn tất cả mọi thứ.

Vậy làm sao để có một chuyến du lịch bụi vừa thú vị vừa ý nghĩa lại còn tiết kiệm? Vài kinh nghiệm sau đây có lẽ sẽ giúp ích cho bạn.

1/ Lên kế hoạch chi tiết:

Việc quan trọng nhất chính là khâu lên kế hoạch. Đối với các chuyến đi tới các vùng đồi núi heo hút, thì việc chọn thời điểm khởi hành là cực kỳ quan trọng để tránh các rủi ro khách quan. Đi miền núi phía Bắc trong khi có áp thấp, hoặc vào những ngày tháng 7 - 8 nhiều mưa lũ, dễ sạt đường... thì quả là quá nguy hiểm. Bởi vậy, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, khi lập kế hoạch hãy hỏi qua ý kiến của những người đã từng du lịch qua cung đường đó để nhận được những lời khuyên hữu ích.

Nếu bạn đã trót mê du lịch "bụi", ngay từ bây giờ hãy trang bị những kỹ năng vô cùng cần thiết như: bơi lội, cứu người, hô hấp nhân tạo, băng bó, kỹ thuật chạy xe máy đường trường, đường đèo, cách xem la bàn...

Ngoài ra, các bạn cũng cần biết tới những cái nhỏ nhất như đi dép gì không trơn trượt, khi giày bị ướt hãy lấy báo cũ vò nhàu nhét vào trong giày và thay báo liên tục, khi cả giày và tất đều ướt thì hãy lấy bao nilon đi vào bên trong rồi mới đi tất ra ngoài, khi di chuyển nhiều giờ không nên mặc quần jeans quá chật, nên có khăn quàng cổ để tránh bị đau họng khi nhiệt độ thay đổi liên tục...

Khi đi đoàn đông, một điều rất quan trọng mà các thành viên cần tuân thủ để đảm bảo an toàn, đó là ý thức tôn trọng kỷ luật. Mỗi đoàn nên bầu ra trưởng đoàn để chỉ đạo chung, nếu đoàn quá đông thì chia thành nhiều nhóm nhỏ có người phụ trách riêng.

Nhóm trưởng nắm rõ thông tin về thành viên như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, biển số xe, xe chở những ai, ai phụ trách việc gì, chế độ báo cáo nếu ai có ý định tách đoàn, quy định tốc độ di chuyển... Đã có không ít trường hợp thành viên không tôn trọng kỷ luật chung, ví dụ như phóng rất nhanh, đến sớm hơn đoàn hoặc về nhà trước cả đoàn, khi đi chơi thì tách riêng không báo cho đoàn biết, khiến những người còn lại phải chờ đợi hoặc chia nhau đi tìm vì sợ người đó lạc đường...

Một chuyến đi sẽ thú vị và hữu ích hơn nữa khi bạn quan tâm mở rộng kiến thức của mình về nơi mình đến: phong tục tập quán, địa hình, đặc tính các loài động thực vật. Làm sao để sau khi kết thúc chuyến đi, mỗi người đều có thêm kiến thức và cảm xúc.


2/ Những vật dụng cần thiết mang theo:

- Chanh: Những bất tiện trên đường đi sẽ mang đến cho bạn nhiều bực bội và chán nản. Bụi đường và việc vệ sinh không tiện nghi có thể sẽ chính là nguyên nhân khiến chuyến du lịch của bạn trở thành ác mộng. Giải toả mệt mỏi bằng cách sử dụng chanh, xẻ đôi và đặt vào vòi nước đang chải. Hương thơm của chanh có thể giúp ích bạn thư giản vô cùng hiệu quả. Chanh cũng có tác dụng làm dịu vết muỗi đốt.

- Túi nhỏ đựng vật dụng cá nhân: Những vật dụng cá nhân như bàn chải, khăn mặt, băng cá nhân, kem chống muỗi,… là rất cần thiết nhưng cũng cực kỳ dễ đánh rơi hoặc bị bỏ quên đâu đó. Hãy sử dụng một chiếc túi kéo nhỏ, cho tất cả các vật dụng cá nhân vào trong, bỏ vào ba-lô và bạn đã có thể yên tâm tiếp tục chuyến hành trình.

- Giấy tờ tùy thân, ảnh chụp của người thân (chồng, con cái, cha mẹ lớn tuổi)

- Khăn giấy, kem chống nắng.


- Túi đựng vật dụng sơ cứu gồm: thuốc cảm, hạ sốt, kem dị ứng, thuốc tiêu hóa.
Radio, điện thoại, máy mp3, sách báo: Chúng sẽ là những vật dụng tiêu khiển giúp bạn thư giản hoặc đốt cháy thời gian khi ngồi trên xe.

- Thay những chiếc đĩa, usb chứa đựng tài liệu quan trong của mình bằng việc lưu vào hộp thư email của mình tất cả những tài liệu trên. Việc làm này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều nếu như trong thời gian du lịch và lại gặp một tình huống khẩn cấp ở công ty cần giải quyết.

- Bạn nên đánh dấu balo, vali và túi xách của mình, tránh việc có ai đó mang giỏ xách cùng loại với bạn và giỏ của cả hai sẽ bị mang nhầm, rất phiền phức.

3/ 10 bí quyết tiết kiệm:

- Thứ nhất, ngủ dorm (phòng ngủ tập thể, nhiều giường dành cho khách du lịch ba lô).

- Thứ hai, ăn bụi (ăn ngoài đường, không vào nhà hàng sang trọng).

- Thứ ba, sử dụng giao thông công cộng hoặc đi bộ (vừa đỡ tốn tiền, vừa quan sát nhiều, vừa có cơ hội ăn nhiều món ăn địa phương - đi bộ thì dễ đói bụng nên ăn nhiều chứ sao).

- Thứ tư, kết bạn với những tay đi bụi khác để học hỏi kinh nghiệm tiết kiệm và để chia sẻ tiền taxi khi cần.

- Thứ năm, thân thiện với người địa phương (vừa để học hỏi ít tiếng địa phương để khi đi chợ trả giá cho dễ, vừa hỏi thông tin trong khu vực).

- Thứ sáu, an toàn cho bản thân là trên hết nên không la cà quán bar, nhậu nhẹt (vừa tốn tiền vừa nguy hiểm bởi vì môi trường phức tạp ở đó và không khí làm cho người ta uống trên khả năng của mình).

- Thứ bảy, giỏi truy cập Google để tìm vé máy bay giá rẻ và tìm những nơi có giảm giá, khuyến mãi.

- Thứ tám, phải có thẻ thanh toán quốc tế để phòng trong trường hợp thấy vé máy bay quá rẻ là mua ngay, nếu chậm người khác "rinh" mất. Ngoài ra, còn có thể phòng thân trong trường hợp mất sạch tiền.

- Thứ chín, mang theo ba lô càng nhỏ càng tốt để tránh mua nhiều đồ mang về - vừa tốn tiền vừa phải mang vác nặng.

- Thứ mười, phải biết chút ít tiếng Anh để làm vốn - nếu không biết thì học ngay bây giờ. Không cần phải giỏi lắm chỉ cần có trí nhớ tốt, khả năng "tám" và ham muốn học hỏi là được.



Bất trc du lch 'bi'

Những chuyến "phượt": no-tour, no-guide, no-bus, no-hotel.. thỏa mãn thú "xê dịch" của tuổi trẻ, nhưng dễ xảy ra tai nạn hoặc khiến bạn vô tình phạm tội.


Tai nạn rình rập

Hiện trên rất nhiều diễn đàn, các topic có hai chữ "du lịch" thu hút hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Nào là "leo Phanxipăng, có ai đi không?"; "loa loa chiến hữu gần xa, tháng tới đi Tuy Hòa - Phú Yên, Thung Nai - Thanh Thủy 2 ngày; Hà Giang trong 4 ngày, lôi kéo và hỏi han chút nào!"; "thiết kế" tour lên Bắc Hà - Mù Căng Chải, ai ủng hộ?"... 
Du lịch bụi trở thành niềm đam mê của nhiều bạn trẻ, vì giúp thỏa mãn thú vui chinh phục cung đường khó, khám phá con người, văn hóa ở những vùng đất mới. Nhưng cũng từ những chuyến đi như thế, nhiều tin buồn và nỗi đau xảy ra...
21h một ngày cuối tháng 2/2009, trên đường Thái Nguyên đi Bắc Cạn, hai bạn trẻ du lịch bụi trên xe máy đã đâm phải một người đi đường khiến người này tử vong tại chỗ.

Người lái xe là sinh viên ĐH Mỏ - Địa chất, bị thương nặng, dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Người ngồi sau xe là nữ sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, được đưa về cấp cứu tại BV Việt - Đức (Hà Nội), nhiều nguy cơ liệt nửa thân.

Sau tai nạn đó, cư dân mạng liên tục cảnh báo, kể lại những câu chuyện đáng tiếc khác. Như năm 2007, một bạn nữ trong chuyến du lịch "bụi" đầu đời (đến Cao Bằng) tử nạn khi trượt chân xuống dòng suối chảy xiết. Những câu chuyện như một lời nhắn nhủ: hãy tự bảo vệ mình, cẩn thận khi du lịch "bụi".

Vô tình thành… buôn lậu

Nguy hiểm đối với dân du lịch bụi không chỉ là những tai nạn. Hiện một số địa danh thú vị với khách du lịch như các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia… đồng thời là nơi hoạt động của bọn tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy và các loại hàng cấm. Nếu không cảnh giác, rất có thể du khách sẽ vô tình tiếp tay cho những đối tượng này.
Thủ đoạn của chúng có thể không mới, như xin đi nhờ xe vì ốm, mất tiền bạc.., nhưng nhiều "dân" du lịch “bụi” vẫn “dính” như thường. Vào thăm bản, nhiều người thường được mời uống rượu say khướt, sau đó, các đối tượng xấu sẽ "để nhầm vật lạ" vào hành lý. Ngoài ra, bọn buôn ma túy cũng có những thủ đoạn tinh vi, như bọc heroin cùng thỏi nam châm cỡ lớn rồi gắn lên xe máy của khách du lịch.
Người đi du lịch "bụi" thường tổ chức thành một nhóm, ít thì vài ba người, nhiều thì hơn chục người, phương tiện phần lớn là xe máy, điểm đến là những cung đường hiểm, leo đèo, vượt núi, thậm chí là cả vượt sông sâu, suối to. Những bạn trẻ có cái thú vui này cần thực hiện tối đa những yêu cầu bắt buộc để bảo đảm an toàn từ khi khởi đầu hành trình.


Một số kinh nghiệm khi đi du lịch bụi

- Khi đi du lịch nên đi theo nhóm, tốt nhất là 4 - 5 xe một nhóm. Mỗi nhóm nên có một người kinh nghiệm dẫn đầu, các thành viên khác không được vượt qua người này.
- Các thành viên trong nhóm cố gắng bao quát nhau, tránh bỏ nhau quá xa. Tuyệt đối không tự ý tách đoàn
- Đến ngã ba thì người dẫn đầu sẽ dừng lại và chỉ đường cho các xe tiếp theo. Người đi cuối cùng là người cầm đồ sửa xe.
- Mỗi xe nên cách nhau ít nhất 6 - 10 m, chẳng may nếu xe trước có bị ngã hoặc nổ lốp thì xe sau sẽ không cán phải.
- Không được đi cạnh nhau, hạn chế nói chuyện với xe khác khi đi đường.
- Người ngồi sau nếu thấy người lái chạy nhanh phải kiên quyết góp ý kiến, thậm chí đòi xuống xe hoặc đề nghị người khác trong đoàn chở.
- Luôn giảm tốc độ khi vào cua, chạy đều tay ga, không được cắt côn.
- Dang rộng chân để giữ thăng bằng khi đi vào những đoạn đường bùn đất, trơn trượt.
- Nên đổi đèn pha và cốt liên tục khi đi đường trường ban đêm, vừa giúp tập trung hơn vào con đường vừa gây chú ý với phương tiện ngược chiều.


Không có nhận xét nào: