Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Dạy con nên người - 4 điều con trẻ sẽ cám ơn bạn.


Tất cả những gì bố mẹ làm đều là để tốt cho con nhưng con có hiểu và nghe theo hay không lại là chuyện khác. Vậy làm sao để dạy con nên người mà không cần phải dùng quyền uy hoặc đòn roi để ép buộc trẻ? 

Áp dụng 4 điều dưới đây và con trẻ sẽ phải cám ơn bạn khi chúng khôn lớn.
1/ Yêu thương vô điều kiện.
“Con ngoan thì mẹ mới thương” có phải là câu cửa miệng của nhiều chị em từ khi con còn nhỏ xíu? Thế nhưng, thực tế là mẹ có thể nào không thương con được chăng, cho dù con có không nghe lời đi nữa? Vậy thì tại sao không để cho trẻ biết điều đó? 
Sẽ có những lúc con mắc sai lầm, từ những lỗi nhỏ nhặt “chuyện con nít” tới những vấp ngã lớn hơn khi vào đời, nếu không phải là gia đình thì đâu sẽ là nơi giang rộng vòng tay đón nhận con cho dù con đã làm sai điều gì đi nữa?
 Bố mẹ có thể xem đó là chuyện hiển nhiên nhưng con cái thì không đâu nhé. Với những đứa trẻ từ nhỏ đã chịu áp lực “phải ngoan”, “phải học giỏi”, “phải thành đạt” từ phía gia đình mà không có được sự cảm thông và chia sẻ tương ứng, chúng sẽ ít có xu hướng tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ cũng như quay về nhà những khi gặp khó khăn. 
Ở mặt tích cực, trẻ sẽ học được cách tự giải quyết những vấn đề của mình nhưng nếu nhìn về phía tiêu cực, điều này cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
2/ Duy trì những bữa cơm gia đình.
Điều này nghe bình thường vậy thôi nhưng cuộc sống hiện đại và bận rộn đôi khi khiến chúng ta lãng quên tầm quan trọng của những bữa cơm gia đình. Bố mẹ bận đi làm, con cái bận đi học, nào là học chính khóa rồi lại học thêm, vậy thì còn dịp nào để cả nhà ngồi lại cùng nhau và chia sẻ những câu chuyện hàng ngày tốt hơn là bữa cơm tối? 
Đây chính là cách mà các thành viên gia đình luôn là một phần trong cuộc sống của nhau. Đến một lúc nào đó khi con lớn hơn, có nhiều mối bận tâm hơn, các ông bố bà mẹ sẽ thấy thói quen ăn tối cùng nhau thật sự có giá trị đến nhường nào. 
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là bạn nên biến bữa cơm thành “buổi giáo huấn” vì đúng như ông bà ta đã nói: “Trời đánh tránh bữa ăn”, câu chuyện nơi bàn ăn chỉ nên là những gì nhẹ nhàng và vui vẻ.
Anh chị em trong cùng một nhà cũng cần cách nuôi dạy khác nhau
3/ Cho con quyền quyết định.
Hầu hết các bậc cha mẹ Á Đông đều mong muốn có những đứa con ngoan, biết nghe lời người lớn? Tuy nhiên đã bao giờ bạn nghĩ bạn có thể quyết định thay con đến bao giờ? Và bạn có thể nào ở bên con 24/7 để chỉ cho trẻ biết phải làm thế này hay không được làm thế kia? 
Đây chính là lý do tại sao bạn cần tập cho con tự quyết định những chuyện của bản thân ngay từ nhỏ miễn là điều đó không ảnh hưởng tới an toàn của trẻ. Nhiệm vụ của bạn là giúp bé hiểu được mỗi lời nói, hành động của trẻ sẽ có những tác động nhất định, sau đó để trẻ tự suy nghĩ và lựa chọn. 
Chẳng hạn khi thấy trẻ giành đồ chơi của bạn By hàng xóm, thay vì la mắng và bắt trẻ trả lại ngay, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu việc trẻ làm khiến cho bạn By buồn và cũng khiến cho bố mẹ buồn kèm theo những lý do cụ thể. Có thể bạn sẽ không thành công ngay từ lần đầu tiên nhưng hãy kiên nhẫn và bạn sẽ thấy kết quả.
4/ Cho con không gian để “nổi loạn”.

Đây chính là cách để bố mẹ “kiểm soát” con cái mà không khiến trẻ cảm giác đang bị kiểm soát. Quá siết chặt kỷ luật sẽ chỉ khiến bản năng nổi loạn trong trẻ bùng lên và tìm mọi cách để “lách luật”. Bạn nghĩ như thế nào nếu ở trước mặt bạn, con tỏ ra ngoan ngoãn và nghe lời nhưng khi bạn đi khỏi, con sẽ làm tất cả những gì bạn vừa bảo là không được làm? 
Thay vào đó, bạn có thể để con làm những điều con muốn ở ngay trước mặt bạn cho dù có thể bạn sẽ không thích những điều đó. Bạn có thể không thích kiểu quần áo con mặc hoặc một người bạn mà con chơi cùng nhưng chỉ nên dừng lại ở việc giải thích cho trẻ lý do tại sao và cho con lời khuyên thay vì nghiêm cấm. 
Bằng cách này, bố mẹ sẽ đảm bảo được mình biết chuyện gì đang xảy ra với con và hạn chế những tình huống nguy hiểm khi trẻ lén lút làm những việc mà bạn hoàn toàn không hay biết.
Dạy con nên người là mục đích chung của tất cả các bậc phụ huynh nhưng lại không có phương pháp giáo dục nào được “đo ni đóng giày” cho tất cả mọi đứa trẻ. Thậm chí ngay cả hai đứa trẻ trong cùng một gia đình cũng cần những cách dạy dỗ khác nhau.
 Hãy làm bạn cùng con, lắng nghe con để hiểu con và biết cách nuôi dạy nào là tốt nhất cho con, bạn nhé.
(MarryBaby)

Không có nhận xét nào: