Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Nuôi con - Bú sữa bình.

Nuôi con sai lầm: Bú bình khi mới sinh

 Không đủ sữa cho con bú, tôi đã cho con ăn sữa công thức và ti bình khi mới sinh. Đây là sai lầm mà tôi và nhiều bà mẹ khác hay mắc phải.
Nguyễn Thu Hương (29 tuổi), sinh sống, làm việc tại Hà Nội chia sẻ cùng Zing.vn về những sai lầm trong cách nuôi con mà nhiều bà mẹ dễ mắc phải. 
Tôi luôn hiểu, với con sữa mẹ là tốt nhất vì rất giàu kháng thể. Thời gian đầu mới sinh, ít sữa, tôi đã cho con ăn sữa công thức (SCT) và ti bình.
Những ngày đầu, tôi vắt sữa bằng tay, rồi dùng máy. Ban đầu, chỉ vắt được tráng bình, cố gắng mỗi ngày vắt 10 lần, mỗi lần 40 - 50 phút mà chỉ được 30 ml cả hai ngực. 
Vì vậy, tôi vẫn không đủ sữa cho con ăn. Con phải ăn thêm SCT. Tôi cảm thấy tủi thân khi ai đó hỏi có đủ sữa cho con ăn không.
Sau đó, tôi nhận ra mình đã sai khi biết rằng hai hormone quan trọng nhất kích thích tiết sữa là prolactin và oxytocin thì tôi không dùng cách nào để tăng hai hormone này.
Con mất phản xạ bú mẹ vì ti bình khi mới sinh:
Việc tập cho con ti mẹ của tôi rất khó khăn vì bé ti bình ngay khi mới sinh. Sau khi sử dụng núm vú giả, bé mất phản xạ bú mút bản năng. 
Ti bình làm cho miệng bé lười, quên đi việc lưỡi phải kích thích massage núm vú mẹ và vắt sữa. Vì vậy, khi bú mẹ, sữa không chảy nhiều và nhanh như bú bình khiến bé cáu gắt.
Mỗi lần hai mẹ con tập ti như tra tấn. Cả tiếng đồng hồ con khóc lóc vật vã, còn mẹ mệt nhoài và căng thẳng. Đặc biệt, tôi sai vì đã ép con tập ti, khiến con sợ hãi.
Tôi khẳng định tập cho con bú mẹ và kích sữa chỉ dành cho các mẹ đã làm sai từ đầu như tôi. Đó là:
- Cho con bú bình ngay sau sinh hoặc trước 6 tuần tuổi.
- Cho con tráng ruột SCT, cho con ăn SCT hoặc ăn kết hợp SCTvà sữa mẹ.
Nếu bạn làm đúng từ đầu thì việc tập cho con bú mẹ và kích sữa không cần thiết. Trong thời kỳ mang thai bạn nên tìm hiểu kỹ những kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ.
Nuoi con sai lam: Bu binh khi moi sinh hinh anh 1
Thu Hương và con trai 9 tháng tuổi. Ảnh: NVCC
Phương pháp tập cho con bú mẹ tự nhiên:
- Không cưỡng ép khiến con hoảng sợ. Hãy để con chủ động tìm núm vú của mẹ để bú mút.
- Dừng cho con ti bằng bình, chuyển sang đút bằng thìa.
- Không nên tập ti lúc con đói. Khi con đói, sữa mẹ không chảy ra nhanh và ngay như ti bình, bé không thấy có sữa sẽ cáu gắt và nhất định từ chối ti mẹ. 
- Hãy tập cho con ti lúc con không quá đói và không quá no. Thời điểm thích hợp lúc là lúc con ngủ gật, lơ mơ, ngủ dậy chưa kịp tỉnh. Lúc này cho con ti trong tiềm thức, con sẽ tự tìm đến vú mẹ.
Bé nhà tôi đến ngày thứ 20 mới chịu bú mẹ và nhất quyết chỉ chịu ăn tầm 6h30 - 7h. Khi đó, dù cả đêm thức trắng mệt mỏi đến đâu, chỉ cần con ọ ọe, tôi liền bật dậy để cho con bú.
Ngày thứ 25, bé bú cữ đầu tiên chỉ 2 phút. Tôi mừng rơi nước mắt, hạnh phúc khôn tả.
Một tháng, bé bú mẹ được khoảng 4-5 cữ/ ngày và 3-4 cữ ăn SCT.
Tập cho con bỏ sữa công thức:
Mắc quá nhiều sai lầm và ngộ nhận, tôi rơi vào vòng luẩn quẩn do mình tự tạo ra. Con không bú mẹ, mẹ vắt không đủ sữa cho con ăn.
Khi đọc nhiều bài viết của các mẹ về tác hại của SCT đối với trẻ nhỏ. Tôi không tin. Tôi cho rằng trẻ con bây giờ ăn rất nhiều vẫn bụ bẫm, khỏe mạnh và thông minh. Người không có sữa hoặc không đủ sữa mới phải cho con ăn SCT. 
Tôi khi đó với tư cách là một người mẹ đang cho con ăn SCT cũng cảm thấy bị tổn thương.
Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh suy xét lại, tôi tìm hiểu những tài liệu gốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Tôi đọc rất kỹ và nhận ra mình đã sai khi nghĩ SCT hoàn toàn vô hại. Những suy nghĩ trước kia của tôi chỉ là ngụy biện của bản thân.
Hơn hết là tình yêu dành cho con đã giúp tôi vượt qua và quyết tâm bỏ hẳn SCT cho con ngay trong ngày hôm sau.
Khi cho con bỏ hẳn SCT, tôi phải đối diện với khá nhiều khó khăn.
Từ phía gia đình, chồng tôi vốn là người luôn ủng hộ việc nuôi con của tôi cũng phản đối gay gắt việc bỏ hẳn SCT, để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Anh cho rằng tôi mơ mộng viển vông, tôi không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ như người ta. Anh còn bảo, tất cả chỉ là lý thuyết vớ vẩn, thiếu sữa mà không cho con ăn thêm SCT, để con đói.
Từ phía con, bị cắt hẳn SCT, con quấy khóc rất nhiều. Tôi hầu như cả ngày chỉ ngủ được 1- 2 h, thời gian còn lại phải bế con ròng rã trên tay. Nhưng bằng tình yêu dành cho con, tôi kiên trì đến lì lợm, vượt qua tất cả những khó khăn đó. Tôi bỏ ngoài tai mọi lời nói của gia đình. Tôi ôm ấp da tiếp da, bế con và dỗ dành con cả ngày lẫn đêm đến kiệt sức.
Bản thân tôi luôn phải tự trấn an như niệm thần chú trong đầu: “Cố lên, cố lên, mình đủ sữa để nuôi con. Hãy tin vào bản năng làm mẹ”.
Ban đầu, con chỉ bú mẹ ban ngày, ban đêm nhất định không chịu bú. Rồi dần dần bé chịu bú mẹ buổi tối và cả đêm.
Sự kiên trì, lì lợm của tôi đã đem lại thành công chỉ sau một tuần. Khi con được 1 tháng 15 ngày, bé đã bú mẹ trực tiếp hoàn toàn cả ngày.
Lời khuyên:
- Tôi không khuyên các bạn từ bỏ hẳn SCT cho con ngay sau đó. Bạn có thể cắt SCT cho con dần dần.
- Phải nắm vững kiến thức, kiên trì và bỏ qua những lời nói, tác động tiêu cực từ mọi người xung quanh.
- Da tiếp da với con càng nhiều càng tốt, ôm ấp vỗ về con để gia tăng tình cảm và sợi dây liên kết giữa hai mẹ con.
- Bản thân phải tự tin vào việc mình đủ sữa để nuôi con. Luôn cho rằng cơ thể không đủ sữa sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sữa do nhận thức. 

11 lợi ích của việc nuôi con bằng sữa bình

Mẹ hẳn đều biết: nếu như việc nuôi con bằng sữa bình không có ưu điểm gì thì những bà mẹ có khả năng cho con bú đã không dùng phương pháp này. Uống sữa bình đúng là có những lợi thế nhất định vô cùng hấp dẫn đối với các bà mẹ, ngay cả khi ta so sánh chúng với ưu điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Sau đây là 11 lợi ích rõ ràng nhất của việc cho con bú bình.

1. Bé no lâu hơn

Sữa bột làm từ sữa bò không dễ tiêu hóa như sữa mẹ; chất bột khi đông lại trong dạ dày bé cũng tồn tại lâu hơn, làm cho bé có cảm giác no trong nhiều giờ, nhờ đó thời gian giữa mỗi lần cho bú sẽ được kéo dài ra thêm 3-4 giờ, ngay cả bé vẫn còn rất nhỏ và cần được cho bú thường xuyên. Trong khi ngược lại, sữa mẹ với tính chất có thể tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn sẽ khiến cho nhiều trẻ sơ sinh như cứ phải dính chặt lấy mẹ. Việc phải cho con bú liên tục như vậy đúng là rất có lợi vì nó sẽ tăng cường chất lượng và số lượng sữa mẹ, nhưng điều này cũng sẽ rất tốn thời gian của mẹ và bé.

2. Các bậc phụ huynh sẽ dễ dàng kiểm soát lượng sữa bé cần

Mẹ sẽ biết được bé đã bú bao nhiêu sữa mỗi lần. Kiểm soát lượng sữa mẹ mà bé đã bú là một công việc rất khó khăn, vậy nên các bà mẹ thường hay lo là bé bú chưa đủ (dù việc này hiếm khi xảy ra vì bé thường sẽ bú đến khi nào đủ thì thôi). Nếu bé bú bình thì vấn đề sẽ vô cùng đơn giản vì bình sữa sẽ cho mẹ biết bé đã bú bao nhiêu. Tuy vậy việc này sẽ trở nên có hại nếu cha mẹ bé cứ hối thúc bé bú nhiều hơn vì lo rằng con mình chưa đủ no.

3. Mẹ sẽ tự do hơn

Mẹ sẽ không phải dính chặt cả ngày lẫn đêm với bé. Mẹ có muốn ăn tối và xem chương trình yêu thích với chồng hay đi đâu đó cho một cuối tuần lãng mạn? Bố mẹ hoặc người trông trẻ có thể giúp đỡ mẹ cho bé ăn nếu bé đang bú bình. Mẹ muốn đi làm lại khi bé đã đủ 3 tháng tuổi? Mẹ sẽ không cần phải ép bé cai sữa hay phải vắt sữa sẵn cho bé. Tất cả những gì mẹ cần làm chỉ là đưa lượng sữa bột cần thiết và dụng cụ pha sữa cho người chăm bé là được. Nếu mẹ là người mẹ đang cho con bú nhưng muốn bổ sung chất dinh dưỡng cho con bằng sữa bột, mẹ cũng có thể tận dụng điều này.

4. Mẹ sẽ bớt vất vả hơn

Những bà mẹ sẽ rất nhẹ nhõm nếu được ngủ mà không phải thức dậy giữa đêm hay tỉnh dậy lúc sáng sớm để cho con bú sau một ngày mệt mỏi. Các ông bố, ông bà, vú em, hộ sinh hay bất kì ai cũng có thể giúp mẹ cho bé uống sữa. Cơ thể người mẹ cũng sẽ ít bị mệt mỏi hơn nếu không phải tạo ra sữa và cho bé bú ngoài việc phải thực hiện những công việc hằng ngày khác.

5. Các ông bố cũng có thể giúp con ăn

Các ông bố cũng có thể giúp bé bú bình. Đây là điều không thể nếu bé được nuôi bằng sữa mẹ, trừ khi bé đang được cho uống thêm sữa bột để bổ sung thêm dưỡng chất.

6. Anh chị em của bé cũng có thể cho bé uống sữa

Bé lớn nhà mẹ sẽ rất muốn được tham gia chăm sóc em bé mới và điều này sẽ không thể xảy ra nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

7. Thoải mái ăn vận

Mẹ sẽ thoái mái chọn đồ khi nuôi con bằng sữa bình. Tủ đồ của các bà mẹ thường không bị gò bó như lúc mang thai, nhưng mẹ sẽ ít khi có cơ hội được mặc tất cả các loại quần áo bởi mẹ sẽ bị gò ép vào những bộ đồ nút cài không quá cao. Lí do là bởi việc cho con bú bắt buộc mẹ phải nâng váy qua eo khi tới giờ cho bé ăn, và đây là một việc hết sức bất tiện.

8. Ít bị hạn chế các phương pháp tránh thai hơn

Người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ bị hạn chế trong việc lựa chọn các phương pháp tránh thai để đảm bảo an toàn cho nguồn sữa của bé, nhưng các bà mẹ cho con dùng sữa bình thì không phải lo lắng về những điều này.

9. Ăn uống thoải mái hơn

Các bà mẹ có thể ngừng ăn phần ăn dành cho hai người để có thể sản xuất đủ sữa cho bé nếu mẹ quyết định cho bé bú bình. Khác với những bà mẹ cho con bú, những bà mẹ cho con bú bình có thể bớt uống một ít protein (chất đạm) và canxi cũng như một số vitamin phụ khác. Họ có thể nhấm nháp một tí ở các bữa tiệc, dùng thuốc, ăn tất cả các món cay và ăn vặt như ý mình mà không phải lo lắng rằng bé sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi sinh con được sáu tuần, mẹ có thể ăn kiêng nhiều hơn để giảm cân và trở về vóc dáng mẹ có trước khi mang thai. Hãy nhớ đây là quãng thời gian tối thiểu bởi cơ thể mẹ vẫn cần thời gian để hồi phục sau sinh. Ăn kiêng là điều mà các bà mẹ cho con bú không thể làm cho đến khi bé được cai sữa bởi mẹ sẽ phải nạp đủ lượng calo cần thiết để có sữa cho con.

10. Ít phải trải qua những thời khắc đáng ngượng nghịu hơn

Nếu các bà mẹ cho con bú có thể bị nhìn một cách tò mò (hay thậm chí là nhìn chằm chằm) ở những nơi công cộng thì chả ai lại nhìn một người đang đút bình sữa cho con quá hai lần cả. Mẹ cũng sẽ không phải lo về những thủ tục phiền hà của quần áo (kéo lại áo ngực, chỉn chu váy, thắt lại nút) sau khi cho con bú.

11. Có cơ hội ân ái nhiều hơn

Sau nhiều tháng phải ân ái trong những điều kiện không thoái mái lắm, nhiều cặp vợ chồng mong muốn tiếp tục việc này. Đối với một số phụ nữ cho con bú, hiện tượng khô âm đạo do thay đổi hormone để tạo ra sữa, cùng với việc mẹ bị đau núm vú và sữa bị rò rỉ có thể làm cho chuyện ái ân trở nên vô cùng khó khăn. Đối với bà mẹ cho con bú bình, việc ân ái có thể được thực hiện với điều kiện là mẹ đã hoàn toàn hồi phục sau khi sinh và giây phút mặn nồng của cả hai sẽ không bị phá rối khi thành viên mới trong gia đình mẹ òa khóc giữa đêm khuya.
Trên đây là 11 lợi ích mà mẹ sẽ được hưởng nếu mẹ quyết định cho con bú sữa bình. Mẹ cũng cần phải tìm hiểu thêm về cho con bú sữa mẹ để có thể cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp cho tình hình của cả mẹ và bé.

Không có nhận xét nào: