Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Nuôi con - Cách cai sữa đêm và bỏ bú cho bé.

A/ Diệu kế cai sữa đêm cho con.


Bé có thói quen bú đêm rõ ràng vừa làm mẹ vất vả, đôi khi cũng ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ của con. Mẹ phải áp dụng diệu kế nào để giúp con cai sữa đêm hiệu quả? 

Xin bật mí cho mẹ nhé!

Khi trẻ 6 tháng tuổi, mẹ nên tập dần cho con thói quen không bú đêm
1/ Con bú đêm nhiều, thiệt mẹ lẫn con:
Không ít mẹ cực kỳ nuông chiều con, vì sợ con nhẹ cân nên vẫn duy trì thói quen bú sữa vào ban đêm dù bé đã lớn. Kết quả là, hàm răng sữa bé xinh của trẻ đen sì vì bị sâu răng đục khoét, ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến “hàng tiền đạo” của con sau này.
Hơn nữa, bú đêm còn tác động tiêu cực đến giấc ngủ của trẻ. 
Làm sao bé có thể ngủ thẳng và ngon giấc khi cứ 2-3 tiếng/lần lại dựng dậy bú sữa? Mẹ có biết, thiếu ngủ sẽ gây hại cho sức khỏe, đồng thời gây cản trở sự phát triển chiều cao của trẻ?

Bú đêm thiệt cho con là vậy, nhưng thiệt cho mẹ cũng không kém cạnh. Thiếu ngủ, làm sao mẹ đủ năng lượng để làm việc và chăm sóc gia đình vào ngày hôm sau? 
Áp lực, căng thẳng quá nhiều không tốt cho sức khỏe cũng như nhan sắc đâu mẹ ạ. Vì vậy, khi bé đủ ngày đủ tháng để cai sữa, mẹ đừng ngại thực thi ngay, càng sớm càng khỏe.
2/ Cai sữa cũng cần thời điểm chuẩn:
Nhu cầu mỗi bé một khác nhau, nhưng cơ bản các bé 4-6 tháng tuổi đã đủ lượng calorie để ngủ thẳng giấc. Tuy nhiên, chuyện cai sữa đêm cho bé không thể thực hiện thành công nhanh chóng một sớm một chiều. 
Nhất là với các mẹ vừa đi làm trở lại sau thời gian ở cữ, buổi tối chính là thời điểm cho con bú và kết nối tình cảm với con nhiều hơn, do đó chuyện cai sữa trở nên khó khăn.
Trong khoảng thời gian bé mọc răng, hay bị sốt, mẹ cũng duy trì thói quen cho con bú để dễ dỗ bé ngủ hơn về đêm. Tình trạng này cũng khiến việc cai sữa đêm càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mẹ lại bỏ cuộc nhanh chóng. Bé còn quá nhỏ để đi vào quy củ, do đó mẹ nên kiên nhẫn và áp dụng chiến thuật từ từ.
3/ Cách cai sữa đêm cho bé cực hiệu quả:
-Cần sự kiên nhẫn: Bắt đầu, mẹ cho bé bú mẹ hoặc bú bình ít dần vào buổi đêm, cố gắng kéo dài thời gian giữa các bữa ăn để bé quen với việc ngủ nhiều hơn. 
Sau khoảng một tuần, bé đã dần quen, có thể bé vẫn tỉnh giấc nhưng đó chỉ là phản xạ cũ. Mẹ nên vỗ về, an ủi để bé ngủ lại, thay vì cho bé bú.
-Cho bé ăn nhiều hơn vào ban ngày: Mẹ nên đảm bảo cho bé ăn đủ nhu cầu trong ngày để trẻ có thể ngủ tròn giấc hơn về đêm.
-Cho bé ăn thêm bữa phụ vào buổi tối sẽ giúp trẻ không bị đói và tỉnh dậy nửa đêm để đòi ăn.
-Khi bé đòi bú lúc nửa đêm, mẹ nên để ba hoặc người khác chăm bé. Mùi quen thuộc của mẹ chỉ khiến bé muốn bú thêm mà thôi. Cách ly vẫn tốt hơn!
-Vỗ về, an ủi bé: Mẹ đừng thấy con quấy khóc đòi sữa mà bực mình, la mắng. Thay đổi thói quen, ai mà chẳng cần thời gian, huống gì con còn quá bé. Do đó, mẹ nên tâm sự thủ thỉ, vỗ về, nhẹ nhàng xoa lưng để bé dễ chịu hơn. 
Cách này giúp con an tâm hơn khi hiểu rằng mẹ ngừng cho con bú nhưng tình yêu mẹ dành cho con vẫn không hề đổi thay.

B/ Cai sữa cho bé như thế nào?

Cũng như việc cho con bú cần rút kinh nghiệm dần dần, việc cai sữa cũng phải mất một thời gian. Tuy nhiên, với một vài chiến lược đơn giản và một chút kiên nhẫn, cai sữa có thể là trải nghiệm hạnh phúc cho cả bạn và em bé.


 

Dưới đây là cách để làm việc này:


1/ Bắt đầu từ từ:

  • Dù em bé được bao nhiêu tháng tuổi thì cai sữa từ từ luôn là một ý tốt. Nếu bạn đột ngột ngừng cho bé bú, ngực của bạn sẽ căng sữa và bạn sẽ có nguy cơ bị viêm tuyến vú, viêm tuyến vú xảy ra ở khoảng 10% số bà mẹ cho con bú.
  • Viêm tuyến vú không chỉ gây đau và có thể sẽ khiến bạn cảm thấy day dứt, mà nó còn có thể trở thành áp-xe có thể phải phẫu thuật và nằm viện.
  • Bỏ một bữa bú trong ngày, chờ một vài ngày cho đến khi cơ thể điều chỉnh và sau đó giảm tiếp một bữa nữa. Bắt đầu bằng những bữa giữa ngày sẽ dễ dàng hơn so với những bữa bú đầu tiên và cuối cùng trong ngày khi bé thường muốn được vỗ về hơn. Bạn có thể giảm dần thời gian của mỗi lần bú.

2/ Biết lúc nào cần chờ đợi:

Nếu bạn bị viêm vú, sẽ là một ý tưởng tốt nếu tiếp tục cho bé bú hoặc bơm để giúp giải quyết nhiễm trùng trước khi cai sữa. Ngoài ra, nếu bạn đang đi chơi, đang trong giai đoạn chuyển đổi cuộc sống, hoặc bắt đầu một công việc mới, thì đó cũng không phải là thời gian tốt nhất để cai sữa.
Đôi khi các bà mẹ cố gắng cai sữa nhưng cảm thấy nó không có tác dụng và trong trường hợp đó, có lẽ cần chờ thêm một thời gian nữa và thử lại.
3/ Vắt một chút sữa:

Nếu ngực bạn có cảm giác căng tức, vắt hoặc hút một lượng nhỏ sữa để tránh ứ sữa và viêm tuyến vú cho đến khi cơ thể tự điều chỉnh.
4/ Kiên nhẫn:

Quá trình cai sữa có thể mất từ ​​2-3 tuần, nhưng cũng cần tính đến tính khí của em bé. Việc cai sữa có thể dễ hơn và nhanh hơn nếu bé dễ tính, nhưng nó có thể là thách thức hơn đối với một em bé nhạy cảm không thích sự thay đổi.
5/ Không mời mọc, không từ chối:

"Khi em bé thực sự đòi bú, thì sẽ rất khó mà đánh lạc hướng.
Đối với các bé lớn đã hình thành sở thích mạnh mẽ về việc bú mẹ, hãy thử cách tiếp cận “không mời mọc, không từ chối".
Ngoài ra, cũng cần đảm bảo là bé không đói hay khát, nhờ thế bé sẽ ít có khả năng “thèm ti” hơn.
6/ Thay thế việc cho bú bằng những thứ khác:

Ngồi với bé cùng chiếc chăn, cuốn sách hay món đồ chơi mà bé yêu thích và tìm cơ hội cho bé ăn bằng những cách khác trong suốt cả ngày. Hãy dành cho bé thật nhiều sự âu yếm sao cho bé vẫn cảm thấy thoải mái và gắn bó.
7/ Thay đổi thói quen:

Ví dụ, nếu bạn thường cho bé bú trong chiếc ghế yêu thích, hãy thay đổi thói quen này và ngồi với bé trong một phòng khác. Nếu bé đã 1 hoặc 2 tuổi và bạn thường cho bé bú đêm, hãy đề nghị ông xã của bạn thức dậy và dỗ bé thay bạn.
8/ Làm theo ý bé:

Đối với bé đang tuổi chập chững, chiến lược tốt nhất là làm theo ý bé. Rất có thể bé đã ít hứng thú với việc “ti mẹ”, vì thế bạn có thể tận dụng điều này và giảm dần việc cho bé bú.
9/ Thử hút sữa:

Chắc chắn là việc này mất thời gian và bất tiện, nhưng nếu bạn muốn cai sữa nhưng vẫn muốn bé được ăn sữa mẹ, thì bạn có thể hút và trữ đông sữa.
10/ Đối xử tốt với chính mình:

Giữa những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong cơ thể trong quá trình cai sữa và sự chuyển tiếp sang giai đoạn mới này, hãy thừa nhận rằng sẽ là điều hết sức bình thường nếu bạn trải qua những cảm xúc lẫn lộn, buồn bã hoặc nhẹ nhõm khi thấy rằng mọi việc đã qua.
Hơn nữa, cho dù bạn đã cho con bú bao lâu, thì cũng thừa nhận rằng bạn đã làm những gì tốt nhất cho bạn và cho em bé. Cảm giác thoải mái về những gì mình làm là điều hết sức quan trọng đối với người mẹ.
(BS Cẩm Tú - Theo Foxnews)

Không có nhận xét nào: