Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Dạy con nên người - Cháu hư tại... ông bà.

Đôi khi chính việc chiều chuộng trẻ thái quá của gia đình hay những hành động thiếu để ý của người lớn trước mặt con trẻ đã làm hư các bé.


Mỗi lần nghịch ngợm bị bố mẹ phạt đòn hoặc úp mặt vào tường, bé Tít (3 tuổi, quận 7, TP HCM) đều nói: “Ba mẹ làm thế, con mách nội cho coi”. Nghe cậu con dọa, vợ chồng chị Nga, anh Định càng điên tiết hơn: “Mách cái gì mà mách” khiến nhà cửa càng ầm ĩ như ong vỡ tổ.
Tuy sống riêng nhưng vợ chồng chị vẫn ở ngay cạnh nhà ông bà nội của bé, vì thế việc nuôi dạy con của anh chị thường xuyên bị ông, đặc biệt là bà can thiệp. Biết được bà bênh, mỗi lần bị bố mẹ phạt, bé Tít đều vừa khóc vừa tru tréo: “Bà ơi, bà ơi”. 
Bà Đào nghe thấy tiếng cháu gào thét lại lật đật chạy sang, mắng con trai, con dâu xa xả: “Chúng mày ác quá, nó bé tí thế, đánh nó ốm thì sao. Muốn đánh thì đánh bà già này này”. Rồi bà quay sang dỗ dành cháu đích tôn, hứa mua bim, hứa cho đi tàu hỏa ở khu vui chơi thiếu nhi, thậm chí hứa đánh bố mẹ giúp bé… miễn sao Tít nín khóc.
Nhiều lần Tít đi chơi quanh khu phố mà không xin phép người lớn hay lôi kem, bánh kẹo trong tủ lạnh ra ăn ngay trước bữa cơm dù bố mẹ không đồng ý… nhưng cu cậu vẫn trốn được hình phạt của bố mẹ nhờ có bình phong là ông bà nội.
Trong dòng họ chỉ có mình Tít là cháu trai nên bé được ông bà nội đặc biệt cưng chiều. Chỉ cần Tít khóc lóc là ông bà sẵn sàng đổi ý, đáp ứng mọi mong muốn của cháu. Ông nội già yếu nhưng vẫn sẵn sàng làm “ngựa” cho cậu cháu 20kg cưỡi. Mà Tít đâu chịu ngồi yên, bé liên tục nhảy nhót trên lưng ông. 
Khi ông bà đang xem thời sự trên ti vi, cu cậu chẳng nói chẳng rằng, cầm điều khiển chuyển sang kênh Bibi. Ông bà không những không mắng mà còn cười khà khà khen cháu giỏi, bé tí đã biết sử dụng điều khiển.

Những lần nhìn thấy con xử sự với ông bà như thế, anh Định bực mình mắng con, thì ông bà Đào lại bênh cháu. Cuối cùng người lớn tranh luận với nhau, còn cu Tít đứng ngoài vỗ tay cười thích chí.
anh-visualphotos-com-jpg-1361525712-1361
Ông bà chiều cháu quá đôi khi có thể khiến bố mẹ khó dạy con - Ảnh: Visualphotos.com
Vợ chồng chị Hằng sống cùng bố mẹ chồng ở quận 4, ông bà không ngăn cản khi anh chị phạt con, tuy nhiên chị cảm thấy rất đau đầu vì ngôn ngữ của bà nội có phần ngoa ngoắt.

Bà nội dùng rất nhiều câu tục ngữ dân gian, toàn những từ không được đưa vào từ điển vô tư nói trước mặt cô cháu gái 3 tuổi. Bé Linh đang tuổi tập nói, nghe được từ nào mới lạ của bà nội liền lẩm nhẩm nhắc lại để ghi nhớ và rất thích chí tìm cơ hội sử dụng.
Chị Hằng kể, có hôm chị đi làm mệt mỏi, vừa về đến nhà, bé chạy ra cửa đón mẹ: “Con quỷ tha ma bắt kia, đi đâu mà giờ mới về, làm tao chờ mỏi mắt”, sau đó ôm bụng cười rũ rượi. Chị tức quá phát vào mông bé, bé khóc òa lên kiểu bị oan ức khiến chị cảm thấy ân hận vì quá tay với con.

Lần khác chị đang vui vẻ, bé nói những từ không có trong từ điển thì chị bình tĩnh nghiêm mặt nhắc con không được nói thế. Bé cãi lại: “Con nghe thấy bà nói thế mà. Sao bà lại được nói thế”.
Có hôm, bé không chịu nuốt cơm, bà nội quát: “Mày cứ ngậm đầy mồm như thế, tao đánh cho bây giờ”, bé phản ứng ngay: “Bà là người lớn mà nói mày tao à, mẹ bảo như thế là không ngoan” khiến bà nội càng bực hơn, quát tháo ầm ĩ. Chị ở trong bếp nghe thấy chuyện của hai bà cháu nhưng cũng ngại tham gia ý kiến vì sợ mếch lòng mẹ chồng.
Vợ chồng anh Bình (Dĩ An, Bình Dương) đều đi làm theo ca nên không tiện trông con. Vì thế bé Bi 3 tuổi được gửi hẳn ở nhà ông bà ngoại tại quận 12, TP HCM, đến cuối tuần anh chị mới đón về nhà. Ban ngày bé đi học mầm non, tối về chơi cùng ông bà và dì. Để bé ở nhà ông bà ngoại, anh chị yên tâm vô cùng dù nhiều lúc cũng băn khoăn khi thấy ông bà và dì chiều cháu quá. 
Bé thích làm gì thì làm, không bao giờ bị ông bà mắng hay đánh đòn. Đồ chơi bé bày ra khắp nhà, ông bà chẳng bắt thu dọn, lại cặm cụi làm hộ cháu. Dù chẳng món đồ chơi nào ở với Bi được quá một tuần nhưng ông bà và dì vẫn thích sắm đồ chơi cho bé.Không những thế, ông bà còn cho cháu xem ti vi thoải mái.

Đi học về, việc đầu tiên của Bi là mở ti vi, ăn cơm bé cũng đòi bà đút trước màn hình ti vi, nhiều hôm 11 giờ đêm, cu cậu vẫn ngồi xem phim Hàn Quốc cùng bà ngoại.
Theo chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính cơ sở tại TP HCM), trong những trường hợp ông bà (thậm chí là cô, dì, chú, bác) có ứng xử làm hư cháu, bố mẹ không nên can thiệp ngay lúc người lớn đang chiều con trẻ
Nếu can thiệp ngay sẽ gặp mâu thuẫn với ông bà, đặc biệt nếu là bà nội thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ rất tệ. Và tệ hại nhất là trẻ nhìn thấy sự mâu thuẫn giữa bố mẹ và ông bà, điều đó sẽ không tốt cho suy nghĩ của trẻ về người lớn. Trẻ sẽ làm nũng hơn, bướng bỉnh hơn, bớt nể sợ người lớn và càng khó bảo hơn...
Cha mẹ nên chờ dịp không có con bên cạnh, nói chuyện riêng với ông bà, phân tích cho ông bà thấy nếu ông bà chiều quá sẽ khiến trẻ sẽ hư. Ông bà nào cũng vì con cháu, nếu cha mẹ nói hợp tình hợp lý, không có ý chê trách thì ông bà sẽ chấp nhận dễ dàng hơn.
Với những trường hợp của các cháu nhỏ trên, bà Thúy cũng đưa ra những lời khuyên cụ thể.
Theo bà, khi hai ông cháu bé Tít chơi trò cưỡi ngựa, cũng giống như đang đóng kịch, việc ông cháu quá nhập vai, ông tuân theo lời cháu không có gì xấu. Lúc đó, cha mẹ chỉ nên hài hước đùa lại cùng con và ông, sau đó nhắc con hành động vừa rồi chỉ là đóng kịch. Cha mẹ không nên làm ầm ĩ lên, khiến cả nhà mất vui.
Trường hợp ông bà xưng “mày tao” là thói quen của thế hệ trước, cha mẹ chỉ cần giải thích cho con hiểu thời của bà nói “mày tao” không phải là nói tục, chửi bậy mà là xưng hô bình thường. Ngày nay văn minh, tiến bộ hơn nên mọi người xưng hô đẹp hơn.
Với trường hợp của bé Bi, cha mẹ phải dạy con thói quen ngăn nắp, yêu cầu con dọn đồ chơi dù ông bà có bảo làm hay không. Xem ti vi nhiều rất có hại cho sức khỏe của trẻ (có thể gây cận thị, nguy cơ béo phì, phát triển ngôn ngữ chậm...), cha mẹ nên phân tích cái hại của việc xem ti vi nhiều cho cả ông bà và con trẻ biết.
Để thống nhất cách dạy con cháu giữa bố mẹ và ông bà, chuyên gia cũng khuyên bố mẹ nên nói chuyện với ông bà về các nguyên tắc dạy con, cùng lên danh sách những gì trẻ được làm và không được làm. Tốt nhất nên nói từng việc một, đừng một lúc mà đưa ra đủ thứ nguyên tắc, ông bà sẽ không nhớ hết và sẽ khó chịu vì cảm thấy bị chỉ đạo. 
Nếu bố mẹ phân tích mọi việc dựa trên lợi ích của con trẻ sẽ dễ dàng được ông bà đồng thuận. Đặc biệt bố mẹ chú ý tránh chê bai ông bà cổ điển, lạc hậu. Kinh nghiệm xưa của ông bà cũng rất đáng để cha mẹ ngày nay tham khảo.
Rõ ràng trẻ bị ảnh hưởng, và rất thích bắt chước các hành vi của người lớn. Vì vậy, nếu ông bà hay cha mẹ có những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, suy nghĩ, việc làm của trẻ sau này khi lớn lên. 
Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá cầu toàn. Trẻ ở cùng ông bà sẽ học được nhiều điều hay, có người trông coi trẻ, có người nói chuyện với trẻ..

Cháu hư tại ai?

Người ta thường nói “con hư tại mẹ” nhưng không ít đứa trẻ ngỗ ngược, hỗn hào là do sự cưng chiều thái quá của ông bà và người thân.
Chồng là con trai một mà mãi đến năm 35 tuổi mới lập gia đình nên dâu con như chị Thu Ngân (Q. Tân Bình- TPHCM) biết chắc là phải sớm sinh cho nhà chồng cháu đích tôn nhưng… đâu phải muốn là có được!
Cưng chiều quá đáng
Sau cưới mới một tháng, chị Ngân đã phải nghe mẹ chồng nhắc nhở, nào là “Sinh con để nối dõi tông đường”, rồi “Năm con heo vàng, phải sinh cho ông bà thằng cháu trai đích tôn”… Thật may mắn cho chị Ngân, khoảng hai năm sau, ước mong của ông bà và cũng là của chị được toại nguyện.
Từ ngày có cháu, mẹ chồng chị sao nhãng việc sinh hoạt câu lạc bộ dưỡng sinh, chỉ mải ở nhà chăm lo cu Bin. Mỗi khi nghe cháu khóc, bà lại la lên: “Ai làm gì cháu? Đã bảo trẻ con khóc nhiều sẽ kém thông minh, cứ chọc cho nó khóc, là sao?”. 

Cứ kiểu ấy, chỉ đôi ba tháng, nhà chị Ngân lại đổi người giúp việc vì Bin có vài vết muỗi cắn hoặc bị ói khi ăn hay leo trèo té ngã… Không chỉ ông bà cưng chiều, các cô của Bin suốt ngày thi nhau ẵm bồng cháu. Bin mà bị bố mẹ la là các cô lại xúm vào bênh chằm chặp.
Bin như “ông tướng” trong nhà, được mọi người ra sức phục dịch và chiều ý, hễ vòi vĩnh gì là có  ngay. Trong phòng Bin, chỉ đồ chơi thôi cũng đủ để mở một cửa hàng. Nhiều khi biết đòi hỏi của Bin là hơi quá đáng nhưng bà nội vẫn đáp ứng. 

Tuần trước, đi Thảo Cầm Viên chơi, thấy con két màu sắc sặc sỡ, Bin khóc đòi bằng được. Thế là bà nội liền gọi điện hết người quen để hỏi mua két. Chị Ngân vội can ngăn bởi trước giờ, nhà có ai biết chăm sóc chim cảnh gì đâu nhưng mẹ chồng chị vẫn bảo: “Coi sách báo thì biết thôi. 

Người ta nuôi được thì mình nuôi được, đó chẳng lẽ để cháu khóc mãi rồi bệnh?”. Cuối cùng, bà cũng mua được con két nhưng Bin chỉ hồ hởi với thú cưng dăm ngày rồi quên luôn nó!
Cháu vàng, cháu bạc
Thấy ông bà cưng chiều quá mức, sợ Bin hư nên chị Ngân hết lời năn nỉ mẹ chồng cho phép “dạy con từ thuở còn thơ” nhưng bà lại cho rằng chị muốn ly gián tình cảm bà cháu nên càng “hậu thuẫn” Bin khiến cu cậu ngày thêm lì lợm. Khi không vừa ý là Bin gào thét, ném hết đồ đạc, có khi còn cào cấu, trầy cả mặt người giúp việc...
Riết rồi ngay cả mẹ, Bin cũng chẳng sợ. Có buổi tối, Bin đói bụng đòi phở nhưng chị Ngân chỉ mua được cháo. Chị vừa đặt tô cháo trước mặt con, Bin liền gạt đổ xuống đất. Giận quá, chị xách chổi lông gà vừa quất vào mông Bin vừa răn: “Sao con hất đổ cháo? 

Có biết làm vậy là hỗn lắm không?”. Nghe tiếng Bin khóc rân, bà nội vội lao đến can, vừa giằng cây roi vừa mắng con dâu tội đánh con. Được nước, Bin đả đớt mắng và cầm cây đũa dứ dứ về phía mẹ. Thế mà bà còn nói vuốt Bin: “Ai đánh cháu vàng, cháu bạc của nội là chết với bà”. Chị Ngân chào thua trước những chiều chuộng quá mức ấy.
Vòi vĩnh độc chiêu
Còn chị Ngọc Mai (huyện Củ Chi-TPHCM), do đi làm ở xa, ở nhà thuê mướn, không có điều kiện nuôi con, chị phải gửi con trai 4 tuổi về Bình Thuận cho bà ngoại nuôi giúp. Sau một thời gian cuộc sống khá ổn định, vợ chồng chị đón con lên và phát hoảng vì những kiểu vòi vĩnh có một không hai của con. 

Suốt đêm, con bé cứ khóc i ỉ. Tưởng con bệnh, vợ chồng chị lo lắm, hỏi thì con bé khóc to lên và nói: “Con không ngủ với quạt này đâu. Con muốn quạt giấy!”. Rút quạt điện ra, hàng giờ phe phẩy quạt tay, chị Mai ngỡ con sẽ ngon giấc, ai dè con bé trở chứng đòi chị bế và lắc lư mới chịu ngủ. Đã vậy, con bé không chịu đi tiểu tiện ở nhà vệ sinh mà đòi phải ngồi bô…
Chỉ hai đêm bị con quấy, vợ chồng chị Mai thâm quầng mắt vì mất ngủ. Điện thoại về cho ông bà ngoại, chị Mai mới biết rõ mọi việc. 

Thì ra ở nhà ông bà và các dì quá cưng chiều cháu phải xa mẹ, luôn đáp ứng mọi yêu sách của nên con bé ngày càng được đằng chân lân đằng đầu.../.
                                                               (Theo Người Lao Động)
.

Không có nhận xét nào: