Là cha mẹ ai cũng muốn làm điều tốt nhất cho con nhưng đôi khi do vô tình, bạn phạm phải những thói quen dễ làm hư con cái nhất mà không hề biết.
Dưới đây là 6 lỗi phổ biến của các bậc cha mẹ thường gặp phải. Nếu vô tình có một vài điều rơi đúng vào tình huống của bạn, hãy nhanh chóng thay đổi bạn nhé!
1. Khúc mắc tiền bạc:
Mỗi khi con cần mua gì, bạn móc ví lấy tiền đưa với sự nhăn nhó và lời càu nhàu thường trực. Điều này không tốt chút nào vì sẽ tạo cho bé nhận thức rằng cha mẹ chúng xem đồng tiền quan trọng hơn tình cảm và nhu cầu thực sự của trẻ.
Rằng cha mẹ đi làm chỉ để kiếm tiền chứ không phải để giúp cả nhà sống tiện nghi, thoải mái hơn.
>> Điều nên làm:
Hãy giới hạn trẻ ở một mức chi tiêu hợp lý (ví dụ như mỗi tháng chỉ được mua đúng 1 món đồ chơi). Nếu trẻ muốn có thêm? Hãy tập cho các bé làm việc hoặc lên kế hoạch “dài hạn” mua sắm hợp lý. Và bạn nhớ hãy vui vẻ mỗi lúc cho con tiền nhé!
2. Thiếu kỷ cương:
Có nhiều cha mẹ chia sẻ rằng nhiều lúc họ không biết làm gì với hành động bất trị của con mình nên chọn cách im lặng.
Điều này thật sự không hay chút nào. Trẻ con luôn cần một bản danh sách dài với những điều nên làm và không nên làm cùng những lời giải thích hợp lý của cha mẹ. Đừng sợ bé sẽ nghĩ bạn là những ông bố, bà mẹ khó chịu.
Ví dụ như nếu con bạn nổi xung lên và vơ đồ ném tứ tung bạn bè. Bạn nhìn thấy cảnh đó nhưng không nói gì. Lâu dần, bé sẽ không còn phân biệt được ranh giới giữa điều đúng và điều sai và sẽ còn có những hành động nghiêm trọng hơn thế nữa.
>> Điều nên làm:
Thiết lập quy tắc rõ ràng và nhất quán về những cư xử nên và không nên của con cũng như cho bé thấy hậu quả việc làm của mình.
Nếu bé tái phạm việc cư xử không đúng, hãy tạm thời tước đi một quyền lợi như: bé không được ăn món tráng miệng hoặc không được xem TV trong một tuần. Cứng rắn và nhẹ nhàng đúng lúc sẽ làm nên những ông bố bà mẹ tâm lý và là nhà giáo dục tuyệt vời của con.
3. Luôn về phe của con:
Khi thầy giáo hay một phụ huynh khác trong trường báo rằng bé thiếu lễ phép, vi phạm kỹ luật, bạn không tin lời thầy mà luôn đứng về phe con vì nghĩ bé cưng của bạn hiền lành như thiên thần. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn có suy nghĩ rằng con mình không thể làm điều gì sai trái như đánh bạn, trốn học. Tin tưởng con là điều tốt nhưng đừng có cái nhìn mù quáng như thế bạn nhé!
>> Điều nên làm:
Luôn có cái nhìn khách quan, lắng nghe câu chuyện từ nhiều phía. Nếu con bạn bị kỷ luật hay bị phạt ở trường, hãy nói rằng bạn vẫn rất thương con nhưng con vẫn phải gánh lấy hậu quả cho chính mình gây ra.
4. Cãi nhau trước mặt con cái:
Cha mẹ cãi cọ, gọi nhau bằng những danh xưng “khó nghe” hay thậm chí có hành động bạo lực trước mặt con cái là con đường ngắn nhất để phá hủy thế giới trẻ thơ và óc nhận thức còn non nớt, trong sáng của trẻ.
Những đứa trẻ phải thường xuyên làm nhân chứng bất đắc dĩ của cuộc chiến tranh dưới một mái nhà như thế sẽ dễ rơi vào nỗi sợ hãi, cô đơn, chạy trốn, tìm niềm vui nơi bạn bè xấu hay những trò chơi nguy hiểm.
Hoặc bé sẽ bắt chước y hệt hành vi bạo lực của cha mẹ khi đối xử với thú cưng hay bạn bè và những người khác.
>> Điều nên làm:
Nếu cần giải quyết mâu thuẫn hay cãi cọ nhau, hãy chắc rằng bé đã ra khỏi vùng phủ sóng. Nếu trẻ lỡ chứng kiến cảnh đó, hãy giải thích cho bé nghe rằng ba mẹ đã hư thế nào, đã thiếu kiềm chế ra sao và đã phải nhận hậu quả như thế nào.
Nếu gia đình bạn không may tan vỡ, cha mẹ li dị nhau, trước đó hãy đưa trẻ đến một chuyên gia tâm lý và giải thích cho trẻ hiểu để trẻ chấp nhận được sự thật này.
5. Làm gương xấu cho con:
Bản thân cha mẹ hoặc hành vi đồng tình với cái xấu sẽ là tấm gương tồi tệ cho con. Làm thế nào bạn dạy trẻ kính trên nhường dưới nếu như bé thường chứng kiến cảnh cha mẹ gắt gỏng với ông bà?
Dạy bé tuân thủ luật giao thông như thế nào khi cha mẹ chở bé ra đường vẫn vượt đèn đỏ? Hành động của cha mẹ càng quan trọng hơn lời nói. Và khi bé nhận ra cha mẹ thường xuyên thất hứa hay hành động và lời nói không đi đôi với nhau thì những lời dạy dỗ của cha mẹ sẽ không còn ý nghĩa gì với bé.
>> Điều nên làm:
Hãy là một hình mẫu mà bé sẽ noi theo. Dĩ nhiên người lớn cũng sẽ mắc lỗi. Đừng ngại xin lỗi con và thừa nhận bạn đã sai như thế nào, bạn đang sữa chữa lỗi lầm của người lớn ra sao.
6. Thường xuyên vắng mặt:
Cha mẹ quá bận rộn công việc và ít có thời gian dành cho con cũng là điều thứ 6 trong danh mục những hành vi dễ khiến con bạn hư hỏng. Thậm chí lúc rảnh rỗi, nhiều bậc cha mẹ cũng chỉ muốn dán mắt vào TV xem bóng đá hay lướt web mà “ừ hử” cho qua những lời chuyện trò của con.
Trẻ con cần cảm giác được yêu thương, tôn trọng và sự chú ý của cha mẹ. Khi cha mẹ vắng mặt thường xuyên sẽ không hiểu con, không thể biết trẻ đang làm gì và nghĩ gì. Ngược lại, trẻ sẽ tự mình làm mọi điều với suy nghĩ “dù gì thì cha mẹ cũng sẽ chẳng quan tâm”.
>> Điều nên làm:
Dành thời gian cho con mọi lúc có thể. Nếu bạn thật sự dành thời gian riêng để thư giãn hay hâm nóng lại tình cảm với người bạn đời, hãy chắc rằng đó chỉ là một khoản thời gian rất ngắn và bé đã được ở cạnh ông bà hay những người trông nom cẩn thận.
Hướng các hoạt động giải trí chung cho cả nhà như xem TV cùng nhau và tản bộ, chuyện trò trong công viên chẳng hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét