Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

Sử dụng tủ lạnh gia đình hiệu quả.

Tìm một nơi mát mẻ để đặt tủ lạnh. Hãy thường xuyên kiểm tra tủ, áp dụng cách tiếp cận mới để đông đá thực phẩm. Những mẹo này có thể tác động đến mức tiêu thụ điện của chiếc tủ lạnh nhà bạn.

Tủ lạnh là một trong những đồ gia dụng tiêu tốn điện năng nhất trong nhà bạn. Do vậy, biết cách sử dụng tủ lạnh sẽ giúp bạn giảm chi phí tiền điện hàng tháng và kéo dài tuổi thọ tủ lạnh.
  • Vị trí đặt tủ. Hãy nghĩ đến nơi bạn đặt chiếc tủ lạnh. Việc đặt tủ lạnh nơi thoáng mát, tránh các nguồn nhiệt như lò vi sóng, tản nhiệt hay ánh sáng mặt trời trực tiếp, có thể giúp tiết kiệm điện đáng kể.
  • Rã đông: Thường xuyên rã đông để giàn bay hơi ống xoắn sạch lớp băng dày, giúp nó hoạt động hiệu quả hơn. Bạn nên rã đông tủ lạnh khi các lớp băng đạt đến một độ dày 3-5 mm.
  • Đóng cửa. Thay thế gioăng cao su ở cánh cửa tủ lạnh nếu bạn thấy cánh tủ lạnh đóng không chặt; tránh mở cửa quá lâu hoặc mở cửa thường xuyên – không khí nóng thâm nhập vào ngăn tủ làm máy nén phải chuyển đổi không cần thiết.
  • Sạch bụi. Giàn ngưng ở lưng tủ và khoảng không phía dưới tủ lạnh nên giữ sạch bụi.
  • Làm mát trước. Thức ăn nóng nên để nguội trước khi đưa vào tủ lạnh. Hơi nước làm gia tăng đóng đá trên giàn bay hơi; đưa thực phẩm đông lạnh vào ngăn mát trước – để rã đông an toàn và tối ưu sử dụng ngăn mát. Nhiệt độ ngăn mát phù hợp là từ 4-5 độ C.
  • Đông đá. Thực phẩm sẽ được làm đông đá nên được đặt vào ngăn mát trước khi chuyển vào ngăn đông đá. Nhiệt độ ngăn này phù hợp là từ - 18 độ C đến - 20 độ C. Lưu ý là để tránh phải rã đông trong ngăn này không cần thiết, tất cả thực phẩm cần được bao gói chặt trước khi đưa vào ngăn đông.


Cách vệ sinh tủ lạnh.

Tủ lạnh là nơi bảo quản thực phẩm cho cả gia đình, giữ cho chiếc tủ lạnh sạch sẽ không chỉ đảm bảo có thực phẩm tươi ngon hợp vệ sinh mà còn là đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình bạn. Vì vậy vệ sinh tủ lạnh là việc cần làm thường xuyên và thực hiện đúng cách.

Trước khi tiến hành vệ sinh tủ lạnh, để đảm bảo an toàn cho bạn và tránh gây hư hỏng cho tủ lạnh, Điện Máy XANH khuyên bạn lưu ý các điều sau:
  • Luôn nhớ rút phích cắm tủ lạnh ra khỏi ổ điện trước khi làm vệ sinh.
  • Không sử dụng các chất tẩy rửa dạng lỏng dễ cháy hay có độc để vệ sinh tủ lạnh.
  • Chỉ sử dụng nước rửa chén hoặc nước xà phòng pha loãng khi vệ sinh.
  • Không sử dụng các chất tẩy rửa mạnh (thuốc tẩy, hóa chất, xăng, dầu...) hay bàn chải có thể dễ làm phai, xước màu sơn tủ lạnh.
  • Không sử dụng nước nóng tránh làm nứt vỡ, biến dạng ngăn kệ tủ.
  • Lau sạch hơi ẩm bằng mút mềm hoặc vải khô để ngăn không cho nước hoặc chất lỏng lan vào các bộ phận điện và gây giật.

 Sau khi đã chắc chắn không bỏ sót điều gì bên trên thì bạn có thể bắt đầu vệ sinh chiếc tủ lạnh của mình theo hướng dẫn dưới đây:
1/ Rút dây nguồn của tủ lạnh ra khỏi ổ cắm
2/ Lấy hết thực phẩm ra khỏi tủ lạnh
Trong lúc này, bạn cũng có thể tiện phân loại những thức ăn nào sắp hết hạn sử dụng hoặc không còn dùng nữa để bỏ đi.
3/ Tháo gỡ và làm sạch các ngăn kệ trong tủ
Hãy tháo hết các ngăn kệ, bất cứ thành phần nào có thể tháo ra được bên trong tủ và cho chúng vào bồn rửa. Dùng nước rửa chén và một miếng mút mềm lau rửa nhẹ nhàng các khay kệ vừa lấy ra này.
Bạn cũng có thể dùng nước ấm để các vết bẩn trôi đi nhanh hơn nhưng không được dùng nước quá nóng vì rất dễ làm nứt, biến dạng ngăn tủ. Sau khi đã rửa xong, lau khô và đặt các ngăn tủ vào nơi khô cho ráo nước.
4/ Vệ sinh bên trong tủ lạnh
Vì tủ lạnh là nơi thường xuyên trong tình trạng “ẩm ướt”, nếu sử dụng khăn ướt để lau vào những chỗ dơ có thể sẽ làm chất bẩn lan ra nhiều hơn nên hãy chọn cho mình một miếng vải khô hoặc mút mềm thấm hút tốt.
Nếu không muốn dùng xà phòng hoặc ghét mùi các chất tẩy rửa hóa học, bạn có thể dùng một ít giấm pha loãng với nước ấm để lau chùi theo tỉ lệ 1 phần giấm, 3 phần nước. Không những thế, giấm còn có khả năng giết chết vi khuẩn và nấm mốc, đồng thời khử mùi tủ lạnh vô cùng hiệu quả nhờ nồng độ axit có sẵn trong giấm. 

Chú ý làm sạch phần cánh cửa và đệm cao su ở cửa. Đặc biệt là đệm cửa vì đây là nơi thường đọng nước, cáu bẩn.
5/ Vệ sinh bên ngoài tủ lạnh
Đối với tủ lạnh dùng mặt kính: bạn chỉ cần dùng khăn giấy và nước chùi kính lau sạch phần bề mặt cửa và phần tay cầm. Với tủ lạnh thép không gỉ hoặc sơn tĩnh điện: thấm ướt một miếng vải bằng giấm và lau chùi tủ và đừng quên lau sạch phần nóc tủ lạnh.
6/ Làm sạch khay thoát nước phía sau tủ
Nước ở máng nước phía sau tủ lạnh thường sẽ tự bay hơi hết bởi hơi nóng toát ra từ động cơ của tủ lạnh do đa phần các tủ lạnh ngày nay có lượng nước thoát ra rất ít. Nếu như bạn thấy phía sau tủ có mùi hôi, hoặc máng nước quá nhiều nước, dơ bẩn thì có thể tháo ra đổ nước và lau chùi lại.
7/ Gắn lại các khay kệ đã tháo ra, sắp xếp thức ăn vào và cắm phích tủ lạnh
Bạn cũng nên lau hết lại những chai, lọ để mọi thứ được sạch sẽ hơn, tránh dây bẩn lại cho tủ lạnh.
Sau khi đã sắp xếp thực phẩm vào lại tủ lạnh như cũ, bạn có thể cắm điện vào ngay. Ở một số tủ lạnh, máy nén (động cơ) của tủ sẽ khởi động sau khi cắm điện từ 10 tới 20 phút.
Vệ sinh tủ lạnh tưởng chừng đơn giản nhưng đôi khi không chú ý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của tủ lạnh và cả sức khỏe của cả nhà. Nên duy trì thói quen vệ sinh chiếc tủ lạnh của gia đình mình ít nhất 1 lần mỗi tháng là thích hợp nhất để đảm bảo chiếc tủ lạnh luôn vận hành ổn định và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình mình.

Không có nhận xét nào: