Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

UT - PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRÀNG.

Ung thư đại tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao. 
Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, cơ hội chữa khỏi bệnh lên đến 90%. Bởi vậy, thực hiện tầm soát ung thư đại tràng định kỳ đóng vai trò rất quan trọng.
ung-thu-dai-trang-22
Ung thư đại tràng là bệnh thường gặp trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, độ tuổi thích hợp để tầm soát ung thư đại tràng là 50 tuổi. Tuy nhiên, cần thực hiện tầm soát sớm hơn với những người có nguy cơ cao như có tiền sử ung thư đại tràng, polyp đại tràng, trong gia đình có người mắc ung thư đại tràng… 

Một số phương pháp tầm soát ung thư đại tràng cho kết quả nhanh chóng và chính xác đang được áp dụng hiện nay là:
1/ Xét nghiệm tìm máu trong phân (FOBT):
Ung thư đại tràng và trực tràng thường có triệu chứng đi ngoài ra máu, đây là biểu hiện của chảy máu đại tràng. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm thường không thể nhìn thấy máu bằng mắt thường. Xét nghiệm FOBT giúp bác sĩ kiểm tra xem trong phân có máu hay không. 

Tuy nhiên xét nghiệm này không thể xác định được vị trí cụ thể cũng như nguyên nhân chảy máu. Bởi vậy nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có máu trong phân, người bệnh sẽ cần thực hiện nội soi đại tràng để kiểm tra polyp đại tràng hoặc ung thư.
2/ Nội soi đại tràng:
noi-soi-dai-trang
Nội soi toàn bộ đại tràng.
Nội soi đại tràng là thủ thuật kiểm tra polyp hoặc khối u trên toàn bộ đại tràng. Để quan sát bên trong đại tràng, bác sĩ sẽ ống nội soi (một ống nhỏ và mềm có gắn camera) qua hậu môn và thông đến đại tràng. Bệnh nhân có thể cần uống thuốc chuẩn bị sạch toàn bộ đại tràng và gây mê trước khi thực hiện. Nếu phát hiện polyp, bác sĩ có thể cắt bỏ thông qua nội soi để giảm nguy cơ phát triển thành ung thư đại trực tràng hoặc lấy mẫu mô để sinh thiết.
3/ Nội soi đại tràng sigma:
Đại tràng sigma là phần cuối cùng của khung đại tràng được nối với trực tràng. Thủ thuật nội soi đại tràng sigma được thực hiện bằng cách đưa ống nội soi qua hậu môn và đẩy nó từ từ qua trực tràng đến đại tràng sigma và phần dưới của đại tràng. Thủ thuật này gần tương tự với nội soi toàn bộ đại tràng nhưng bệnh nhân chỉ cần thụt tháo nhẹ trước khi nội soi và không cần gây mê. Nếu phát hiện polyp hay khối u thì bác sĩ có thể cắt bỏ hoặc sinh thiết để kiểm tra.
4/ Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):
IMG_9590
Chụp CT nên thực hiện 3 năm 1 lần.
Thủ thuật này nhằm kiểm tra toàn bộ đại tràng để tìm các polyp hay khối u có kích thước tương đối lớn (thường là từ 6mm trở lên). Phương pháp này có thể tạo dựng hình ảnh 2D, 3D và xẻ dọc của các cơ quan trong cơ thể giúp bác sĩ có thể khảo sát lòng đại tràng mà không cần dùng tới ống nội soi và không cần gây mê.  

Nếu kết quả chụp CT đại tràng phát hiện có polyp hay khối u thì bệnh nhân cần thực hiện nội soi đại tràng sau đó để cắt bỏ polyp hay sinh thiết khối u để kiểm tra.
Tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị sớm bệnh. 

Các chuyên gia khuyến cáo nam nên thực hiện xét nghiệm tìm máu trong phân thường kỳ mỗi năm, các thủ thuật nội soi và chụp CT nên thực hiện 3 năm một lần nếu không có các yếu tố nguy cơ và mỗi năm một lần nếu có các yếu tố nguy cơ gây bệnh.


Những điều cần biết để phòng trị ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, độ tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ hóa liên quan đến sự thay đổi lối sống.


Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hữu Thịnh, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, những thắc mắc thường gặp về ung thư đại tràng như sau:
1/ Đại tràng là gì?
Đại tràng (hay ruột già) là phần ống tiêu hóa nối từ ruột non đến trực tràng tạo thành khung hình chữ U ngược vây quanh ruột non từ phải sang trái. Đại tràng gồm các phần: Manh tràng và ruột thừa, đại tràng lên, đại tràng góc gan, đại tràng ngang, đại tràng góc lách, đại tràng xuống, đại tràng chậu hông. Đại tràng có chức năng hấp thu nước, điện giải và một số chất dinh dưỡng còn lại của quá trình tiêu hóa. Tại đây, phân được hình thành và được đưa ra ngoài khi đi tiêu.
giai-dap-20-thac-mac-pho-bien-ve-ung-thu-dai-truc-tranggiai-dap-20-thac-mac-pho-bien-ve-ung-thu-dai-truc-trang-1
Ảnh 1: Vị trí của đại tràng.
Ảnh 2: Cấu tạo của đại tràng.
2/ Ung thư là gì?
Ung thư là bệnh do các tế bào bất thường sinh sôi một cách tùy tiện không kiểm soát, xâm lấn xuyên qua các mô rào cản tự nhiên, ăn lan đến các mô tại chỗ và tràn đến các mô ở xa rồi sinh sản không ngừng. Nếu tế bào ung thư không bị tiêu diệt sẽ làm chết cơ thể chủ.
ai-de-bi-ung-thu-dai-truc-trang-2
Quá trình hình thành ung thư.
3/ Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng là do sự tăng sinh bất thường không kiểm soát của các tế bào xuất phát từ đại tràng. 95% xuất phát từ niêm mạc đại tràng gọi là Adenocarcinoma, 5% còn lại là các ung thư hiếm gặp như sarcom, lymphoma…xuất phát từ các loại tế bào khác ở đại tràng.
4/ Phần nào thường bị ung thư?
Theo thống kê, 10% ung thư xuất phát từ đại tràng ngang, 15% ở đại tràng trái, 30% đại tràng phải, 25% đại tràng chậu hông, 20% trực tràng.
ai-de-bi-ung-thu-dai-truc-trang-2
Tỷ lệ ung thư xuất phát từ các vị trí của đại tràng.
5/ Sự phổ biến của ung thư đại tràng:
Đây là bệnh phổ biến tại các nước Âu Mỹ, đứng hàng đầu trong ung thư đường tiêu hóa. Tại Việt Nam và các nước châu Á, ung thư đại tràng đứng thứ hai trong nhóm các bệnh ung thư đường tiêu hóa, chỉ sau ung thư dạ dày.
ai-de-bi-ung-thu-dai-truc-trang-3
Sự phổ biến của ung thư đại tràng trên thế giới.
6/ Nguyên nhân:
Hiện chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ung thư đại tràng. Nhiều chuyên gia cho rằng có yếu tố nhiều nguy cơ gây bệnh liên quan tới lối sống và di truyền. Chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất xơ, rau quả, ăn nhiều thịt đỏ như bò, heo, thực phẩm chiên nướng và các sản phẩm bơ sữa giàu chất béo có thể tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Các yếu tố về lối sống như hút thuốc lá, ít vận động, béo phì cũng có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh này.
Các yếu tố về di truyền quyết định người nào dễ bị bệnh này, trong khi các yếu tố về chế độ ăn và lối sống mang đến nguy cơ thực sự phát triển thành bệnh.
7/ Người nào có thể bị ung thư đại tràng?
Người có yếu tố nguy cơ sẽ dễ bị ung thư đại tràng hơn những người khác. Nhiều yếu tố có thể kiểm soát được nhưng một số khác thì không. Cụ thể bao gồm:
- Yếu tố gia đình: Bạn có thể bị bệnh nếu trong gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột, con bị ung thư.
- Dân tộc: Người Do Thái có nguy cơ ung thư cao hơn các dân tộc khác.
- Polyp đại tràng: Một số bệnh polyp đại tràng có khả năng chuyển thành ung thư.
- Người từng bị ung thư đại tràng đã được điều trị thì khả năng bị ung thư ở phần còn lại của đại tràng cao hơn người khác.
- Viêm đại tràng: Bệnh Crohn, viêm đại tràng lâu ngày.
- Tuổi: Người trên 50 tuổi.
- Chế độ ăn: Người có chế độ ăn giàu chất béo, nhất là chất béo nguồn gốc động vật, ít chất xơ có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn.
- Một số yếu tố nguy cơ khác như béo, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu…
8/ Có thể ngăn chặn ung thư đại tràng không?
Dù không biết nguyên nhân chính xác của ung thư đại tràng, các chuyên gia cho biết vẫn có thể giảm nguy cơ bệnh bằng cách giảm yếu tố nguy cơ. Một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, một số khác thì không. Vì vậy khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm bệnh thì cơ hội chữa khỏi cao hơn.
Các yếu tố có thể can thiệp như chế độ ăn giàu chất xơ gồm rau, củ, quả và hạn chế chất béo. Những ai có người thân bị polyp đại tràng nên được soi đại tràng kiểm tra. 
Những người có các yếu tố nguy cơ nên có chế độ tái khám định kỳ.

Không có nhận xét nào: