Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

UT - Tầm soát Ung thư Vòm mũi họng – Hạ họng – Thanh quản bằng Nội soi NBI.

Ung thư vòm họng là bệnh ung thư đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ. Tại bệnh viện K Hà Nội, năm 1998 tỷ lệ mắc bệnh ung thư vòm họng ở nam là 9,2/100.000 người dân và ở nữ là 4,8/100.000 người dân.  Tại Singapore, nguy cơ mắc ung thư vòm ở nam giới gấp 3 lần lớn hơn so với nữ.
I. DỊCH TỄ HỌC
  • Khu vực có nguy cơ mắc cao bao gồm miền Nam Trung quốc, các nước vùng Đông Nam châu Á.
  • Khu vực có nguy cơ trung bình và ngày càng có xu hướng tăng lên bao gồm các nước ở vùng Bắc Phi.
  • Khu vực có nguy cơ thấp là các nước châu Âu, châu Mỹ.
II. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng cho tới nay chưa rõ ràng. Có rất nhiều giả thiết:
  • Do virus: Qua nhiều nghiên cứu thấy bệnh này có liên quan đến virút Epstein – Barr (EBV). Kháng thể chống virút EBV cao ở các bệnh nhân ung thư vòm loại biểu mô không biệt hoá.
  • Do yếu tố di truyền: Nhiều trường hợp ung thư vòm được phát hiện trong một gia đình. Tỷ lệ tăng cao của kháng nguyên HL – A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên BW46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện ung thư vòm.
  • Môi trường: Kiều dân Trung Quốc di cư sang Mỹ ít bị ung thư vòm hơn ở trong nước làm cho người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động vào bệnh này. Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm EBV mạn tính là hai yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
  • Thức ăn và cách chế biến: Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamin có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hoá, và ung thư vòm.
  • Tuổi và giới: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thấp nhất là 5 và cao nhất là 85 tuổi, tuy nhiên lứa tuổi hay gặp nhất từ 30 – 55 tuối chiếm tỷ lệ 70%.

III. TRIỆU CHỨNG
  • Nhức đầu âm ỉ, lan tỏa.
  • Ù tai: Ù tai một bên liên tục, ngày càng tăng.
  • Nghẹt mũi: Hỉ mũi có máu hoặc chảy máu cam thường xuyên.
  • Nổi hạch cổ: Nhóm hay gặp nhất là hạch góc hàm, lúc đầu nhỏ sau to, chắc, không đau. Giai đoạn cuối hạch to gây lở loét ra da, đau.
  • Liệt dây thần kinh sọ: Lác mắt, nhìn đôi, tê mặt, liệt lưỡi, muộn hơn có thể nuốt sặc.
  • Các triệu chứng nhức đầu, ù tai, nghẹt mũi rất dễ lầm lẫn với cảm cúm, các bệnh nội khoa về thần kinh mạch máu, các bệnh tai mũi họng.
IV. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán ung thư vòm dựa vào các xét nghiệm sau:
  • Nội soi NBI.
  • Sinh thiết.
  • Chọc hút hạch làm FNA.
  • Chụp CT Scanner hay chụp MRI.
  • Xét nghiệm sinh hoá.
  • Triệu chứng lâm sàng.
4.1. Nội soi NBI
  • Nội soi truyền thống: Nội soi truyền thống, sử dụng ánh sáng phức hợp, có dải tần phân bố từ bước sóng 380nm đến 780nm. Nhưng ánh sáng phức hợp không thể phân biệt được sự khác biệt được đặc điểm giữa tổ chức bình thường và tổ chức bệnh lý (ung thư).
  • Nội soi NBI (Narrow Banding Imaging – NBI endoscopy): Nội soi với dải tần ánh sáng hẹp sử dụng ánh sáng đơn sắc với hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm) có thể phát hiện sự tăng sinh bất thường của hệ vi mạch máu nông và rất nông ngay trong lớp niêm mạc. Đây chính là cơ chế lý giải tại sao nội soi NBI cho kết quả hình ảnh bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường. Nội soi NBI có thể phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu trong các trường hợp ung thư vòm mũi họng, ung thư hạ họng thanh quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư trực tràng từ rất sớm, khi mà khối u còn khu trú, chưa có hạch di căn. Nhờ vậy kết quả điều trị sẽ tốt hơn nhiều, tỷ lệ khỏi bệnh cao.
  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn là nơi đã triển khai nội soi NBI tầm soát ung thư vòm, ung thư hốc mũi, ung thư hạ họng thanh quản từ năm 2010, phát hiện nhiều trường hợp ung thư vòm, nhiều bệnh nhân đã được xạ trị sớm và khỏi bệnh.
Noi soi NBI
4.2. Sinh thiết
Sinh thiết vòm dưới nội soi, đặc biệt sinh thiết vòm dưới nội soi NBI sẽ cho kết quả chính xác bởi dưới ánh sáng nội soi NBI có thể đánh giá mức độ bắt sáng đặc biệt nơi khối u do sự tăng sinh mạch máu.
4.3. Chọc hút hạch làm FNA: Chọc hút hạch cổ gửi sinh thiết.
Chẩn đoán mô bệnh học:
  • Ung thư biểu mô không biệt hoá 86,6%
  • Ung thư biểu mô vảy không sừng hoá 7,68%
  • Ung thư biểu mô vảy sừng hoá 0,9%
  • Ung thư biểu mô tuyến nang 0,23%
  • Các loại khác 4,54%
4.4. Chụp CT Scanner hay chụp MRI
Đánh giá mức độ xâm lấn của khối u dựa trên hình ảnh CT Scanner hay MRI.
4.5. Xét nghiệm sinh hoá
Thử các phản ứng IgA/VCA; IgA/EA; IgA/EBNA trước, trong và sau điều trị để đánh giá tiên lượng.
V. XẾP LOẠI GIAI ĐOẠN BỆNH: Theo xếp loại của UICC 1999
Khối u (T):
  • T1: u ở trong giới hạn ở vòm.
  • T2: u lan tới tổ chức phần mềm của họng miệng hoặc hốc mũi.
  • T2a: u chưa xâm lấn ra cạnh thành họng.
  • T2b: u xâm lấn ra cạnh thành họng.
  • T3: u xâm lấn xương hoặc các xoang cạnh mũi.
  • T4: u xâm lấn vào trong sọ hoặc xâm lấn các dây thần kinh đáy sọ, hố thái dương, hạ họng hoặc mắt.
Hạch cổ (N):
  • N1: hạch cùng bên với u đường kính lớn nhất <=3cm.
  • N2a: Hạch cổ cùng bên đường kính lớn nhất >3 và <6cm.
  • N2b: Nhiều hạch cùng bên đường kính lớn nhất <=6cm.
  • N2c: Hạch cổ hai bên đường kính lớn nhất <=6cm.
  • N3: Một hoặc nhiều hạch đường kính lớn nhất >6cm.
Di căn xa (M):
  • MX: Không phát hiện thấy di căn xa.
  • MO: Không có di căn xa.
  • M1: Có di căn xa.
VI. ĐIỀU TRỊ
6.1. Xạ trị đơn thuần:
  • Chỉ định cho các giai đoạn sớm T1, T2, N0, N1, M0.
  • Kỹ thuật xạ trị: Trải liều 2Gy ngày, 10Gy tuần, tổng liều xạ cho:
    • T1, T2: 65 – 70Gy
    • N0: 50Gy
    • N1: 60 – 65Gy.
6.2. Hoá trị kết hợp với xạ trị:
  • Chỉ định cho các giai đoạn muộn T3, T4, N2, N3 và một số trường hợp M1.
  • Các hoá chất chủ yếu theo phác đồ 5FU kết hợp với Cisplatine, ba đợt sau đó chuyển sang xạ trị phối hợp.
  • Kỹ thuật xạ trị như trên, tổng liều xạ cho T3, T4 từ 70 – 75Gy; N2, N3 trung bình 65 – 70Gy, thời gian 7 – 8 tuần.
6.3. Phẫu thuật:
Chỉ định cho các trường hợp hạch còn sót lại sau xạ trị 2 tháng.
VII. TIÊN LƯỢNG
Ung thư vòm họng có tiên lượng tốt, tỉ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm I, II từ 70 – 90%, giai đoạn III và IV chỉ còn 15%-30%.
VIII. CẢNH BÁO
Nếu có một, hoặc hai triệu chứng sau đây phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng.
  • Đau đầu một bên kéo dài.
  • Ù tai một bên kéo dài.
  • Ngẹt mũi một bên.
  • Chảy máu cam thường xuyên.
  • Lác mắt (liệt thần kinh VI).
  • Méo miệng, tê mặt một bên (liệt thần kinh VII).
  • Tình cờ phát hiện hạch cổ không đau.
IX. KẾT LUẬN.
  • Ung thư vòm họng là bệnh ung thư đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ. Tại bệnh viện K Hà Nội, năm 1998 tỷ lệ mắc bệnh ung thư vòm họng ở nam là 9,2 và ở nữ là 4,8 người /100.000 dân.
  • Tầm soát ung thư vòm mũi họng sớm bằng nội soi NBI và điều trị kịp thời tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm từ 70 – 90%.
X. TẦM SOÁT UNG THƯ VÒM, UNG THƯ THANH QUẢN BẰNG NBI Ở ĐÂU?
  • Ở Việt Nam, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn đã tiên phong đầu tư 02 hệ thống nội soi NBI và đưa vào sử dụng từ năm 2010.
  • Nội soi NBI đơn giản giống như nội soi thông thường nhưng được soi ở dải tần 415 Nanomet nên có thể phát hiện sự tăng sinh mạch máu dưới lớp niêm mạc, nhờ vậy sinh thiết thường chính xác.
TS.BS. HOÀNG LƯƠNG
GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG SÀI GÒN

Không có nhận xét nào: