Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Bệnh thống phong (gout). - Hỏi, đáp.

Hỏi:

  • Kỳ rồi tôi bị đâu đầu gối bên trái quá trời, ra bác sĩ khám rồi sau đó thử máu, bác sĩ lại nói đó là bệnh gao. 
  • Xin cho biết làm sao để biết chắc đau đầu gối này là do gao chứ không phải thoái hóa khớp, để trị cho chắc ăn?
  • Tôi bị gout, đau ở ngón chân cái, bác sĩ cho uống tới hai ba thứ thuốc. Thuốc uống lâu có sao không? Có người nói ăn uống kiêng khem cũng có thể chữa được, đỡ tốn tiền mà lại không sợ tác dụng phụ, có đúng không? Nếu uống thuốc, thường phải uống bao lâu?
  • Tôi thường bị đau khớp, bây giờ lại bắt đầu nổi cục ở ngón tay. Có cách nào để chữa cục nổi trên ngón tay hay không? Chữa có tốn nhiều tiền không, vì tôi không có bảo hiểm? Không chữa có biến chứng gì không? 
  • Tôi bị bệnh gút đã lâu, bệnh cứ tái đi tái lại hoài, có cách nào để bớt các cơn này hay không? Tôi đã thử ăn uống kiêng khem đủ thứ nhưng cũng không thấy hiệu quả bao nhiêu. Nên ăn uống như thế nào để bớt bị lên cơn đau? Có thuốc nào tốt hơn là kiêng khem hay không?

Ðáp:

Bệnh gao, tiếng Mỹ viết là gout, ở Việt Nam, có người gọi theo kiểu đọc Tây, là gút, có người dịch là thống phong.

Phong là phong thấp tức là viêm khớp, thống là đau, tức là bệnh khớp làm đau kinh khủng.

Thực ra bệnh khớp nào cũng làm đau, nhưng một cơn gout cấp tính là một kinh nghiệm không thể nào quên, vì đúng là nó đau khủng khiếp, không đụng cũng đau, chỉ cần quần áo hay khăn trải giường đụng nhẹ vào cũng đau quằn quại. 

Trong bài này, ta sẽ dùng chữ gout vì khi đi bác sĩ ở bên Mỹ này, đó là chữ mà các bác sĩ và nhân viên y tế thường dùng nhất.

Gout là bệnh gây ra ở những người có mức của một chất gọi là urate (đọc là “diu rết,” thường gọi là uric acid) cao kinh niên.

Một số trong những người có mức uric acid cao kinh niên sẽ bị gout. Ở những người này, chất urate sẽ đọng lại thành muối (tinh thể - crystals) trong khớp. Những hạt muối này được coi là những vật lạ nguy hiểm, và do đó các tế bào quân lính bảo vệ cơ thể được gọi là bạch (huyết) cầu sẽ kéo đến để thanh toán các quân địch này.

Và các chất tiết ra trong khi bạch cầu quân ta tấn công quân địch (các tinh thể urate) sẽ tạo thành phản ứng sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ, gọi là phản ứng viêm. Tại sao chỉ một số nhỏ trong số những người bị cao urate trong máu kinh niên bị gout vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Gout thường xảy ra ở đàn ông hơn (80 phần trăm), và thường xảy ra hơn ở tuổi khoảng sau 40. Nếu xảy ra ở phụ nữ, nó thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.


Các triệu chứng của gout:

Các triệu chứng của gout có thể chia làm các nhóm: Gout cấp tính, gout mạn tính (kinh niên), và các biến chứng ở đường tiết niệu.

Gout cấp tính (acute gout)

Viêm khớp cấp tính thường là các triệu chứng đầu tiên ở người bị gout. Nó thường xảy ra đột ngột, thường chỉ ảnh hưởng một khớp, thường nhất là ở ngón chân cái lớn hoặc khớp gối. Triệu chứng trầm trọng nhất trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi cơn tấn công bắt đầu.

Sau cơn đầu tiên, bệnh nhân thường không có triệu chứng trong một thời gian. Cơn thứ nhì thường xảy ra trong vòng hai năm, rồi sau đó các cơn tiếp theo sẽ đến thường xuyên hơn. Lúc đầu, giữa các cơn, bệnh nhân có thể sẽ không có triệu chứng gì cả. 

Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, thời gian giữa các cơn bộc phát sẽ ngày càng ngắn đi, và các cơn đau sẽ ngày càng trầm trọng và kéo dài hơn. Lâu ngày, các cơn viêm sẽ lan ra nhiều khớp cùng một lúc, có thể đi kèm với sốt. Tệ hơn nữa, các cơn đau có thể sẽ trở nên liên tục quanh năm.

Một số yếu tố có thể kích thích, tạo ra các cơn bộc phát của gout là bị chấn thương, mổ, nhịn đói, dùng rượu hoặc các chất có cồn (alcohol), ăn nhiều quá, dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến mức urate trong máu.

Gout mạn tính với các cục sạn dưới da (chronic tophaceous gout):

Xảy ra ở một số bệnh nhân bị gout lâu năm không được (hoặc không chịu) điều trị thích hợp. Các cục u do sạn urate đóng cục ở khớp, xương, hoặc sụn, được gọi là “tophus” (đọc là “tô phớt sờ” - số ít), hoặc “tophi” (số nhiều - nhiều cục). 

Các cục này có thể chèn ép vào xương làm xương bị ăn mòn. Các cục xấu xí này thường gặp nhất ở các khớp ngón tay, thường không đau; tuy nhiên, đôi khi nó có thể bị viêm và đau y như cơn đau của khớp bị viêm cấp tính. Như đã nói, nó cũng có thể làm lở loét, nhiễm trùng. Ðôi khi, nếu gần đường thần kinh, nó cũng có thể chèn ép vào thần kinh gây đau hay liệt.

Với các thuốc làm giảm acid uric trong máu, các cục sạn này ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cục sạn này dễ được thành lập hơn. Ví dụ như ở những người bị gout mà dùng thuốc lợi tiểu (thường dùng trị cao huyết áp), những người uống rượu, những người bị ghép các cơ quan (organ transplantation) cần dùng thuốc cyclosporine, hoặc những người không thể dùng được các thuốc làm giảm urate.

Các biến chứng ở hệ tiết niệu:

Các sạn urate cũng có thể đóng trong hệ tiết niệu gây sạn. Ðó có thể là sạn thận, sạn niệu quản (là ống nối giữa thận và bàng quang - bọng đái)...

Sạn ở có thể làm tắt nghẽn gây ứ nước trong thận, dần dần gây suy thận. Nếu sạn nhỏ đóng trong thận, trong một số ít trường hợp, nó có thể gây viêm, xơ và (sau đó là) suy thận.

Do đó, trị gout, không chỉ là trị những cơn đau (là xong, như rất nhiều người vẫn nghĩ, nhất là những người chỉ mới bị một vài cơn đau đầu tiên), mà còn phải làm sao để giảm thiểu các cơn tái phát và các biến chứng của nó.

(Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Tel: (001) 714 531-7929
www.nguyentranhoang.com)


Không có nhận xét nào: