1/ Thiểu năng tuần hoàn não là gì?
Thiểu năng tuần hoàn não là trạng thái nhất thời, xảy ra đột ngột do các thiếu sót về chức năng thần kinh, thường hồi phục hoàn toàn sau 24h và có xu hướng lặp lại nhiều lần, do não thiếu máu, thiếu oxy.
Bệnh rất hay gặp ở lứa tuổi trên 50. Nguyên nhân hay gặp nhất là do vữa xơ động mạch… Thiểu năng tuần hoàn não có thể diễn tiến lâu ngày, hoặc có biến chứng nặng nề là gây nên bệnh cảnh đột quỵ nhồi máu não hệ sống nền rất nguy hiểm khi một động mạch bị huyết khối gây tắc hoàn toàn; bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, tuần hoàn vì thân não bị nhồi máu hoại tử cấp tính, phù não.
2/ Tỷ lệ mắc bệnh
Thường gặp nơi người trung niên và có tuổi, đặc biệt nơi những người lao động trí óc, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Tỷ lệ mắc bệnh thiểu năng tuần hoàn não rất cao, theo thống kê khoảng 2/3 người đứng tuổi đều mắc chứng bệnh này. Trong các tai biến mạch máu não nguyên nhân do thiểu năng tuần hoàn não chiếm 9-25% tổng số các tai biến mạch máu não.
3/ Thiểu năng tuần hoàn não có nguy hiểm không?
Phải nên nhớ rằng, thiểu năng tuần hoàn não có thể diễn tiến lâu ngày với các dấu hiệu như bên dưới, hoặc có biến chứng nặng nề hơn đó là gây nên bệnh cảnh đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người hoặc tử vong do suy hô hấp, suy tuần hoàn vì thân não bị nhồi máu, hoại tử cấp tính, phù não, nhũn não.
4/ Khi bệnh nặng lên sẽ có các biểu hiện sau:
- Nhức đầu: Là triệu chứng hay gặp (chiếm 90%) đồng thời cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Nhức đầu lan tỏa khắp đầu, có cảm giác căng nặng trong đầu, nhất là mỗi khi phải suy nghĩ nhiều. Người bệnh thường có thói quen xoa trán, vuốt hoặc gãi đầu, có người bóp trán, đấm nhẹ vào trán.
- Chóng mặt (gặp 87% trường hợp) hoặc có cảm giác hơi loạng choạng khi đi hoặc đứng, bập bềnh như say sóng. Có người cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi chuyển tư thế nằm sang tư thế đứng đột ngột. Điển hình là cơn chóng mặt, thấy mọi vật như chao đảo quay chung quanh mình. Hiện tượng này xảy ra mỗi khi thay đổi tư thế làm cho bệnh nhân phải nằm nhắm mắt nằm im, hễ cử động là chóng mặt, buồn nôn. Các cơn chóng mặt kiểu này có thể chỉ ngắn vài phút, có khi dài đến vài ngày.
- Dị cảm: Là những cảm giác không thật, bất thường do bệnh nhân tự cảm thấy. Ví dụ như cảm giác tê tê, bì bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò. Có bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau dọc các xương sườn, đau ở cổ theo hai đường ở phía gáy, cảm giác lạnh ở dọc xương sống. Có cảm giác như có tiếng ve kêu, cối xay lúa trong tai, tiếng này tồn tại cả ban ngày lẫn ban đêm, có khi ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, giấc ngủ và sức khỏe người bệnh.
- Rối loạn về giấc ngủ: Rất hay gặp và có đặc điểm là dai dẳng, khó chịu, khó chữa. Biểu hiện rất đa dạng; một số người biểu hiện chính là mất ngủ, ở người khác lại là rối loạn nhịp ngủ, lúc tối ngủ được, nửa đêm trằn trọc không ngủ, gần sáng lại ngủ. Đêm không ngủ được, ngày lại ngủ gà ngủ gật.
- Rối loạn về sự chú ý: Bệnh nhân rất khó truyền sự chú ý từ vật này sang vật khác. Dần dần họ bị suy nhược cả cơ thể lẫn tinh thần. Những kích thích từ ngoài trước đây thu nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng thì nay chậm chạp và khó khăn, đòi hỏi một sự tập trung chú ý lớn. Bệnh nhân trở nên đãng trí, đang nghĩ chuyện này lại nhảy sang chuyện kia; đang nói về vấn đề này lại nhảy sang vấn đề khác một cách bất ngờ. Khả năng tập trung tư tưởng rất kém.
- Rối loạn về cảm xúc: Trong người luôn cảm thấy bồn chồn, không hoàn toàn làm chủ được mình với những lý do rất vụn vặt chẳng đâu vào đâu, bệnh nhân cũng phản ứng mạnh mẽ. Bản thân bệnh nhân cũng cảm thấy phản ứng như vậy là không đúng nhưng không kìm chế được, dần dần trở thành người trái tính, trái nết. Ngoài ra, còn hay mủi lòng, dễ tủi thân, than vãn, ca cẩm hết việc này đến việc khác.
- Thay đổi nhân cách: Ở những người trước kia nông nổi, nóng tính nay trở nên hay gây gổ, sinh sự. Người trước kia hiền lành an phận nay trở thành đa sầu đa cảm, tự ti… Trước kia thận trọng đúng mức, nay trở nên tủn mủn, đa nghi, trước kia căn cơ, tiết kiệm, nay trở nên hà tiện, bủn xỉn, chi li.
Trên đây là một số biểu hiện mà bệnh nhân và người thân có thể nhận biết được. Tuy nhiên, cách tốt nhất để đề phòng thiểu năng tuần hoàn não là khám sức khỏe định kỳ để có hướng dự phòng và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nhũn não.
(Sức Khỏe & Đời Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét