Trong thực tế, chó, mèo có thể gây bệnh cho người qua các con đường sau đây:
1. Do giun đũa Toxocara sp: Loại giun đũa này ký sinh trong đường tiêu hóa của chó, mèo. Trứng giun được thải ra ngoài theo phân. Sau một thời gian, trứng giun có thể lây nhiễm cho người theo đường miệng.
Vào đến ruột người, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng này theo đường máu xâm nhập tất cả các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh tại cơ quan đó. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường nhất là ở trẻ em bởi các em hay nghịch đất, cát, bò lê la dưới sàn nhà hoặc do hay ôm ấp, vuốt ve chó, mèo. Trong khi đó, trứng giun đã bám sẵn trên lông của chó, mèo và chó, mèo có sở thích lăn lộn, vùi mình trên cát, đất...
Sau đó các em đưa tay lên miệng mút hoặc cầm nắm thức ăn nên vô tình nuốt phải trứng giun có khả năng lây nhiễm. Ấu trùng của giun có thể vào não gây liệt, vào mắt gây mờ mắt, mù; đến gan gây áp-xe gan; tới da tạo nên các vết bầm mà nhiều phụ huynh chỉ nghĩ rằng do trẻ hiếu động chạy nhảy nên ngã bầm da.
2. Do giun móc Ancylostoma caninum: Loại giun này có ở chó, mèo, sau đó xâm nhập vào cơ thể người qua da, tạo thành những đường ngoằn ngoèo dưới da gây đỏ ngứa.
3. Do sán dải Dipylidium caninum: Bình thường loại sán dải này ký sinh trong ruột chó, mèo. Chúng có thể lây truyền cho người qua đường miệng.
4. Do giun đầu gai Gnathostoma sp: Ký sinh ở chó, mèo, loại giun này muốn lây sang người phải qua các ký chủ trung gian khác như cá, lươn, tôm chưa nấu kỹ.
Một điều hết sức quan trọng cần chú ý là hầu như các loại giun sán này khi vào cơ thể người đều không thể trưởng thành trong đường ruột. Do môi trường bất lợi, chúng không trưởng thành và không thể đẻ trứng.
Một điều hết sức quan trọng cần chú ý là hầu như các loại giun sán này khi vào cơ thể người đều không thể trưởng thành trong đường ruột. Do môi trường bất lợi, chúng không trưởng thành và không thể đẻ trứng.
Vì vậy, không thể phát hiện trứng giun chó, mèo khi xét nghiệm phân người mà việc chẩn đoán phải được thực hiện bằng sự kết hợp các triệu chứng lâm sàng với yếu tố dịch tễ, huyết thanh chẩn đoán miễn dịch, siêu âm, giải phẫu bệnh.
Thuốc tẩy giun, sán chỉ định cho giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim và sán dây (sán bò, sán lợn), sán lá. Còn loại ký sinh trùng lạc chỗ này do ở dạng ấu trùng nên rất khó tiêu diệt. Còn ở chó, mèo thì chúng trưởng thành nên dễ diệt trừ bằng thuốc.
Cần áp dụng thêm một số biện pháp vệ sinh như:
- Rửa tay trước khi ăn, cắt ngắn móng tay.
- Rửa kỹ dưới vòi nước các loại rau ăn sống trước khi dùng.
- Giày dép đi ngoài đường không mang vào nhà.
- Không để chó, mèo vào phòng của trẻ. (Tốt nhất là tuyệt đối không nuôi chó, mèo vì chắc chắn em bé sẽ nhiểm giun sán do không tự phòng ngừa được.)
- Thường xuyên tắm rửa cho chó, mèo để loại trừ trứng giun bám trên lưng.
- Những bãi cát cho trẻ chơi đùa hay những bãi biển có người tắm phải có rào chắn, không nên để chó, mèo phóng uế.
- Khi làm vườn, bón phân đất, chăm sóc cây kiểng nên dùng dụng cụ và mang bao tay khi tiếp xúc với đất, phân. Sau đó rửa tay bằng xà phòng.
(Bác sĩ Ngô Văn Tuấn)
Người nuôi chó, mèo không muốn liệt chân, giun làm tổ trong não cần lưu ý.
Người đàn ông 47 tuổi đang được điều trị tại Viện Sốt rét- ký sinh trùng và côn trùng Trung ương vì giun làm tổ trong não gây liệt.
Bệnh nhân là Đ.V.D., 47 tuổi (ở Hải Phòng) và nhập viện trong tình trạng suy kiệt, gần như liệt chân phải, nguyên nhân là do bị nhiễm một loại giun đũa chó mèo. Loại ký sinh trùng này làm tổ trong não, chèn ép vào dây thần kinh gây nên tình trạng trên.
Được biết, trước Tết, ông D. bị ngứa da đầu sau lan xuống toàn thân, dần dần xuất hiện tình trạng đau nhức, cà nhắc ở chân phải. Lúc đầu ông D. nghĩ rằng bị ngứa do dùng phải dầu gội đầu kém chất lượng. Tuy nhiên, các triệu chứng ngày càng bất thường, ông D. đã đi khám. Bệnh viện ban đầu nơi ông đến khám chẩn đoán là mắc phải một loại u não hiếm gặp. Nghe kết quả, ông D. không tin nổi vào tai mình.
Nhiều bệnh nhân bị giun làm tổ trong người vì chơi với chó mèo (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, với chẩn đoán mắc một loại u não hiếm gặp, các bác sĩ tại bệnh viện này đã đề nghị ông D. kiểm tra một lần nữa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả bất ngờ, anh Dinh được xác định mắc giun đũa chó mèo.
Sau đó, ông D. được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương làm các xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả cho thấy, ông D. bị nhiễm loại giun có tên Toxocara spp thường có trong ruột của chó, mèo. Sau 2 uần điều trị, tình trạng của ông D. tiến triển tốt, có thể xuất viện trong thời gian tới.
ThS.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, Toxocara spp là giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo, thường lây qua người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít qua da.
Phần lớn các trường hợp nhiễm Toxocara spp, trứng đều nở trong ruột, ấu trùng sau đó chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác và gây tổn thương các bộ phận chúng di chuyển đến. “Đặc biệt nguy hiểm nếu chúng tấn công đến các cơ quan như tim, gan, não, phổi... nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong”, BS.Thọ cảnh báo.
Phần lớn các trường hợp nhiễm Toxocara spp, trứng đều nở trong ruột, ấu trùng sau đó chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác và gây tổn thương các bộ phận chúng di chuyển đến. “Đặc biệt nguy hiểm nếu chúng tấn công đến các cơ quan như tim, gan, não, phổi... nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong”, BS.Thọ cảnh báo.
Một bệnh nhân từng bị sán "chạy" khắp người (Ảnh Internet).
Theo thông tin từ Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, từ đầu năm 2017, số bệnh nhân nhập viện do mắc giun sán tăng hơn so với mọi năm, trong đó, bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo khá nhiều.
Thậm chí, nhiều bệnh nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng vẫn nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phán tán ra môi trường.
Thậm chí, nhiều bệnh nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng vẫn nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phán tán ra môi trường.
Thông thường những bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng có các biểu hiện như đau bụng, ngứa hoặc mệt mỏi thoáng qua hoặc không đặc trưng. BS.Thọ nhấn mạnh: “Nhiều bệnh nhân đi khám nhiều bệnh viện không ra bệnh và ít ai nghĩ đến bệnh giun sán. Thế nhưng. chúng có thể gây tổn thương lớn, khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, thậm chí có thể chết người”.
Các bác sĩ khuyến cáo, gia đình nào nuôi chó mèo nên tẩy giun sán định kỳ, người lớn, trẻ em sau khi chơi với động vật nên rửa tay sạch sẽ đồng thời hạn chế ăn rau sống tại các nơi ô nhiễm, hay có chứa đồ phóng uế của chó, mèo.
Liên quan đến trường hợp ông D., theo chia sẻ của bệnh nhân, gia đình ông có nuôi một con chó và 3 con mèo. Ông D. hay chơi, tắm và thường xuyên bắt rận cho những con vật này. Đó có thể là nguyên nhân khiến chồng chị bị giun đũa chó mèo tấn công.
(Nguồn: Nguoiduatin.vn)
Không nuôi chó mèo, không tiếp xúc với chó mèo mà vẫn bị nhiễm giun đũa chó mèo (Toxocara sp)
Đây là trường hợp một gia đình 4 người, cha mẹ làm giáo viên, 2 con đang học cấp II ở Gia Lai - Pleiku. Gia đình hoàn toàn không nuôi chó mèo, không hề tiếp xúc với chó mèo, mà vẫn bị nhiễm giun đũa chó mèo.
Hình ảnh: ấu trùng, ấu trùng dưới da người và giun đũa chó mèo
Do đọc thông tin trên Internet thấy cả nhà có các biểu hiện nhiễm ký sinh trùng: ngứa, nổi mẩn dưới da, sôi bụng tiêu chảy… điều trị không giảm, gia đình đến phòng khám yêu cầu khám và điều trị.
Qua thăm hỏi và tìm hiểu chúng tôi được biết phía trước nhà của gia đình có một khoảng đất nhỏ trồng hoa. Cả gia đình thường xuyên cùng nhau chăm sóc hoa, cây cảnh trong mảnh đất này.
Khám bệnh: Cả 4 người trong gia đình đều có các vết gãi trầy xước ở cẳng tay và chân, với các mức độ khác nhau. Ở người cha, bên trong cẳng tay có hình ảnh ấu trùng nằm dưới da, phía trong cẳng chân phải, lưng nhiều vết gãi sẫm màu có bờ dày. Mạch và huyết áp đều bình thường, bụng mềm, gan không to, không đau…
Chúng tôi quyết định cho làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng.
Kết quả xét nghiệm:
- Công thức máu: bạch cầu đều tăng nhẹ, bạch cầu ái toan của người mẹ và con gái bình thường, của người cha và con trai tăng >30%.
- Sinh hóa máu: men gan không tăng, chức năng của thận bình thường.
- Xét nghiệm miễn dịch ELISA: cả 4 người đều (+) với giun đũa chó mèo.
Chúng tôi tiến hành điều trị cho gia đình này bằng thuốc đặc trị: Albendazole kết hợp với thuốc kháng Histamine, thuốc bôi ngoài da.
Sau khi điều trị hai tháng gia đình đến tái khám: kết quả lâm sàng khả quan, không còn ngứa, các vết gãi đã lành, xét nghiệm công thức máu cho thấy bạch cầu ái toan trở lại bình thường, xét nghiệm miễn dịch ELISA đều (-), bệnh đã khỏi.
Qua những trường hợp trên, chúng tôi suy đoán ấu trùng giun đũa chó mèo đã từ đất xâm nhập qua da vào người gây bệnh khi làm vườn chăm sóc hoa, cây cảnh và có lời khuyên như sau:
- Bệnh giun đũa chó mèo gây bệnh chủ yếu trên chó, mèo, người chỉ là tình cờ mắc phải ở giai đoạn ấu trùng.
- Ấu trùng giun đũa chó, mèo có thể xâm nhập vào người qua nhiều cửa ngõ khác nhau như: nuốt phải ấu trùng nhiễm trong thực phẩm, ấu trùng giun chui qua da, chui qua niêm mạc, hít phải ấu trùng trong bụi…
Sau khi xâm nhập vào người, ấu trùng giun đũa có thể di chuyển:
- vào mắt, thường ở một bên mắt, hiếm khi hai bên, làm giảm thị lực, đau mắt, lé mắt kéo dài nhiều tuần, thường gặp nhất là u hạt võng mạc. Những biểu hiện thường gặp khác là viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị, có mủ trong tiền phòng mắt;
- vào phổi gây ra triệu chứng hay gặp là ho, khò khè, có thể lên cơn hen suyễn hoặc viêm phổi, tràn dịch màng phổi và gây suy hô hấp;
- vào não gây tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, có những biến chứng trầm trọng làm cho bệnh nhân bị yếu cơ, rối loạn cảm giác, co giật, hôn mê, động kinh, mất điều khiển vận động, cứng cổ, rối loạn tâm thần… Nhiều trường hợp nặng gây chết người.
Do vậy, khi mọi người dân có các triệu chứng nhiễm ký sinh trùng như đã nêu trên, hãy đến các cơ sở y tế chuyên ngành để khám và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh bệnh giun đũa chó, mèo, Cục y tế Dự phòng - Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể. Bệnh giun đũa chó, mèo không lây trực tiếp từ người sang người nên biện pháp phòng bệnh là:
- Hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, đặc biệt là: không ôm hôn, bồng bế, vuốt ve chó, mèo. Nếu có tiếp xúc với chó, mèo thì sau đó cần rửa tay bằng xà bông;
- Vệ sinh môi trường, không để chó, mèo phóng uế bừa bãi, tẩy giun sán định kỳ cho chó, mèo;
- Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần.
- Không đi chân đất, đeo găng tay khi tiếp xúc với đất.
(Bs. Hoàng Ngọc Hùng - Phòng khám chuyên khoa ký sinh trùng)
Triệu chứng nhiễm giun sán tuyệt đối không được bỏ qua
Ngứa là một trong những triệu chứng phổ biến khi nhiễm giun sán. Tuy nhiên, do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết mà nhiều người lại bỏ qua triệu chứng này khiến bệnh càng kéo dài và trở nặng.
- Ngứa là triệu chứng thường gặp của da và do nhiều nguyên nhân như thời tiết, dị ứng với môi trường bên noài, hóa chất, thức ăn,...Nhưng đây cũng chính là dấu hiệu cho thấy bạn đã nhiễm phải giun sán, đặc biệt là sán chó mèo.
Ngứa là cũng là triệu chứng thường gặp khi nhiễm giun sán. |
Thông thường, ngứa do giun sán chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi xét nghiệm và rất khó nhận biết. Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Phòng khám Quốc tế Ánh Nga, chuyên khoa Ký sinh trùng, hiện này không ít bệnh nhân tìm đến cơ sở chữa trị giun sán do bị ngứa thường xuyên. Và trước đó, nhiều người cũng lầm tưởng đây là bệnh da liễu nhưng chữa mãi không khỏi.
Nguyên nhân gây ra ngứa khi nhiễm giun sán là do chất thải tiết của chúng có trong máu người và cơ thể chúng ta nhận biết chất thải tiết đó là kháng nguyên lạ. Từ đó, cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại dị nguyên này khiến cho người bị nhiễm giun sán trong máu rất ngứa, nhiều người gãi mà không thể hết ngứa.
Hiện nay, các loại giun sán thường gặp ở Việt Nam bao gồm sán lá gan lớn, giun đầu gai, giun lươn, giun đũa chó/mèo (sán chó), amíp, sán máng, sán gạo heo và sán lá phổi (Paragonimus).
Những ký sinh trùng này sau khi vào cơ thể sẽ tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển được trong da và mô mềm, thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng…trước phát triển thành hình dạng nhất định.
Tùy vào chủng loại mà giun sán gây ra những tác động khác nhau lên cơ thể người. Chúng có thể ăn lên não, cơ tim, mắt hoặc chỉ gây ngứa, mủ và viêm da. Đặc biệt khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó (sán chó) có tên khoa học là toxocara canis, biểu hiện rõ ràng dễ nhận thấy nhất của người bệnh là ngứa da.
Triệu chứng khi đã nhiễm giun sán. |
Ngoài ra, nhiễm giun ra còn gây ra các dấu hiệu liên quan đến hệ tiêu hóa như gây tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, nôn ra giun sán hoặc đại tiện ra giun sán. Tiêu chảy hoặc táo bón sẽ làm cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng của thức ăn qua ruột đưa đến suy dinh dưỡng, cơ thể bị suy yếu.
Nghiêm trọng hơn, độc tố của giun sán còn tác động trên hệ thần kinh gây nên co giật ở trẻ em, rối loạn thần kinh, suy nhược thần kinh, mê sảng hoặc ngớ ngẩn. Bệnh giun sán cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh khác phát triển như thiếu vitamin, sốt rét, kiết lỵ, lao phổi... do sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
Về lâu dài, nhiễm giun sán còn gây ra nhiều biến chứng nội khoa như đau bụng cấp tính, viêm tá tràng, thiếu máu nghiêm trọng, có hiện tượng dị ứng.
Các biến chứng ngoại khoa cũng được ghi nhận như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ống dẫn mật, nhiễm khuẩn ống dẫn mật, viêm tụy tạng.
Chính vì vậy, nếu có dấu hiệu ngứa da lâu ngày bạn nên đi xét nghiệm ngay để chữa trị kịp thời. Đồng thời nên ăn thức ăn chín kĩ, hạn chế tối đa ăn món tái, sống, và tuyệt đối thận trọng khi trong nhà có các vật nuôi như chó, mèo.
(Theo GĐVN)
10 bệnh thú cưng có thể lây cho bạn.
Cho dù bạn rất tự hào vì sở hữu một chú mèo xinh xắn, một chú chó trung thành hay một nàng hamster đáng yêu, nhưng bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh từ những thú cưng đó. Rất nhiều vi sinh vật gây bệnh, từ vi khuẩn, nấm cho tới virus, có thể lây từ thú cưng sang bạn.
Chúng ta không sống ở một thế giới vô trùng và động vật – thú cưng và người bầu bạn của chúng ta không phải là không có vi trùng. Việc lây bệnh từ thú cưng xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu.
Dưới đây là những hướng dẫn cho những bệnh thường lây từ vật nuôi sang người và lời khuyên để phòng tránh.
1/ Herpes mảng tròn từ chó con và mèo con:
Những vật nuôi nhỏ thường dễ làm lây bệnh này cho người hơn là chó hoặc mèo trưởng thành.
Herpes mảng tròn là một bệnh do nấm gây ra, tạo ra những phát ban đóng vảy, đỏ, tròn trên da hoặc một mảng hói trên da đầu. Một vài vật nuôi trưởng thành, thường là mèo sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào của herpes mảng tròn.
Nhưng bạn có thể dễ dàng bị nhiễm herpes mảng tròn khi chạm vào những vật nuôi bị bệnh hoặc thậm chí là chạm vào chăn hoặc khăn của vật nuôi. Bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với đất có lẫn phân của vật nuôi nhiễm bệnh.
Nếu bạn bị herpes mảng tròn, bạn có thể dùng thuốc mỡ chống nấm bôi ngoài da, loại có chứa miconazole. Trong những trường hợp nặng hơn, bác sỹ có thể kê cho bạn thuốc chống nấm dạng uống.
- Phòng tránh: Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh herpes mảng tròn là rửa tay sạch sẽ ngay sau khi bạn vuốt ve thú cưng. Và đeo găng tay khi bạn làm vườn hoặc dọn phân của thú cưng.
2/ Giun đũa, giun móc và sán dây:
- Giun đũa: đa số cún con và mèo con sinh ra đã có giun đũa, bởi vậy chúng cần thường xuyên được kiểm tra và điều trị bởi bác sỹ thú y.
Trứng giun đũa có thể tồn tại hơn một tháng trong môi trường ẩm như cát hoặc đất ẩm- nơi vật nuôi thường đi vệ sinh. Nếu bạn vừa dọn cát có nhiễm giun và không rửa tay trước khi ăn, bạn có thể ăn cả trứng giun. Trong những trường hợp hiếm, một số người nhiễm trứng giun đũa có thể biểu hiện cả triệu chứng ở mắt, tim, phổi và thậm chí là hệ thần kinh.
Giun đũa có thể được điều trị bằng các loại thuốc chống ký sinh trùng như albendazole hoặc mebendazole.
- Giun móc ở vật nuôi, thường ở chó và mèo, có thể do nhiều loại ký sinh trùng gây ra. Con người có thể nhiễm bệnh nếu ấu trùng giun móc từ đất xâm nhập vào da.
Đó là lý do bạn không nên để chó mèo leo lên giường hoặc ghế sofa. Tình trạng nhiễm giun thường sẽ tự biến mất hoặc bạn sẽ phải dùng một vài loại thuốc chống ký sinh trùng.
- Sán dây có thể truyền từ bọ chét trong khi thú cưng liếm lông, cắn và nuốt bọ chét đã nhiễm sán. Sau đó thú cưng có thể sẽ lây sán sang người, dù tỷ lệ này rất thấp.
Nếu da bạn tiếp xúc với vùng mông của vật nuôi, bạn có thế sẽ nhiễm sán. Bạn có thể sẽ xuất hiện những triệu chứng về tiêu hóa và sụt cân. Để điều trị nhiễm sán, bạn sẽ phải dùng một số loại thuốc uống.
- Phòng tránh: Bạn có thể tránh hiễm giun móc bằng việc không đi chân không hoặc ngồi trên những khu đất hoăc cát đã bị nhiễm bẩn.
Cách tốt nhất để tránh sán dây là kiểm soát bọ chét trong nhà của bạn. Đảm bảo rằng chó và mèo của bạn không có bọ chét và cũng đảm bảo rằng thú cưng mới nuôi của bạn đã được khám và điều trị giun sán, nếu cần. Dọn sạch sau khi thú cưng đi vệ sinh, để tất cả chất thải của thú cưng vào túi nilon và vứt vào sọt rác.
3/ Nhiễm Salmonella từ thú cưng là động vật bò sát:
Những người sống trong chung cư thường không được phép nuôi chó hoặc mèo, bởi vậy họ thường chọn nuôi bò sát như thằn lằn hoặc rắn. Và hậu quả là các bệnh do salmonella từ bọ sát sẽ trở nên phổ biến hơn.
Ngoài thằn lằn, rùa và kỳ nhông cũng có thể nhiễm vi khuẩn salmonella.
Bệnh do salmonella gây ra ở người có thể sẽ không gây ra các triệu chứng như ở động vật nhưng có thể làm con người thấy mệt mỏi vì bị tiêu chảy, sốt và đau bụng khoảng 1 tuần. CDC cảnh báo rằng, không nên nuôi rùa trong nhà nếu nhà bạn có trẻ nhỏ hoặc người già.
- Phòng tránh:
Đưa vật nuôi dạng bò sát của bạn đi khám mỗi năm một lần để đảm bảo rằng chúng không nhiễm salmonella.
Rửa tay sau mỗi lần chạm vào vật nuôi. Không rửa chuồng của vật nuôi trong bồn rửa bát vì salmonella có thể sẽ nhiễm vào thức ăn và bát đĩa.
Đảm bảo rằng rau bạn mua để nuôi thú cưng đã được rửa sạch bởi nếu bạn nuôi thú cưng bò sát của bạn bằng bông cải hoặc bất cứ loại rau nào không được rửa sạch, thú cưng của bạn có thể sẽ nhiễm salmonella.
Và nếu bạn đưa trẻ nhỏ nhà bạn đến vườn thú, hãy chắc chắn rằng chúng đã rửa tay sạch sẽ sau chuyến đi chơi.
4/ Bệnh sốt vẹt từ vật nuôi gia cầm:
Chú vẹt của bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn Chlamydophila psittaci và có thể sẽ lây sang bạn. Con người có thể nhiễm loại vi khuẩn này khi hít phải những dịch tiết khô của gia cầm nhiễm bệnh, kể cả khi thú cưng của bạn không biểu hiện là có bệnh.
Triệu chứng bạn gặp phải có thể là sốt, ớn lạnh, đau cơ và ho khan. Bác sỹ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh cho bạn như tetracycline hoặc doxycycline.
- Phòng tránh: Hãy cẩn thận khi dọn chuồng chim. Nếu bạn dọn chuồn chim ở nơi không được thông gió tốt, bạn nên đeo mặt nạ. CDC khuyến nghị chuồng nên được dọn sạch hàng ngày và đeo găng tay khi bạn dọn phân của chim bị nhiễm bệnh.
5/ Nhiễm Toxoplasma từ mèo:
Truyền bệnh cho người thông qua phân của mèo nhiễm bệnh, vi khuẩn Toxoplasma có thể rất nguy hiểm cho trẻ chưa được sinh ra. Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm loại vi khuẩn này khi mang thai, nó có thể sẽ gây ra dị tật bẩm sinh cho em bé.
Toxoplasma gây ra các triệu chứng rất giống cúm và thường biến mất sau vài tuần nhưng vi khuẩn vẫn sống trong cơ thể. Bạn có thể bình phục mà không cần điều trị hoặc bác sỹ có thể kê cho bạn những loại thuốc như pyrimethamine hoặc sulfadiazine và axit folinic.
- Phòng tránh: Làm sạch ổ của mèo hàng ngày và thường xuyên rửa tay với xà phòng sau đó. Rửa tay sau khi bạn làm vườn hoặc làm bất kỳ công việc gì liên quan đến đất. Cố gắng giữ mèo nhà bạn ở trong nhà bởi mèo ra ngoài chơi có nguy cơ nhiễm Toxoplasma cao hơn.
6/ Bệnh truyền qua vết cào của mèo nhiễm bọ chét:
Nếu mèo nhà bạn có bọ chét và mèo cào bạn, gây ra vết xước trên da, bạn có thể sẽ nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae. Bệnh này có thể gây sốt, phình các hạch bạch huyết và cảm giác không khỏe. Những trường hợp nặng hơn sẽ cần đến sự điều trị của bác sỹ.
- Phòng tránh: Nếu bạn bị mèo cắn hoặc cào, hãy rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng ngay. Và đây lại thêm một lý do để bạn điều trị bọ chét cho mèo nhà bạn hàng tháng.
7/ Lao gia cầm từ vật nuôi gia cầm:
Gia cầm có thể bị nhiễm lao gia cầm và không biểu hiện triệu chứng nhưng nếu vi khuẩn này bay trong không khí và lây cho người, biểu hiện sẽ giống bị lao và phổi sẽ bị tổn thương.
Nhưng may mắn thay, đây là một bệnh không phổ biến. Bạn sẽ không nhiễm bệnh trừ khi bạn bị suy giảm miễn dịch. Nhiễm lao gia cầm thường rất khó chữa và thường kháng lại nhiều loại kháng sinh. Đó là một dạng của lao nhưng không phải dạng lao truyền thống mà con người hay mắc phải.
- Phòng tránh: Rửa tay là cách phòng tránh hữu hiệu nhất bạn có thể làm. Thêm vào đó, không nên nuôi những con vật nuôi chưa được kiểm dịch. Chim mua bất hợp pháp từ Mexico và Trung Mỹ thường làm bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
8/ Bệnh dại từ chó:
Thông thường, căn bệnh nguy hiểm này thường gặp ở động vật hoang dã đã nhiễm bệnh như gấu trúc, chồn hôi, dơi và cáo. Có trong nước bọt, virus dại có thể truyền sang cho nếu chó của bạn đi ra ngoài và đánh nhau với động vật bị nhiễm bệnh.
Nếu chó của bạn bị động vật nhiễm dại cắn, chó của bạn cũng sẽ bị dại. Nếu bạn bị động vật cắn và không rõ chúng có bị dại hay không, bạn nên được tiêm phòng dại. Nếu bạn đã phát triển các triệu chứng của bệnh dại, tỷ lệ sống sót là rất thấp. Triệu chứng của bệnh dại thường giống với cúm, bị mê sảng và ảo giác.
- Phòng tránh: Cách tốt nhất để phòng dại là cho thú cưng của bạn đi tiêm phòng dại.
9/ Nhiễm Leptospira từ nước tiểu động vật:
Leptospira là vi khuẩn tìm thấy trong nước tiểu của động vật nhiễm bệnh như chó, chuột, và sóc. Vi khuẩn có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp sang người thông qua nước tiểu nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn có thể tồn tại trong nước hoặc đất từ vài tuần cho đến vài tháng. Nếu chó của bạn chạy qua sân có nước tiểu nhiễm khuẩn, sau đó chạy vào nhà và liếm chân, bạn có thể sẽ nhiễm leptospira.
Triệu chứng bệnh ở người bao gồm sốt, nôn mửa, ớn lạnh và ban đỏ, có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị. Đây là một bệnh có thể chữa được với kháng sinh như doxycycline hoặc penicillin.
- Phòng tránh: Leptospira lại là một lý do khác để bạn thường xuyên tiêm phòng cho thú cưng của bạn. Bệnh có thể dự phòng được nếu bạn tiêm vắc xin cho chó.
10/ Nhiễm virus Lymphocytic Choriomeningitis từ chuột hamster:
Thường lây qua động vật gặm nhấm, bênh lymphocytic choriomeningitis (hay LCM) là một dạng viêm não gây ra do virus Lymphocytic Choriomeningitis.
Nếu bạn tiếp xúc với nước tiểu, phân hoặc chuồng của động vật gặm nhấm bị bệnh, bạn có thể cũng bị nhiễm LCM và có các triệu chứng giống cúm. Trường hợp nặng hơn có thể gây viêm não và khiến bạn phải nhập viện.
Ở phụ nữ mang thai, tình trạng nhiễm khuẩn có thể sẽ lây cho thai nhi và dẫn đến các dị tật bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Chuột hamster có thể nhiễm virus LCM từ chuột hoang dã từ cửa hàng, tại nơi gây giống hoặc tại môi trường gia đình.
- Phòng tránh: Để làm giảm nguy cơ của bạn, tránh tiếp xúc với chuột hoang dã và áp dụng các biện pháp dự phòng cho chuột của bạn. Rửa tay sau khi vuốt ve hoặc dọn chuồng của động vật gặm nhấm.
Ai nên thận trọng khi nuôi thú cưng:
Nếu bạn hoặc trong nhà bạn có trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch, bạn phải tuyệt đối tuân thủ những quy tắc vệ sinh khi chăm sóc thú cưng:
- Rửa tay sạch sẽ.
- Nếu bạn nuôi mèo, hãy đảm bảo rằng ổ mèo được dọn hàng ngày.
- Nếu mèo của bạn thả rông, không nên để phân mèo vương ở sân.
- Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch, không nên nuôi thú cưng bị nhiễm herpes mảng tròn cho đến khi hệ miễn dịch của bạn khỏe hơn.
- Để bảo vệ trẻ nhỏ, hãy dạy chúng rửa tay sạch sau khi chạm vào thú cưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét