Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Đau dạ dày - Các dạng viêm dạ dày thể đặc biệt.


Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm dạ dày, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chđề cập đến những trường hợp viêm dạ dày đặc biệt, ít nhận được sự quan tâm đúng mức của thầy thuốc cũng như bệnh nhân.
Viêm dạ dày là tình trạng viêm xảy ra ở lớp niêm mạc – nơi đảm nhận vai trò tiết acid và lớp nhầy bảo vệ

1/ Viêm dạ dày ái toan:
Có đặc tính là sự thâm nhiễm bạch cầu ái toan vào thành dạ dày và ruột non, thường phối hợp với tăng bạch cầu ái toan trong máu.
Nguyên nhân của loại viêm dạ dày này vẫn còn chưa biết, tuy nhiên, người ta đang nghĩ nhiều đến căn nguyên dị ứng.
Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào vùng bị thâm nhiễm. Nếu thâm nhiễm niêm mạc thường gây ra thoát protein gọi là bệnh viêm dạ dày ruột xuất tiết. Nó cũng có thể gây ra hội chứng kém hấp thu và xuất huyết.
Nếu thâm nhiễm lớp cơ sẽ gây ra đau và nôn mửa. Nếu tổn thương lan đến thanh mạc sẽ gây ra cổ trướng, nhiều lúc số lượng rất nhiều và có nhiều bạch cầu ái toan trong dịch cổ trướng.
Điều trị hiện nay chủ yếu dùng corticoid.

2/ Viêm dạ dày dạng thủy đậu:
Đây là một thể đặc biệt của viêm dạ dày trong đó niêm mạc rải rác có các nốt như hình lỗ rốn, có hình bầu giác (Ventouse de poulpe), thường có loét ở đỉnh của các nốt này. 

Các nốt này có thể thấy được bằng phim baryt hoặc bằng nội soi. Trong bệnh này có sự gia tăng đáng kể của IgE nên gợi ý cho nguyên nhân miễn dịch và điều trị đáp ứng tốt với cromoglycat liều 80-160mg/ngày.

3/ Viêm dạ dày u hạt:
Bệnh u hạt dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số là do nhiễm ký sinh trùng, lao và giang mai. Một số khác là tổn thương khu trú của Crohn, bệnh Sarcoid hoặc bệnh u hạt mạn. Sau cùng là do chính nguyên nhân dạ dày nhưng chưa xếp loại được.
U hạt viêm dạ dày thường do ký sinh trùng, lao hoặc giang mai gây ra

4/ Lao dạ dày:
Lao dạ dày là rất hiếm. Lây nhiễm qua đường máu hoặc đường bạch huyết hoặc do lan tỏa củ lao hạch. Tổn thương thường gặp nhất là loét không đáp ứng với điều trị và rất dễ nhầm với ung thư. Điều trị kháng lao với 3 hoặc 4 thuốc thường đáp ứng tốt. Trong trường hợp chít hẹp cần phẫu thuật tạo hình.

5/ Bệnh Crohn:
Thể khu trú ở dạ dày gặp trong 1-5% trường hợp. Tổn thương thường nằm ở vùng hang - môn vị và lan đến tá tràng. Niêm mạc bị thương tổn tương tự như ở ruột non bao gồm loét dạng áp tơ, có nốt, loét không đều và lòng thường bị hẹp lại. 

Bệnh thường xảy ra ở người trẻ, các triệu chứng thường gặp là đau, nôn mửa, chán ăn và đôi khi ảnh hưởng nặng nề đến toàn trạng. Điều trị chủ yếu là dựa vào salazosulfapyridin và corticoid. Ngoài ra cần phối hợp với kháng tiết và băng niêm mạc, trung hòa toan. Trong trường hợp rò hoặc chít hẹp thì cần phải phẫu thuật.
                                         So sánh vị trí bệnh crohn và viêm đại tràng.

6/ Viêm dạ dày thể giả u lympho:
Là một loại phì đại dạng lympho ở niêm mạc và hạ niêm mạc dạ dày, đôi khi có thể lan ra toàn bộ thành dạ dày. Nguyên nhân bất thường vẫn chưa biết, có thể đây là một kiểu phản ứng bất thường trong loét dạ dày. 

Nội soi và phim dạ dày cho hình ảnh loét được bao bọc chung quanh bởi các nếp niêm mạc phì đại tựa lên trên một cái đế dày như trong u. Chẩn đoán xác định cần dựa trên sinh thiết với tế bào mang đặc trưng đa dòng thâm nhiễm lympho bào khác với thể giả u lympho trong bệnh u lympho (lymphoma).

7/ Bệnh Ménétrier còn gọi là bệnh viêm dạ dày niêm mạc khổng lồ:
Đây là một bệnh viêm dạ dày ở người lớn hiếm gặp, có đặc tính là phì đại lớp biểu mô dạ dày phối hợp với mất protein vào dạ dày còn gọi là viêm dạ dày ruột xuất tiết. 

Cần phân biệt với phì đại niêm mạc do Hội chứng Zollinger – Ellison hoặc một số viêm dạ dày nông hoặc teo gây ra sự phì đại các nếp niêm mạc do phù nề và thâm nhiễm tế bào viêm. Bệnh thường gặp ở nam giới hơn là phụ nữ. Các triệu chứng thường gặp là đau sau khi ăn, nôn ra chất nhầy, gầy sút và phù do giảm protein máu.
Bệnh Ménétrier còn được gọi là bệnh viêm dạ dày phì đại.( Hypoproteinemic  hypertrophic  gastropathy )
Trong bệnh Ménétrier có thể có lui bệnh một cách tự nhiên khoảng 10% nhưng cũng có thể phát triển thành ung thư. Hiện nay vẫn chưa có điều trị đặc hiệu.
(ThS. Nguyễn Bạch Đằng
Theo Sức khỏe & đời sống)


Không có nhận xét nào: