Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Tẩy rữa ruột - LÝ DO BẠN NÊN CÂN NHẮC KHI ĐỊNH RỬA RUỘT .

Nhiều quan niệm cho rằng, rửa ruột là một biện pháp thanh lọc cơ thể, đẩy độc tố ra ngoài cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng sự thật thì lại không phải như vậy. 

Rửa ruột cần để tiến hành các bước khám, xét nghiệm như nội soi đại tràng, còn nếu lạm dụng rửa ruột, lợi không thấy rõ đâu nhưng nguy hiểm thì chắc chắn gõ cửa nhà rồi.


1/ Phương pháp tẩy, rửa ruột và các biện pháp tẩy rửa.
Nhiều người đặc biệt là những người bị mắc chứng viêm đại tràng tin rằng các độc tố trong ruột, đại tràng gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đầy hơi, tăng cân và nhiều vấn đề về sức khỏe khác nên họ rất chuộng rửa ruột. Thậm chí, có người còn cho rằng rửa ruột là bí quyết để duy trì vẻ đẹp như bà Tống Mỹ Linh nổi tiếng thường làm.
Đại tràng trước và sau khi rửa
Có hai biện pháp làm sạch ruột. Biện pháp thứ nhất là sử dụng các loại thuốc nhuận tràng dạng bột hay viên, các dung dịch thụt tháo hay uống các loại trà thảo dược có tác dụng làm sạch đường ruột.
Phương pháp thứ hai là thụt rửa ruột hay rửa đại tràng. Người ta thực hiện phương pháp này bằng cách bơm một lượng nước và dung dịch vào đại tràng thông qua một chiếc ống nối với thực tràng. Tuy nhiên phương pháp này khá đắt đỏ, từ 80- 100 đô một lần.
Nhưng thật sự quy trình rửa ruột này như thế nào? Liệu nó có tống hết độc tố ra ngoài, thanh lọc cơ thể như người ta vẫn nói hay không? Đây là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

2/ Sự thật và các lý do không nên rửa ruột:
Theo các chuyên gia y tế, cơ thể có sẵn các cơ quan loại bỏ các chất độc hại đó là gan và thận. Trên thực tế, rửa ruột để loại bỏ độc tố không cần thiết và thậm chí có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là khi bạn rửa ruột già.
Nhiều người muốn làm sạch ruột vì họ cho rằng đường ruột là một nơi rất bẩn nên rửa sạch ruột là một ý hay. Tuy nhiên, trên thực tế, thụt rửa đại tràng chỉ hợp với những bệnh nhân chuẩn bị nội soi đại tràng mà không thể rửa ruột bằng thuốc và những người bị táo bón rất nặng. Nếu không, rửa ruột thậm chí có thể gây nguy hiểm với các phản ứng phụ và biến chứng nặng nề, đặc biệt khi tẩy rửa ruột già.

3/ Tác dụng phụ của rửa ruột:
Thứ nhất, biện pháp rửa ruột với thuốc nhuận tràng, trà thảo dược hay dung dịch thụt tháo có thể gây mất nước nếu người rửa ruột không bù đắp lại số lượng nước đã mất.
Thêm vào đó, sử dụng các loại thuốc kiểu này có thể thay đổi liều lượng các chất điện giải trong cơ thể như natri, kali. Thay đổi natri có thể gây chóng mặt, còn nồng độ kali thấp sẽ gây ra chuột rút ở chân và nhịp tim bất thường. Một số loại trà thảo dược làm sạch khác gây bệnh về gan, đầu độc gan và thậm chí chứng thiếu máu bất sản, một loại rối loạn máu hiếm.
Các trường hợp được ghi nhập cho thấy liệu pháp thụt rửa ruột già có thể gây đau bụng, nhói bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa.
Ngoài ra, nó còn có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng khác như thủng ruột, nhiễm trùng nặng, mất cân bằng điện giải, gây các vấn đề về thận và suy tim.
Làm sạch ruột, đại tràng không có nghĩa là thanh lọc được độc tố trong cơ thế
Theo một nghiên cứu công bố vào năm 2001 trên Tạp chí Khoa Học Tiêu Hóa Mỹ, không có bằng chứng nào cho thấy rửa ruột có thể làm cải thiện hay tăng cường sức khỏe. Thêm vào đó, các sản phẩm làm sạch ruột và phương pháp rửa ruột không nêu cụ thể được chúng có thể loại bỏ được một độc tố cụ thể nào. Nhìn chung lợi ích của rửa ruột khá mơ hồ.

4/ Rửa ruột không giúp bạn giảm cân.
Sau khi rửa ruột, bạn có thể sút đi một vài cân, nhưng đó là do một lượng nước, phân đáng kể đã bị đẩy ra ngoài, chứ không phải là chất béo bị mất đi. Vậy nên với những người hy vọng vào phương pháp này để giảm cân, xin chia buồn với các bạn.

5/ Rửa ruột, rửa đại tràng không phải lúc nào cũng an toàn:
Những người bị bệnh thận hay bệnh tim không nên thử phương pháp này bởi vì những đối tượng này đã gặp rắc rối sẵn với việc duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể. Việc rửa ruột sẽ dẫn đến thay đổi điện giải và là một vấn đề đáng quan ngại.
Biến chứng có thể xảy ra do rửa ruột như thủng ruột, nhiễm trùng, suy tim…

Những người bị mắc bệnh tiêu hóa, như chứng bệnh viêm ruột Crohn, viêm loét đại tràng ( thường bị ở ruột già) và viêm túi thừa đại tràng hãy tránh xa phương pháp này.
Thụt rửa đại tràng cũng gây nguy hiểm cho những người bị rối loạn mô liên kết như  mắc hội chứng Marfan và hội chứng Ehlers- Danlos cũng như những người đã từng phẫu thuật ruột và bị trĩ nặng. Bởi vì những đối tượng này có nguy cơ các bị thủng ruột nếu thực hiện việc thụt rửa đại tràng. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng nên tránh xa phương pháp này.

 6/ Rửa sạch nhiều vi khuẩn có ích trong ruột:
Có hàng nghìn tỷ vi khuẩn sống trong ruột, loại bỏ hoặc thay đổi số lượng vi khuẩn tốt hoặc xấu đều có thể gây trục trặc. Tất nhiên rửa ruột không thể nào loại bỏ hết vi khuẩn sống trong ruột, tuy nhiên, theo nghiên cứu phần lớn các vi khuẩn trong ruột là vi khuẩn có lợi. Một số vi khuẩn có ích có nhiệm vụ kiểm soát vi khuẩn gây hại nên rửa ruột có khả năng sẽ phá vỡ thế cân bằng trong ruột.

Kết luận:
Nhìn chung, chỉ nên thụt rửa ruột, đại tràng khi thật cần thiết và có yêu cầu bác sĩ. Người bình thường mắc các bệnh về đại tràng, tiêu hóa chỉ nên sử dụng các biện pháp bổ trợ như uống thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, tránh lạm dụng vào phương pháp trên để tránh các biến chứng nguy hiểm, lợi bất, cập hại.

 (Dược sĩ Hưng)

Không có nhận xét nào: