Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Bịnh béo phì - CÁC BIẾN CHỨNG KHI BỊ BÉO PHÌ.


1. Biến chứng chuyển hóa:

Béo phì là một thành tố của hội chứng chuyển hóa (HCCH), sự gia tăng khối lượng mô mỡ quá mức là yếu tố nguy cơ của nhiều thành tố khác trong HCCH.

- Rối loạn chuyển hóa glucid: có tình trạng kháng insulin, cường insulin nên dẫn đến bệnh lý tiền đái tháo đường, đái tháo đường typ 2.

- Rối loạn lipid máu: ở người béo phì, tăng nồng độ triglycerid, VLDL-c, giảm HDL-c. Nhiều acid béo tự do được giải phóng từ mô mỡ đến gan, chúng được ester hóa tại tế bào gan và trở thành triglycerid. Chúng cũng được tích vào VLDL rồi được giải phóng và lưu thông vào tuần hoàn. 

Tăng nồng độ insulin máu cũng thúc đẩy quá trình tổng hợp acid béo tại gan. Khẩu phần ăn chứa nhiều carbohydrats cũng dẫn đến gan tăng tổng hợp VLDL. Khi giảm cân thì nồng độ HDL-c tăng, triglycerid, VLDL-c giảm.

- Rối loạn chuyển hóa acid uric (Goute): liên quan tăng triglycerid, chú ý tăng acid uric do điều trị thuốc chống béo phì (tăng thoái biến protein) gây goute cấp.

2. Biến chứng tim mạch:

- Tăng huyết áp: do rối loạn lipid máu gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, tăng huyết áp có liên quan kháng insulin, cường insulin làm tăng hấp thụ Na+ ở ống thận và tăng cathecholamin làm co mạch. Có sự liên quan giữa tăng huyết áp với béo phì, khi giảm cân huyết áp cũng giảm theo.

- Bệnh mạch vành: thiếu máu cơ tim và nặng hơn nữa là nhồi máu cơ tim. Biến chứng mạch vành xảy ra ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ khác như tăng HA, ĐTĐ… và sẽ trầm trọng hơn khi có phối hợp với các yếu tố nguy cơ này.

3. Biến chứng về tiêu hóa:

- Gan nhiễm mỡ: gan lớn tiến triển thành viêm gan mỡ, xơ gan.

- Sỏi túi mật: do tăng cholesterol trong dịch mật và kết tinh thành nhân của sỏi.

- Viêm tụy cấp: liên quan đến tăng tỉ lệ sỏi mật ở người béo phì.

- Trào ngược dạ dày thực quản: ở người béo phì thường xảy ra bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản hơn ở người không béo phì.

4. Biến chứng ở phổi:

- Giảm chức năng hô hấp: béo phì làm hạn chế di động của lồng ngực khi hít thở nên dẫn đến suy hô hấp.

- Ngừng thở khi ngủ (hội chứng Pickwick), ngủ ngáy: cũng thường gặp ở người béo phì.

5. Biến chứng về xương khớp:

Thoái hóa khớp (khớp gối, khớp háng, cột sống), thoát vị đĩa đệm, trượt cột sống, hay xảy ra ở người béo phì do thường xuyên chịu lực đè nén cao hơn so với người không béo phì.

6. Biến chứng về thần kinh:

Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ của nhồi máu não hay xuất huyết não do rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

7. Đục thủy tinh thể (Cataract):

Nguy cơ tăng tỉ lệ đục thủy tinh thể có liên quan đến kháng insulin.

8. Biến chứng về sinh dục:

Giảm khả năng sinh dục, rối loạn kinh nguyệt.

9. Biến chứng khác:

Chứng rậm lông, tăng nguy cơ ung thư, sỏi mật, tắc tĩnh mạch, sừng hóa gan bàn tay, bàn chân, rạn da, nhiễm độc thai nghén, khó sinh.


(Gần như biến chứng đủ loại bịnh trong cơ thể con người khi bị béo phì).


BIỆN PHÁP KHI BỊ BÉO PHÌ:

- Chế độ tiết thực hợp lý.

- Tăng cường vận động - tập luyện thể lực.

- Đo BMI để phát hiện béo phì sớm, điều trị kịp thời.

Khi phát hiện béo phì phải khám huyết áp, xét nghiệm lipid máu, glucosse máu, acid uric… để phát hiện sớm biến chứng béo phì và có thái độ điều trị tích cực.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam về các bệnh lý tim mạch và
chuyển hóa (2010), trang 1-5.
2. Trần Hữu Dàng (2008), Béo phì, Giáo trình sau đại học chuyên ngành Nội tiết chuyển hóa, trang 304-312.
3. Williams textbook of endocrinology (10th Edition), Disorders of lipid
metabolism, Section 8, pp 1619-1635.
4. Harrison’s (18th Editon), Endocrinology and Metabolic, Part 06, chapter 77-78.
(Theo bacsinoitru.vn)

Không có nhận xét nào: