Cho con bú không hẳn là một việc khó, nhưng với người lần đầu làm mẹ, bạn có thể sẽ hơi lúng túng và gặp một chút khó khăn khi bắt đầu. Nhưng với những hướng dẫn dưới đây, mẹ hãy tự tin lên nhé, mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ đơn giản!
Trong 3 ngày đầu tiên sau khi sinh, ngực sẽ tiết ra sữa non, một chất lỏng hơi vàng chứa nhiều kháng thể giúp trẻ chống nhiễm trùng. Trong vài ngày tiếp theo, sữa non sẽ dần dần thay đổi và trở nên trắng hơn và nhiều hơn.
Vào khoảng ngày thứ ba, khi sữa bắt đầu “tích lũy”, ngực sẽ có cảm giác nặng hơn và bạn nhận thấy rằng bé sẽ nuốt những ngụm lớn hơn trong mỗi lần cho bú. Đừng lo hết sữa mà không cho con “ti sữa” mẹ nhé! Bé bú càng nhiều, cơ thể sẽ càng sản xuất thêm nhiều sữa.
Vì vậy, cách tốt nhất để thiết lập và duy trì nguồn cung cấp sữa là cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đói.
1/ Cách cho con bú đúng cách:
– Giữ trẻ: Đỡ trẻ để bé hoàn toàn hướng mặt về phía bạn. Nâng cằm bé chạm vào ngực, mũi không bị chặn, và đầu hơi ngả về sau.
– Khuyến khích trẻ há miệng: Áp cằm bé vào ngực và chà xát môi trên và mũi bằng núm vú để khuyến khích trẻ mở rộng miệng.
– Ngậm núm: Khi trẻ đã mở rộng miệng, hướng núm vú về vòm miệng. Bé sẽ ngậm núm và phần lớn nhũ hoa (phần sẫm màu quanh núm vú) trong miệng. Phần nhũ hoa lộ ra bên trên miệng sẽ nhiều hơn bên dưới miệng.
– Kiểm tra tư thế ngậm núm: Mẹ nên nghĩ về cảm giác khi trẻ bắt đầu bú. Có đau không? Kéo trẻ lại gần một chút thì sao? Còn đau không? Nếu còn, nhẹ nhàng đưa trẻ ra và bắt đầu lại. Trẻ sẽ lấy sữa nhờ sự kết hợp của động tác mút và tạo áp suất ngậm trong miệng. Bạn cũng có thể thấy cảm giác ngứa ran, khi sữa bắt đầu chảy bạn sẽ thấy động tác mút/nuốt của trẻ nhịp nhàng hơn.
– Tiếp tục cho bú: Trẻ sẽ mút nhanh lúc đầu và chậm dần về sau. Trẻ nhỏ thường sẽ ngủ quên trước khi bú no. Thay tã cho trẻ trong khi bú thường sẽ có tác dụng nhắc nhở trẻ rằng chúng vẫn chưa bú xong.
– Kết thúc quá trình cho bú: Thông thường, trẻ sẽ tự ngưng bú và nhả ra. Nếu muốn ngưng cho trẻ bú, mẹ có thể nhẹ nhàng thò ngón út vào khóe miệng bé để làm ngưng động tác mút của bé. Bé sẽ sớm cho bạn biết là mình còn đói hay không.
Khi trẻ đã bú xong, cả hai mẹ con có thể đã sẵn sàng cho một giấc ngủ dài. Nếu trẻ không mút ngay lập tức, bạn cũng đừng lo lắng vì một số trẻ cần nhiều thời gian hơn để bắt đầu. Trẻ sơ sinh có thể bú suốt một giờ trong mỗi lần bú, nhưng khi lớn lên, bé có thể thỏa mãn cơn đói của mình chỉ trong khoảng 10 phút. Nhiều trẻ có thời kỳ “quấy khóc” và trong thời gian này bé có thể muốn được bú nhiều hay ít lần hơn bình thường.
2/ Dinh dưỡng khi cho con bú:
Dinh dưỡng kém, mệt mỏi, lo âu đều là những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn sữa. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Nếu khó có thời gian cho những bữa ăn đàng hoàng, mẹ nên tăng cường các loại thức ăn vặt giàu năng lượng như các loại hạt, đậu, trái cây tươi hay ngũ cốc ăn sáng tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên chú ý bổ sung nước cho cơ thể. Luôn để một bình nước trong tầm tay khi đang cho con bú, mẹ nhé!
Khi cho con bú, mẹ cũng nên tránh các loại thức ăn nhanh, thực phẩm gây khó tiêu, rượu, bia và thuốc lá. Đối với những mẹ lỡ “nghiện” trà và cà phê, thỉnh thoảng có thể nhâm nhi một chút, nhưng không quá nhiều mẹ nhé! Theo nghiên cứu, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với cà phê. Thậm chí một số nhóc có thể trở nên cáu kỉnh và mất ngủ chỉ với một lượng nhỏ cà phê.
3/ Vấn đề thường gặp khi cho con bú:
– Đau núm vú: Nếu núm vú nhìn như bị kẹp hoặc bị biến dạng khi bé bú xong, điều này có nghĩa trẻ ngậm vú chưa đủ sâu. Trong trường hợp này, mẹ nên khuyến khích trẻ mở rộng miệng bằng cách cọ xát khu vực giữa mũi và môi trên bằng núm vú. Hướng cơ thể bé về phía mẹ, và áp cằm vào ngực mẹ.
– Căng sữa: Đây là khi ngực bạn quá đầy và có cảm giác cứng và đau. Căng sữa cũng có thể khiến cho núm vú bị bẹp khiến cho bé khó có thể ngậm được. Bạn có thể nặn một ít sữa quanh chân núm, xoa bóp ngực nhẹ nhàng, chườm nóng trước khi cho bú và chườm lạnh sau khi cho bú cho đỡ khó chịu. Có thể tránh căng sữa bằng cách cho trẻ bú theo nhu cầu.
– Tắc sữa: Bạn có thể cảm thấy đau nhói và thấy một chỗ lồi hay mảng đỏ trên ngực. Mẹ nên tiếp tục cho bú từ bên ngực bị ảnh hưởng và nhẹ nhàng mát-xa về phía núm vú đang cho bú. Chườm nóng vào chỗ bị ảnh hưởng cũng có thể giúp đỡ phần nào.
– Viêm vú: Viêm vú là sự nhiễm trùng của ống dẫn sữa bị tắc. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc chống viêm hoặc kháng sinh. Điều quan trọng là phải để sữa tiếp tục di chuyển qua phần ngực đó bằng cách cho bú hoặc nặn. Thuốc trị viêm vú không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.
(MarryBaby)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét