Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Mang thai - Sinh thường và sinh mổ – So sánh ưu nhược điểm, lợi ích tác hại của 2 phương pháp.

Nhiều mẹ bầu muốn sinh thường vì nghĩ rằng thuận theo tự nhiên sẽ tốt hơn thì được bác sĩ chỉ định sinh mổ. Nhiều bà bầu muốn đẻ mổ vì sợ đau thì bác sĩ lại khuyên nên sinh thường. 
Vậy sinh mổ khác sinh thường như thế nào, ưu và nhược điểm của 2 phương pháp này ra sao, mời các bạn tham khảo tư vấn của các chuyên gia nhé.
Đẻ thường hay đẻ mổĐẻ mổ có hại gì không? – là các câu hỏi luôn thường trực trong ý nghĩ mẹ bầu đặc biệt với những người mang thai tháng thứ 9. 
Chị em cần biết rằng việc tuân thủ ý kiến bác sĩ vẫn cần được ưu tiên số một, nhất là với những người gặp bất cứ vấn đề gì bất thường trong thai kỳ như cổ tử cung bé, xương chậu hẹp hoặc nhau tiền đạo…

Ưu nhược điểm của đẻ thường với mẹ và với bé:


1/ Ưu điểm của đẻ thường:
Theo thống kê mới đây, có đến 75% chị em bầu lựa chọn phương pháp đẻ thường. Đây cũng là phương pháp truyền thống được các bà, các mẹ ta áp dụng từ ngàn xưa. Nói như thế để thấy rằng phương pháp này khá an toàn và có rất nhiều ưu điểm.
a) Ưu điểm của đẻ thường với người mẹ:

  • Người mẹ chọn phương pháp sinh thường sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị sinh nở, có thể thoải mái đi lại và trong thời gian này mẹ cũng sẽ có cơ hội cảm nhận được những thay đổi trong cơ thể mình khi em bé sắp chào đời.
  • Thêm nữa, khi sinh thường, người mẹ cũng sẽ không phải lo sẽ bị ảnh hưởng của các loại thuốc gây tê, thuốc kháng sinh khiến mẹ mất cảm giác và ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.
  • Một ưu điểm tuyệt vời nữa với những mẹ sinh mổ là nguồn sữa sẽ về rất sớm. Quá trình sinh thường diễn ra tự nhiên khiến cơ thể sẽ nhận biết được những tín hiệu bé chào đời và từ đó nguồn sữa cũng có nhiệm vụ tiết ra để phục vụ em bé. 
  • Sau sinh thường, người mẹ cũng nhanh chóng phục hồi sức khỏe và có sức lực để chăm con. Người mẹ cũng ăn uống thoải mái và vận động dễ dàng hơn.
b) Ưu điểm của đẻ thường với bé:

  • Trong quá trình sinh thường, endorphins (một loại thuốc giảm đau tự nhiên) được tiết ra từ chính cơ thể của thai phụ sẽ tác động tích cực tới khả năng thích nghi của bé với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Trẻ sinh bằng phương pháp đẻ thường cũng ít có nguy cơ bị ngạt thở hơn so với trẻ đẻ mổ. Nguyên nhân là do việc đẻ thường sẽ thúc đẩy nang phổi mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hô hấp tự động của bé sau khi sinh ra.
  • Khi ra đời bằng phương pháp sinh thường, bé sẽ biết lựa chiều phù hợp với khung xương của mẹ, biết chồng các xương của mình lại để có thể ra một cách dễ dàng nhất, ví dụ hai vai bé so lại, chân chụm lại, bé buộc phải ép ngực và lúc đó nước trong phổi sẽ ra hết. Khi bé khóc, phổi sẽ nở ra. Vì thế hệ hô hấp của những bé sinh thường bao giờ cũng tốt hơn sinh mổ.
  • Ngoài ra khi sinh thường, trẻ được tiếp xúc với dịch trong âm đạo của mẹ, được tiếp nhận vi sinh vật có lợi ở đây (âm đạo của một phụ nữ bình thường là nơi chung sống hòa bình của khoảng 22 loại vi khuẩn có lợi). Vì thế, tự cơ thể của bé có thể sản xuất hệ miễn dịch. Đây là bước quan trọng đầu tiên để phát triển hệ miễn dịch của trẻ.
  • Sau sinh, trẻ sẽ được ở trong vòng tay yêu thương của mẹ và được ăn sữa non ngay khi chào đời. Thêm nữa, hầu hết việc sinh con tự nhiên giúp giảm thiểu tối đa sự trợ giúp của các loại máy móc và thuốc gây mê nên sẽ gây rất ít tổn hại hay tác dụng phụ cho cả mẹ và bé.
2/ Nhược điểm của đẻ thường:
Tuy có rất nhiều ưu điểm nhưng phương pháp này cũng có một số điểm hạn chế:
a) Nhược điểm của đẻ thường với người mẹ:
Phương pháp đẻ thường sẽ khiến chị em mất sức nhiều hơn trong quá tình đau đẻ và rặn đẻ. Phương pháp này cũng không an toàn đối với những mẹ gặp vấn đề bất thường trong thai kỳ như nhau tiền đạo hoặc mẹ bị tử cung bé, xương chậu hẹp.
b) Nhược điểm của đẻ thường với bé:
Trong quá trình sinh nở, nếu xảy ra sự cố sẽ khó xử lý hơn vì lúc đó thai nhi đã tụt xuống cổ tử cung, không thể sử dụng những phương pháp sinh nở khác thay thế được nữa. Trong trường hợp này sẽ rất nguy hiểm với thai nhi.

Ưu nhược điểm của đẻ mổ với mẹ và với bé:

Ngày nay, rất nhiều mẹ bầu lựa chọn để mổ bởi phương pháp này cũng có nhiều ưu điểm mà đẻ thường không có được.

a) Ưu điểm của đẻ mổ với người mẹ:
Phương pháp đẻ mổ là cứu cánh cho mẹ bầu và thai nhi gặp bất thường như đầu thai không thuận, thai nhi bị bệnh tật có tính chất nguy hiểm như bệnh tim, bệnh thận, nhau tiền đạo… Phương pháp này cũng khiến mẹ bầu không mất sức khi không phải chịu đựng cơn đau đẻ và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình ca mổ đẻ diễn ra.
Lợi ích dễ nhận thấy của phương pháp này nữa là ca sinh nở diễn ra rất nhanh chóng, chị em chỉ cần chọn ngày đến bệnh viện, làm thủ tục sinh nở, lên bàn sinh và 30 phút sau là đã được gặp mặt con chứ không như đẻ thường, các mẹ sẽ không biết trước được khi nào con chào đời, có những mẹ còn phải chịu đựng cơn đau đẻ lên đến 2-3 ngày.
b) Ưu điểm của đẻ mổ với bé:
Sinh mổ sẽ giúp em bé an toàn hơn khi chào đời vì phương pháp này rất dễ khắc phục khi có sự cố xảy ra đặc biệt với những thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm vì mổ đẻ có thể lấy thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ rất nhanh.

Nhược điểm của đẻ mổ:
Có lẽ phương pháp này chỉ phù hợp với những mẹ có vấn đề bất thường trong thai kỳ vì đẻ mổ còn bộc lộ khá nhiều nhược điểm:
1/ Nhược điểm của đẻ mổ – Ảnh hưởng của đẻ mổ đối với người mẹ:

  • Trong quá trình đẻ mổ, sản phụ sẽ phải dùng đến thuốc gây mê nhưng bản thân thuốc gây mê lại rất có hại, gây ra nhiều tác dụng phụ như tụt huyết áp, ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Ngoài ra đẻ mổ sẽ làm cho tử cung bị thương, ảnh hưởng đến sự co thắt bình thường của tử cung.
  • Người mẹ đẻ mổ chắc chắn sẽ mất nhiều máu hơn đẻ thường, sẽ khiến cho hàm lượng máu để co rút tử cung giảm thiểu, ảnh hưởng đến sự hồi phục của tử cung, khiến cho sự hồi phục sức khoẻ sau khi sinh của người mẹ lâu hơn.
  • Đẻ mổ cũng sẽ để lại nhiều di chứng cho người mẹ như tử cung bị mẩn đỏ dễ dẫn đến dính ruột, viêm bàng quang, và không thể loại trừ nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ, vết mổ không lành và đau nhức, ngứa ngáy vết mổ.
  • Mổ đẻ còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến sữa. Do phẫu thuật mổ đẻ sẽ khiến sản phụ mất nhiều máu và lâu phục hồi sau sinh, không được ăn uống thoải mái (trong tuần đầu sau sinh) nên sự điều tiết để phân chất các tuyến sữa từ não bộ bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự phân tiết bình thường của tuyến sữa.
  • Một rủi ro nữa mà các mẹ cần biết trước khi quyết định đẻ mổ là vết thương tử cung sẽ dễ gây hiện tượng vỡ tử cung, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người mẹ và cả đứa trẻ với những lần mang thai sau. Với sản phụ sinh mổ, muốn có thai lần nữa cần chờ ít nhất là hai năm và khoảng cách tốt nhất là 5 năm. Nếu mang thai lần tiếp theo sau khi đẻ mổ mà tiến hành phá thai, dễ phát sinh tình trạng thủng tử cung. Chị em cần đặc biệt lưu ý những nguy cơ này.
2/ Nhược điểm của đẻ mổ – Ảnh hưởng của đẻ mổ đối với trẻ sơ sinh:
Bên cạnh những nguy cơ với mẹ, sinh mổ cũng chẳng mấy có lợi cho bé:

  • Ở trẻ sinh mổ, bé không tiếp nhận được vi sinh vật có lợi từ âm đạo của mẹ, dẫn đến vi sinh vật có lợi chậm khu trú trong đường ruột, dẫn đến sự phát triển của hệ miễn dịch bị chậm trễ.
  • Môi trường bên ngoài đầu tiên mà bé ra đời bằng phương pháp sinh mổ tiếp xúc chính là không khí phòng mổ với rất nhiều mùi thuốc gây tê hay gây mê. Tuy đây là một môi trường được khử trùng nhưng không hoàn toàn vô trùng, vẫn có nhiều vi khuẩn gây hại có thể ẩn nấp ở đâu đó, và hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ tự tạo ra khác hẳn với hệ miễn dịch của trẻ sinh thường.
  • Hệ miễn dịch phát triển chậm trễ khiến trẻ sinh mổ dễ mắc bệnh hơn trẻ sinh thường, đặc biệt là hen suyễn, bệnh về hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng. Bạn có thể biết nguy cơ dị ứng của bé dựa vào tiền sử dị ứng của gia đình. Nếu cả hai vợ chồng đều từng bị dị ứng, nguy cơ dị ứng của bé sẽ là 60-80%; vợ hoặc chồng từng bị dị ứng, tỷ lệ dị ứng của trẻ là 20-40%; thậm chí dù cả bố và mẹ đều chưa từng bị dị ứng, vẫn có 15% trẻ sinh mổ có nguy cơ dị ứng.
Kết luận của các chuyên gia sản phụ khoa
Có thể dễ dàng nhận thấy phương pháp sinh thường vẫn có rất nhiều ưu điểm với cả mẹ và bé. 

  • Các chuyên gia khoa sản cũng luôn khuyên chị em nếu có thai kỳ khỏe mạnh bình thường thì nên thuận theo tự nhiên và chọn phương pháp đẻ thường. 
  • Chỉ trong trường hợp người mẹ không thể sinh thường được thì mới lựa chọn sinh mổ các mẹ nhé!

Vì sao nhiều bà mẹ chọn phương pháp mổ đẻ?

Các trường hợp bắt buộc phải sinh mổ dĩ nhiên các bác sỹ sản khoa sẽ quyết định cho sinh mổ. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp sản phụ có thể sinh thường những họ vẫn thích sinh mổ. Vì sao nhiều bà mẹ lại thích mổ đẻ như vậy?

Hỏi bác sĩ: Tôi không hiểu tại sao có khá nhiều bà mẹ trẻ lại lựa chọn phương pháp mổ đẻ thay vì sinh nở bình thường thế? Có phải là họ và gia đình muốn chọn “ngày giờ tốt” cho em bé không hay còn có nhiều nguyên nhân khác nữa?

Trả lời của các bác sỹ sản phụ khoa:
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các sản phụ và gia đình muốn lựa chọn phương pháp mổ đẻ bạn ạ. Đôi khi không phải vì lý do muốn chọn ngày giờ tốt cho em bé của họ như bạn nghĩ đâu mà vì nhiều nguyên nhân khác.

  • Chẳng hạn như những sản phụ quyết định lựa chọn phương pháp mổ đẻ vì không muốn bản thân phải đối diện với sự chuyển dạ khó khăn kèm theo bao nhiêu tiếng kêu rên đau đớn.
  • Thứ hai, nhiều bà mẹ trẻ còn sợ nếu đẻ thường sẽ khiến bộ phận sinh dục của họ bị đau đớn sau sinh. Ngoài ra, âm đạo của họ sẽ bị giãn rộng ra mà khiến khoái cảm chăn gối của họ bị giảm sút trong cuộc sống ái ân sau này.
  • Thứ 3, có thể họ bị ám ảnh bởi một lời phán đoán nào đó là họ không thể sinh thường vì cho rằng sinh thường nhiều tai biến, sinh thường sẽ khiến em bé không thông minh hay đơn giản như lý do sinh thường thì không chọn được ngày giờ tốt cho em bé của họ…

Không có nhận xét nào: