Các bước sơ cấp cứu nhanh khi trẻ bị đuối nước
Theo thống kê tỷ lệ trẻ tử vong hàng năm do đuối nước rất cao, chỉ xếp thứ ba sau tai nạn giao thông và bỏng. Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra khi trẻ bị đuối nước, việc sơ cấp cứu ban đầu hết sức quan trọng.Nếu sơ cấp cứu sớm và đúng cách sẽ cứu sống được nạn nhân đồng thời có thể phòng các biến chứng và di chứng để lại sau khi bị đuối nước. Dưới đây là các bước tiến hành sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước các bậc phụ huynh nên biết.
Trẻ bị đuối nước có thể bị tử vong ngay tức thì nếu không phát hiện sớm
Khi bị đuối nước trẻ sẽ có dấu hiệu ngưng thở và tim đập chậm lại nếu không được phát hiện và đưa lên bờ kịp thời tình trạng ngưng thở sẽ diễn ra, dẫn đến thiếu oxy trong máu, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Trẻ bị đuối nước có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời
Theo đó, khi bị đuối nước, lần ngưng thở 1 của trẻ sẽ kéo dài trong vòng từ 20 giây cho đến ngưỡng nhất định 5 - 7 phút (tùy vào từng nạn nhân) thì nhịp thở sẽ xuất hiện trở lại, và lúc này trẻ sẽ có nguy cơ hít các dị vật vào phổi gây co thắt thanh quản tức thì. Sau đó, ở trẻ sẽ xuất hiện lần ngưng thở 2, tương tự như lần 1 khi nhịp thở xuất hiện trở lại nước và dị vật sẽ bị hít vào trong phổi dẫn đến nhịp tim hoạt động chậm lại, loạn nhịp tim, tim ngừng thở và nạn nhân sẽ tử vong tức thì nếu không được phát hiện và cấp cứu sớm.
Các bước sơ cấp cứu tại chỗ khi trẻ bị đuối nước
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách. Sau đó, người cấp cứu dùng tay quàng qua nách để dìu nạn nhân lên bờ rồi gọi thêm người giúp đỡ.
Đưa nạn nhân lên bờ
Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm cho nạn nhân. Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hà hơi thổi ngạt.
Các bước sơ cấp cứu
Cách thực hiên như sau: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến người cấp cứu dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân, sau đó hít thở thật sâu rồi thổi hơi trực tiếp qua miệng nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.
Cách tiến hành như sau: Vị trí ép tim nằm ở 1/2 dưới xương ức.
- Đối với trẻ nhỏ chỉ dùng gót bàn tay của một cánh tay để ép lên vị trí tim. Còn với những trẻ lớn dùng cả hai tay để ép lồng ngực như sau: hai tay chồng lên nhau sau đó tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với tần suất 100 lần/phút. Có thể ước lượng bằng cách 1 lần đếm là một lần ép tim.
Ép tim ngoài lồng ngực
- Trong trường hợp chỉ có một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần hà hơi thổi ngạt. Còn nếu có 2 người cùng cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân có thể thở trở lại.
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ.
Những điều cần tránh khi sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước
- Dân gian thường có thói quen dốc ngược nạn nhân hoặc vác nạn nhân lên vai rồi chạy với mục đích để nước và dị vật nhanh chóng được đẩy ra ngoài. Tuy nhiên đây là cách xử lý không đúng. Vì cách này sẽ làm mất đi thời gian hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân.
Trẻ bị ngạt nước không nên dốc ngược hoặc vác lên vai để chạy
Trên thực tế nước trong phổi không nhiều như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nước sẽ được đẩy ra ngoài nhanh hơn trong quá trình hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Tăng cơ hội cứu sống nạn nhân cao hơn là vác nạn nhân chạy.
- Tuyệt đối không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi đưa nạn nhân đi cấp cứu vì có thể mất nhiều thời gian để cứu nạn nhân. Ngoài ra có thể gây các chấn thương ở não.
Cách điều trị khi trẻ bị ngạt nước
- Khi đến bệnh viện các bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống thông dạ dày để phòng tránh dịch trào ngược vào phổi làm tắc đường thở.
- Trẻ sẽ được truyền dung dịch đẳng trương, thuốc adrenalin dung dịch 1/10.000 liều 0,1ml/kg/lần.
- Các bác sĩ sẽ tiến hành đồng thời đo nhiệt độ của cơ thể ở hậu môn. Nếu nhiệt độ cơ thể lúc đầu thấp hơn 33 độ C thì khả năng cứu sống nạn nhân rất cao vì thân nhiệt hạ sẽ có tác dụng bảo vệ các cơ quan nội tạng.
- Nếu nạn nhân bị hôn mê kéo dài cần nhập viện để các bác sĩ theo dõi và điều trị theo liệu trình nhất định.
Một số lưu ý phòng tránh đuối nước cho trẻ
1. Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
- Không ăn quá no, không để trẻ quá đói khi xuống nước
- Không nên cho trẻ xuống nước lúc trời nắng gắt.
- Khi cho trẻ xuống bể bơi dù là trong nhà, hay các bể bơi tại các trung tâm, thì các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi cho con dùng phao; vì khi cho con dùng phao, cả các bậc phụ huynh lẫn trẻ nhỏ đều có một cảm giác an toàn giả tạo và rất dễ trở nên lơ đãng, bất cẩn.
Dạy bơi cho trẻ để tránh đuối nước
2. Đối với trẻ lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Phương pháp sơ cứu người bị đuối nước đúng cách
Với những người bị đuối nước, cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm, nạn nhân bị thiếu ôxy não, rất khó cứu sống sau đó.
Đuối nước và thời điểm vàng sơ cứu
Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước,… Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 – 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, sau đó là các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).
Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 – 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 – 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Cảnh giác phù phổi cấp sau khi đuối nước
Sau sơ cứu ban đầu người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.
Một người đã hít phải nước thì có thể có các dấu hiệu của phù phổi cấp như: Khó thở, đau ngực hoặc ho; thay đổi đột ngột hành vi, người mệt mỏi,… những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà bình thường chúng có thể khó chịu. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Những sai lầm cần tránh
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Cứu người bị đuối nước: Phải làm thế nào?
Nếu bạn thấy một người đang ngoi ngóp trên mặt nước nhưng không có ai hỗ trợ, hãy nhanh chóng xác định người này có bị đuối nước không và ngay lập tức tiến hành cứu nạn. Thời gian từ khi nạn nhân đuối nước đến khi chết đuối chỉ tính bằng phút, bạn phải tự tiến hành cứu nạn nếu không có người cứu nạn ở đó. Nếu bạn được trang bị các kĩ năng cần thiết, bạn hoàn toàn có thể cứu sống người đó.
Nhận định tình huống
1. Xác định người đó có đang bị đuối nước không
Thông thường nạn nhân bị đuối nước vẫn còn tỉnh táo nhưng phải vật lộn mà không thể tự tìm sự giúp đỡ. Tay nạn nhân sẽ vùng vẫy trên mặt nước. Điều quan trọng là phải phát hiện ra dấu hiệu này. Nếu không phát hiện được thì sau 20-60 giây, nạn nhân sẽ bị chết đuối.
• Người bị đuối nước sẽ liên tục vùng vẫy nhưng miệng luôn ở trên mặt nước và họ không thể tự giải cứu mình.
• Trông họ như đang gặp nguy hiểm nhưng không thể gọi người khác giúp đỡ do thiếu oxy để thở.
2. Hô hào tìm người giúp đỡ
Dù có kinh nghiệm hay được huấn luyện như thế nào, bạn cũng cần có sự trợ giúp của người khác. Hô thật to để mọi người biết rằng đang có người đuối nước. Gọi đường dây nóng ngay lập tức, đặc biệt khi mặt nạn nhân đang úp xuống mặt nước.
3. Tìm phương án cứu nạn
Bạn phải thật bình tĩnh và tìm ra phương án tốt nhất mà bạn có thể làm tùy thuộc địa điểm nạn nhân gặp nạn. Nếu người đó ở gần, bạn có thể với tay để cứu. Nếu ở xa hơn, hãy dùng phương pháp cứu nạn áp dụng trong vùng nước rộng lớn.
• Có thể mất vài giây để gây chú ý với người gặp nạn. Giữ bình tĩnh và tiếp tục đối thoại.
• Bạn có thể sử dụng một cái gậy dài (sheperd’s crock) do gậy có tầm với lớn hơn các thiết bị được dùng trong hồ bơi hoặc ao hồ khác.
• Sử dụng phao hoặc thiết bị giải cứu khác có thể dễ dàng ném đi xa nếu nạn nhân ở cách xa bờ hoặc ở vùng nước lớn.
• Lặn xuống nước hoặc bơi đến chỗ nạn nhân chỉ được coi là phương án cuối cùng.
4. Quá trình giải cứu
Giữ bình tĩnh và tập trung. Khi hoảng sợ, chúng ta có thể dễ mắc sai sót hơn và có thể khiến nạn nhân sợ hãi thêm. Nói cho nạn nhân biết ta đang đến để giải cứu họ.
Tiến hành cứu nạn đơn thuần
1. Nằm sấp trên thành của bể bơi hoặc bến cảng
Dang rộng chân để đảm bảo bạn đang ở vị trí thăng bằng và không được rướn người quá mức. Với tay của mình cho người bị nạn và hô to “Bám lấy tay/cánh tay/vợt của tôi đi!”. Bạn có thể hét nhiều lần trước khi người đó nhìn hoặc nghe thấy bạn. Nói to, rõ ràng và mạch lạc.
• Cách này chỉ hữu ích nếu nạn nhân trong tầm với của ta khi ở gần thành bể bơi, bến tàu hoặc sát bờ biển.
• Không cứu nạn khi bạn đang đứng. Bạn có thể sẽ bị ngã xuống nước khi đứng không vững.
• Sử dụng tay thuận vì bạn có thể sử dụng sức mạnh của mình để kéo nạn nhân đến vị trí an toàn.
• Sử dụng thêm thiết bị hỗ trợ để mở rộng tầm với nếu người gặp nạn hơi quá tầm với của cánh tay. Điều này có thể giúp bạn nâng tầm với của mình thêm vài chục cm. Có thể sử dụng một mái chèo hoặc một sợi dây thừng nếu người đó có thể nắm được.
• Kéo người đó ra khỏi nước an toàn và từ từ đưa họ lên mặt đất.
2. Tìm một cái gậy dài
Đây là một gậy kim loại dài có móc ở đuôi được sử dụng để nạn nhân có thể nắm được hoặc sử dụng như một thiết bị để cuốn quanh nạn nhân trong trường hợp nạn nhân không thể tự nắm được. Nhiều bể bơi và khu vực bơi ngoài trời được trang bị thiết bị này.
• Thông báo với những người khác cần phải tránh xa đuôi gậy để không gây va chạm và ảnh hưởng đến công việc giải cứu.
3. Đứng cách mép nước một đoạn
Đứng thật vững và đủ xa để không bị kéo ngược xuống nước. Giữ gậy thật chắc để người đuối nước có thể nắm lấy và gọi cho nạn nhân. Nếu họ không thể nắm, đẩy gậy xuống nước sâu hơn và quấn quanh thân người đó, ngay dưới nách của nạn nhân.
• Không để móc gậy ở sát cổ để tránh gây ra thương tích.
• Tiến hành cẩn thận vì bạn khó có thể nhìn thấy mọi thứ khi tham gia cứu nạn.
• Bạn có thể cảm nhận được sức nặng khi người đó bám được vào gậy.
4. Kéo nạn nhân đến nơi an toàn
Đảm bảo nạn nhân nắm được gậy trước khi bắt đầu kéo họ lên. Kéo chậm rãi và cẩn thận về phía mà bạn có thể tự kéo họ hoặc đẩy họ về phía thành bể. Nằm sấp và đảm bảo bạn ở tư thế vững chắc trước khi hỗ trợ.
Cách cứu nạn bằng cách sử dụng vật cứu trợ có thể ném được
1. Tìm vật thích hợp
Thiết bị cứu trợ có dây buộc là lý tưởng nhất vì bạn có thể sử dụng để kéo nạn nhân lên. Bạn có thể sử dụng phao, áo phao hoặc đệm nổi từ nơi để đồ bảo hộ ở bể bơi và khu vực bơi ngoài trời. Các thuyền cũng được trang bị phao nên bạn có thể sử dụng trong trường hợp bạn đang ở giữa vùng nước đó.
2. Ném phao cứu trợ
Ném phao đến nơi mà nạn nhân có thể với được nhưng không hướng trực tiếp đến phía họ mà cần phải đánh giá hướng gió và dòng nước trước khi ném. Thông báo cho nạn nhân biết bạn đang chuẩn bị ném và họ cần phải nắm lấy nó.
• Mục tiêu là ném xa hơn chỗ nạn nhân đang đứng và sử dụng dây để kéo phao lại gần phía họ.
• Nếu bạn ném không chính xác hoặc họ không thể nắm lấy, kéo phao lên và thử sử dụng các thiết bị khác.
• Nếu tiến hành vài lần không thành công, bạn cần phải thử các phương pháp khác hoặc bơi ra đó để đưa gần phía nạn nhân hơn.
3. Ném phao
Có thể dùng sợi dây thừng. Bạn cuốn vòng dây nhỏ quanh tay không thuận ở một đầu sợi dây và đặt ở cổ tay. Hạ thấp tay xuống dưới vai để ném phao mạnh hơn và không cản trở sự di chuyển của dây. Dẫm châm vào đầu còn lại của sợi dây để phao bị trôi.
• Khi ném, nhắm đến vai của nạn nhân.
• Khi nạn nhân đã nắm được, thả dây xuống và bắt đầu kéo đến khi nạn nhân đến bờ hoặc có thể tự đứng được.
Giải cứu
1. Bạn phải chắc chắn về trình độ bơi lội của mình
Bơi đến chỗ nạn nhân chỉ là phương án cuối cùng. Bạn cần phải được đào tạo và có kĩ năng bơi lội tốt. Đây là một cách khá nguy hiểm vì người đuối nước thường dễ hoảng loạn.
2. Mang theo đồ cứu trợ
Không được bơi mà không có phao. Do phản ứng đầu tiên của người đuối nước là trèo lên người bạn nên bạn cần thiết bị nổi được để đảm bảo an toàn cho bạn và cứu được nạn nhân. Nếu bạn không có phao, mang theo một cái áo hoặc khăn để nạn nhân có thể bám vào.
3. Bơi về phía nạn nhân
Bơi sải để nhanh chóng tiếp cận người bị đuối nước. Nếu bạn ở nơi nước sâu, sử dụng kĩ thuật bơi phù hợp để tránh bị sóng đánh bật lại. Ném phao hoặc dây về phía người gặp nạn.
• Hướng dẫn họ cách nắm lấy đồ vật. Lưu ý không được bơi sát nạn nhân vì họ có thể đẩy bạn xuống dưới mặt nước.
4. Bơi về phía bờ
Bơi thẳng về phía bờ và kéo nạn nhân ở phía sau. Ngoái lại thường xuyên để chắc chắn nạn nhân vẫn đang nắm lấy phao hoặc dây. Tiếp tục bơi cho đến khi đến nơi an toàn và thoát khỏi mặt nước.
• Giữ khoảng cách an toàn với nạn nhân.
Chăm sóc nạn nhân sau khi giải cứu
1. Đánh giá theo các bước ABC – Đường thở, hô hấp và tuần hoàn
Yêu cầu một người gọi 911 và kiểm tra ABC. Xác định xem người đó vẫn đang thở bình thường và không có vật gì cản trở đường thở. Nếu họ không thở, bắt mạch cổ tay hoặc ở phía bên cổ. Cần bắt mạch trong 10 giây.
2. Tiến hành hồi sức tim phổi
Nếu không bắt được mạch, tiến hành hồi sức tim phổi. Với người lớn và trẻ em, đặt gót tay lên ngực nạn nhân hoặc đặt chồng hai tay. Ép tim 30 lần với tần số 100 lần/phút. Ấn sâu khoảng 5 cm. Để ngực trở lại bình thường sau mỗi lần ép. Kiểm tra xem nạn nhân đã bắt đầu thở chưa.
• Không ấn vào xương sườn.
• Nếu nạn nhân là trẻ em, đặt 2 ngón tay lên xương ức. Ấn sâu khoảng 4 cm.
3. Hỗ trợ hô hấp nếu nạn nhân không tự thở được
Chỉ hô hấp nhân tạo nếu bạn được đào tạo về hồi sức tim phổi. Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim.
• Tiếp tục thực hiện việc đến khi nạn nhân tự thở hoặc được cấp cứu.
Mẹo
• Bạn là ưu tiên số một. Nếu bạn thấy việc cứu nạn gây nguy hiểm đến tính mạng, không được tham gia vào và phải đánh giá lại tình huống trước khi giải cứu.
• Khi bạn đưa nạn nhân đến thành bể bơi, đan hai tay nạn nhân vào nhau và đặt tay bạn lên trên. Để cổ nạn nhân phải ngửa lên, không cho đầu cúi xuống nước.
• Chỉ bơi khi không còn cách nào tiếp cận được nạn nhân. Tuy nhiên đây là việc có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả người giải cứu và nạn nhân.
• Nếu nạn nhân hoảng loạn, cách an toàn nhất là giữ họ từ phía sau. Nếu bạn đứng trước mặt họ, họ có thể bám mạnh vào người bạn và đẩy bạn xuống nước. Cách tốt nhất là nắm tóc hoặc phần sau của vai từ phía sau. Không được bám vào tay nạn nhân.
• Không cố gắng với tay nếu bạn đang đứng vì điều này có thể khiến bạn bị kéo xuống nước.
Biên dịch: Đỗ Hải Đăng1
[1] Đại học Y Hà Nội, và thành viên nhóm FSH – Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng
Nguồn: http://www.wikihow.com/Save-an-Active-Drowning-Victim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét