Dị vật trong mũi.
Mũi là một khoang sâu, mở trực tiếp ra phía sau mặt. Một phần nhỏ liên quan của khoang mũi có thể nhìn thấy được khi nhìn vào đỉnh mũi. Phần sau của mũi hướng xuống dưới, nối tiếp với thành sau họng miệng.
Các loại dị vật và những trường hợp dị vật tắc trong mũi xảy ra muôn hình vạn trạng, nằm ngoài khả năng tưởng tượng của chúng ta.
- Các dị vật thường gặp là thức ăn, giấy ăn, các loại hạt, đồ chơi, sỏi đá.
- Phần lớn các trường hợp dị vật trong mũi và khoang mũi không nghiêm trọng và hay xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ em từ 1 đến 8 tuổi. Trẻ em phát triển khả năng cầm nắm đồ vật từ 9 tháng tuổi, vì vậy dị vật trong mũi thường ít gặp ở trẻ dưới 9 tháng tuổi.
- Một vật tắc đơn thuần trong mũi và không gây ra triệu chứng gì khác có thể không cần lấy dị vật ra ngay mà có thể trì hoãn tới sáng hoặc một vài ngày sau. Tuy nhiên, dị vật cũng có thể được lấy ra nhanh chóng mà không gây khó chịu hay nguy hiểm gì.
Ngoài ra, một vật tắc trong mũi có khả năng di chuyển xuống miệng và có nguy cơ bị nuốt phải, hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là bị hít vào phổi và gây tắc đường thở.
Mục tiêu của bài viết này là về dị vật trong mũi, không bao gồm các loại hóa chất độc hại bị hít vào mũi gây tổn thương khoang mũi, chấn thương mũi hay dị vật từ khoang mũi di chuyển vào phổi.
Nguyên nhân:
- Phần lớn các dị vật bị đưa vào mũi một cách tình cờ với vô vàn các lý do khác nhau. Khi hỏi trẻ em về dị vật trong mũi, cần nhẹ nhàng và không phán xét trẻ. Nếu không, khả năng rất lớn là trẻ sẽ phủ định rằng có vật gì đó mắc trong mũi của chúng để không bị phạt. Điều này dẫn tới chậm trễ trong việc phát hiện dị vật và làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.
- Chấn thương cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến dị vật chui vào trong mũi. Khi một người bị ngã hoặc bị đánh vào mặt, điều quan trọng là đánh giá xem liệu có dị vật tắc trong mũi mà chúng ta hoàn toàn không thể quan sát từ bên ngoài hay không.
Triệu chứng:
May mắn là, phần lớn mọi người (người lớn) có thể và sẽ nói với bác sĩ rằng có vật gì đó ở trong mũi của mình.
- Điển hình là dị vật trong mũi gây ra đau hoặc tắc nghẹt mũi bên có dị vật.
- Chảy máu mũi cũng là triệu chứng của dị vật trong mũi vì niêm mạc mũi có thể bị trầy xước. Chảy máu mức độ nhiều, máu có thể chảy qua thành sau họng và bệnh nhân sẽ nuốt xuống dạ dày.
Và bởi máu rất dễ gây buồn nôn nên người bệnh có thể nôn ra máu tươi hoặc máu đen, tùy thuộc máu đã lưu lại trong dạ dày bao lâu. Điều quan trọng là phải phân biệt đó là nôn máu đã nuốt từ mũi xuống hay là nôn máu do xuất huyết dạ dày.
- Khoang mũi thông với phía sau họng miệng, vì vậy rất có khả năng dị vật bị đẩy xuống họng. Có những trường hợp dị vật bị nuốt xuống hoặc bị tắc gây nghẹt thở. Triệu chứng của ngạt, rít, khó thở hoặc không nói được, là những gợi ý để đánh giá toàn bộ mũi, họng và phổi để tránh bỏ sót dị vật.
Cần thu thập thông tin để biết được loại dị vật, nhằm hỗ trợ cho bác sĩ quyết định có chụp X quang hay không (dị vật cản quang như kim loại sẽ thấy trên phim X quang).
- Một vài trường hợp, đặc biệt ở trẻ em hiếu động, thích cho đồ vật vào mũi và thấy thích thú khi nhét vật gì đó vào phía bên kia của mũi, cũng như nhét cái gì đó vào tai. Bác sĩ sẽ kiểm tra tất cả những nơi có khả năng có dị vật khi nghi ngờ. Hơn nữa, trẻ em cũng rất hay nhét dị vật vào mũi, tai, hay những vị trí khác của anh/em mình.
- Nhiễm trùng là một triệu chứng hay gặp khác của dị vật trong mũi. Mẩu giấy ăn bị sót lại hoặc để quên là nguyên nhân thường gặp. Kịch bản này không phải không hay gặp ở người lớn và trẻ em.
Mọi người thường sẽ phàn nàn về việc chảy nước mũi liên tục ở một bên mũi. Rất nhiều trong số họ đã điều trị một hoặc nhiều kháng sinh. Không may là, chỉ dùng kháng sinh sẽ không thể điều trị khỏi chảy nước mũi cho tới khi dị vật được lấy bỏ. Thêm vào đó, các xoang cũng thông với mũi.
Vì có dị vật trong mũi gây ra nhiễm trùng thường xuyên và làm tắc đường lưu thông xoang. Viêm xoang (đặc biệt là tái đi tái lại hoặc viêm xoang mạn tính) cũng nên đặt ra câu hỏi liệu có dị vật ở trong mũi hay không.
- Mặc dù một người có thể tự cảm nhận được có vật gì đó không bình thường trong mũi của mình, nhưng đôi khi họ vẫn có thể bị nhầm lẫn với tình trạng mũi sung huyết, vì vậy những dị vật nhỏ hoặc mẩu giấy ăn bị xé nhỏ rất có thể không được phát hiện.
- Mùi hôi cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng có dị vật ở mũi trong một thời gian dài. Có thể phát hiện được dị vật do dị vật gây ra tình trạng hơi thở hôi hay mùi hôi từ mũi, cũng có thể liên quan tới tình trạng chảy nước mũi do dị vật.
- Vùng da ngay dưới mũi trở nên đỏ, rát do chảy nước mũi liên tục hoặc do chùi mũi thường xuyên. Chốc là tình trạng nhiễm trùng da hay gặp có liên quan. Chốc thường xuất hiện với những vùng da đỏ, rát có vảy vàng nhạt ở trên. Khi chỉ có chốc ở vị trí nói trên, là một gợi ý để tiến hành đánh giá kĩ càng hơn nhằm đảm bảo rằng mũi thông thoáng và không có dị vật.
Khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế:
Gọi bác sĩ khi:
- Hầu hết các trường hợp dị vật mắc trong mũi nên tìm đến bác sĩ. Việc lấy bỏ dị vật không nên tiến hành ở nhà để tránh gây ra các tổn thương nặng nề hơn.
- Nếu có bất cứ vấn đề nào như: một phần của dị vật vẫn còn trong mũi hoặc chảy máu mũi liên tục, thì cần được thăm khám kĩ càng bởi một bác sĩ chuyên khoa.
- Đau, chảy máu mũi hoặc chảy nước mũi dai dẳng nên nghĩ tới tình trạng mũi không hoàn toàn thông thoáng. Dị vật vẫn còn trong mũi gây ra nhiều triệu chứng.
- Dát đỏ phía dưới 1 lỗ mũi hoặc tăng áp lực xoang liên tục, không giải thích được, cũng gợi ý nên được thăm khám, đánh giá cẩn thận.
- Bác sĩ của bạn có thể gặp bạn ở phòng khám của họ hoặc chuyển bạn tới phòng cấp cứu gần đó hay chuyển bạn tới một bác sĩ chuyên khoa. Bạn đừng kì vọng rằng có bất kì một bác sĩ nào có thể dánh giá tình trạng của bạn một cách đầy đủ qua điện thoại. Nếu có bất cứ lo lắng gì về dị vật trong mũi, bạn nên được thăm khám bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.
Tới bệnh viện khi:
Trong phần lớn các trường hợp, dị vật tắc trong mũi sẽ không đe dọa tính mạng. Người có dị vật trong mũi sẽ có thời gian để liên hệ với bác sĩ riêng của mình. Tình trạng cấp cứu tùy thuộc vào vị trí của dị vật và bản chất dị vật, cũng như các triệu chứng ở bệnh nhân.
- Nếu dị vật bị hít vào họng và bệnh nhân bị ngạt thở. Hãy gọi 115
- Nếu dị vật rơi xuống họng và được nuốt xuống, hãy gặp bác sĩ để được chăm sóc cấp cứu. Một vài dị vật có thể bị mắc lại ở thực quản. Nếu điều này xảy ra, dị vật cần được đẩy xuống dạ dày hoặc lấy ra bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
- Với những dị vật có chứa hóa chất, như pin, hay thức ăn cũng coi là một tình trạng cấp cứu.
- Vì mũi ẩm nên dị vật như hạt đậu sẽ bị trương phồng khi ở trong môi trường ẩm.
- Tình trạng này dẫn tới khó chịu tăng dần và gây khó khăn hơn trong việc loại bỏ dị vật.
- Pin có thể phân hủy trong cơ thể, đủ để làm dò rỉ hóa chất ra ngoài và gây bỏng.
Chẩn đoán:
Phần lớn dị vật có thể quan sát được trong điều kiện đầy đủ ánh sáng và với một vài dụng cụ. Nếu dị vật ở sâu phía trong hoặc có biến chứng nhiễm trùng xoang nghiêm trọng, thăm khám bằng soi ống mềm hoặc CT scan có thể được cân nhắc chỉ định.
- Đôi khi, dị vật có thể được phát hiện một cách vô tình khi chụp X quang vì một lý do nào đó khác. Và điều quan trọng cần phải lưu ý là một vài loại dị vật như thức ăn, gỗ, nhựa không thấy được trên phim X quang thường quy.
- Hãy yêu cầu bác sĩ thăm khám tổng thể vùng đầu và cổ trong những trường hợp có khả năng cao có nhiều dị vật trong cả lỗ mũi và tai, đặc biệt là ở trẻ em.
Một số hình ảnh của dị vật trong mũi
Chiếc pin hình nút được lấy bỏ khỏi mũi – Chiếc pin hình nút được lấy bỏ khỏi mũi và cho thấy mô hoại tử dính với cực âm của pin. Ảnh: Glenn C Isaacson, MD.
Dị vật có từ tính trong mũi được lấy bỏ - A: Dị vật từ tính trong mũi; B: Dị vật có từ tính dính chặt với nam châm đất hiếm (đĩa tròn lớn hơn và đen hơn) sau khi được lấy bỏ; C: Tổn thương niêm mạc và lộ sụn do tác dụng nén của dị vật từ tính. Ảnh: Glenn Isaacson MD.
Các vị trí dị vật mũi thường gặp – Dị vật mũi thường mắc kẹt ở sàn mũi gần ngang qua cuốn dưới (inferior turbinate) hoặc cuốn trên (superior turbinate) trong khoang mũi (nasal cavity) ngay trước cuốn giữa (middle turbinate). Ảnh: uptodate
Dị vật cao su xốp trong mũi – Hình ảnh nội soi dị vật cao su xốp trong mũi kết hợp với chất tiết nhầy trắng. Ảnh: Glenn C Isaacson, MD.
Hạt cherry với chất bài tiết trong mũi – A: Dị vật trong mũi này (hạt cherry) bị kẹt ở khoang mũi bên trái của bệnh nhi 6 tuổi; B: Sau khi hút, hạt cherry kẹt lại ở sàn mũi tiếp giáp với cuốn mũi dưới. Ảnh: Glenn C Isaacson, MD.
Điều trị sơ cứu:
Có nhiều kĩ thuật có thể thực hiện ở nhà để lấy bỏ dị vật khỏi mũi. Tuy nhiên, khuyến cáo tìm kiếm trợ giúp y tế khi mà dị vật bị mắc ở sâu phía trong hoặc có nguy cơ bị đẩy vào trong sâu hơn khi cố gắng lấy bỏ dị vật. Với trẻ em, sẽ khó hợp tác nên khó khăn hơn. Khi tìm kiếm trợ giúp y tế để lấy bỏ dị vật, không nên cho bệnh nhân ăn hay uống gì vì họ có thể được sử dụng thuốc an thần.
Chăm sóc tại nhà:
Không khuyến khích dùng bất cứ vật gì chọc vào mũi để loại bỏ dị vật tắc trong mũi. Một người có thể gây ra các tổn thương thứ phát khi đẩy dị vật vào sâu phía trong họng, và rất có thể gây ra ngạt thở hoặc tổn thương phần mềm xung quanh. Các kĩ thuật sau đây có thể thử tại nhà một cách an toàn để loại bỏ dị vật:
- Xì mũi có thể khiến dị vật bay ra ngoài. Dùng ngón tay ấn nhẹ vào cánh mũi bên không có dị vật và xì mũi. Phương pháp này có nhiều khả năng thành công.
- Hắt hơi, tạo ra một lực đẩy mạnh hơn và là phương pháp thay thế để đẩy dị vật ra ngoài hơn và ra khỏi mũi. Cũng như trên, phương pháp này có tác dụng hơn khi bịt lỗ mũi bên không có dị vật lại.
- Nhiều trẻ quá nhỏ để hợp tác thực hiện những kĩ thuật trên. Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể thử loại bỏ dị vật bằng cách dùng miệng mình, ngậm lấy miệng trẻ và bịt bên mũi không có dị vật của trẻ lại. Thổi một hơi thật nhanh vào miệng trẻ, thường thì dị vật có thể bắn ra ngoài qua lỗ mũi của trẻ và rơi vào má của ba mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Kĩ thuật này thường chỉ thực hiện khi có sự giám sát của nhân viên y tế.
- Không nên thổi một hơi lớn và mạnh. Cần cân nhắc nguy cơ lây truyền các nhiễm khuẩn từ trẻ sang người thực hiện kĩ thuật trên do họ có thể sẽ tiếp xúc với dịch tiết trong mũi của trẻ, máu hoặc cả máu và dịch tiết trong khi thực hiện kĩ thuật trên. Vì vậy, khuyến cáo nên thực hiện kĩ thuật này dưới sự giám sát của nhân viên y tế có chuyên môn.
- Chảy máu mũi là triệu chứng thường gặp liên quan tới dị vật trong mũi. Nhiều khi chảy máu có thể tự cầm. Hãy dùng khăn tắm, nhẹ nhàng đặt vào mũi là một cách an toàn để cầm máu khi người bệnh vẫn thở được dễ dàng. Nếu máu không ngừng chảy sau 5 phút, hãy tìm đến trợ giúp y tế.
- Mặc dù lời khuyên hay được đưa ra nhất trong các trường hợp chảy máu mũi là bóp cánh mũi trong 10 – 15 phút thì kĩ thuật này cũng có thể không phù hợp, tùy vào hoàn cảnh và dị vật.
- Phương pháp điều trị thường thấy ở nhà đó là đặt túi đá phía sau cổ của người bị dị vật trong mũi thì cũng không có tác dụng gì. Đặt một vật mát lên mũi, trong nhiều trường hợp có thể làm giảm chảy máu và giảm nề, giúp ích cho việc loại bỏ dị vật sau này.
- Không khuyến cáo đắp đá lạnh hoặc những vật cực kì lạnh trực tiếp vào chóp mũi.
Khi có bất kì câu hỏi nào về dị vật trong mũi hay cần đến sự can thiệp về y tế, bệnh nhân không nên ăn hay uống gì cho tới khi có sự đồng ý của bác sĩ. Lý do cho sự bất tiện này là có những dị vật rất khó lấy ra. Trong một vài trường hợp, cần phải giảm đau và bệnh nhân được tiến hành giảm đau ở cơ sở y tế. Việc giảm đau có tác dụng tốt nhất và có ít nguy cơ biến chứng nhất khi dạ dày bệnh nhân rỗng.
Sơ cứu khi có dị vật mắc trong mũi:
- Không dùng gạc bông hay bất cứ vật dụng gì khác chọc vào dị vật.
- Không cố gắng hít thở mạnh để đưa dị vật vào trong. Thay vào đó, thở bằng miệng tới khi dị vật được lấy ra ngoài.
- Thở ra nhẹ nhàng bằng mũi để giải phóng dị vật, nhưng không thở mạnh hay lặp lại. Nếu chỉ có một lỗ mũi bị vướng dị vật, hãy bịt lỗ mũi còn lại bằng cách ấn nhẹ lên, sau đó thở nhẹ ra qua lỗ mũi có dị vật.
- Gắp dị vật nhẹ nhàng bằng nhíp nếu dị vật ở vị trí dễ quan sát và dễ lấy.
Tới bệnh viện ngay nếu những biện pháp trên thất bại
(Theo: Mayo Clinic)
Điều trị y tế:
Điều trị rất phụ thuộc vào vị trí và đặc tính của dị vật hoặc những dị vật liên quan. Có nhiều phương pháp điều trị có thể lựa chọn. Những phương pháp phổ biến nhất sẽ được đề cập bên dưới và trong suốt bài viết này.
Kĩ thuật thường được sử dụng bao gồm ống mềm hút dị vật, nhíp dài hoặc dụng cụ có quai hoặc móc ở đầu.
- Nếu dị vật là kim loại, một dụng cụ dài có từ tính có thể được sử dụng để hỗ trợ kéo dị vật ra khỏi mũi.
- Kĩ thuật khác dùng một catheter cao su mềm luồn qua vị trí có dị vật. Catheter có bóng ở đầu, sau khi bơm phồng bóng lên, kéo ra thì dị vật sẽ ra cùng.
- Bất kì một bác sĩ có kinh nghiệm nào cũng sẽ nói với bạn rằng trẻ em sẽ vùng vẫy và chống đối khi thực hiện các kĩ thuật này. Sự chống đối của trẻ sẽ làm giảm khả năng thành công của kĩ thuật cũng như làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng. Nên giảm đau cho trẻ để việc lấy dị vật có thể thực hiện một cách thoải mái và bình tĩnh.
Theo dõi:
Khuyến cáo nên khám lại sau khi đã lấy bỏ dị vật mũi.
- Nếu không có triệu chứng gì, có thể khám tại phòng khám của bác sĩ trong vòng 1 tuần.
- Nếu có bất cứ tình trạng chảy nước mũi liên tục, chảy máu hoặc khó chịu gì, bắt buộc bệnh nhân phải được thăm khám kĩ càng bởi bác sĩ chuyên khoa.
Phòng bệnh:
Tò mò và khám phá là một giai đoạn phát triển tự nhiên của con người. Giáo dục trẻ rằng cho bất cứ vật gì vào mũi là không tốt có thể phòng được dị vật trong mũi. Nếu bạn nghi ngờ một đứa trẻ nhét vật gì đó vào mũi của nó, cần nhẹ nhàng và không quát mắng trẻ, có vậy thì dị vật mới có thể được phát hiện và lấy bỏ một cách an toàn trước khi có biến chứng.
Tiên lượng:
Phần lớn không có có hậu quả lâu dài sau khi có dị vật trong mũi. Tuy nhiên, tiên lượng có thể bị ảnh hưởng bởi các biến chứng. Biến chứng nghiêm trọng nhất là ngạt thở, hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, không khuyến khích tìm cách lấy bỏ dị vật ở nhà nếu việc cố gắng lấy dị vật có thể đưa dị vật vào sâu trong mũi hơn.
(Nguyễn Thị Hảo1
Hoàng Thanh Tùng2)
Hoàng Thanh Tùng2)
[1] HMU English Club
[2] Bác sĩ Nội trú khóa 39, chuyên ngành Mắt, Đại học Y Hà Nội
Nguồn:
1. Foreign object in the nose: First aid - Mayo Clinic
2. Foreign Body in the Nose: First aid and How to Remove It – Emedicine Health
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét