Khi có dị vật tai người ta sẽ cảm thấy đau hoặc khả năng nghe giảm. Dị vật trong tai càng nguy hiểm hơn với trẻ em vì chúng có thể không nhận thức được có dị vật ở trong tai của chúng. 

Sau đây là cách sơ cứu khi bạn bị dị vật tai.

dị vật tai

Khi có dị vật tai bạn có thể sơ cứu như sau:
– Tuyệt đối không thăm dò hay chọc tai bằng bất cứ dụng cụ nào: Không nên cố gắng dùng gạc bông, tăm bông hay bất cứ dụng cụ nào khác để chọc ngoáy vào tai lấy bỏ dị vật. Làm như vậy có nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong tai hơn và làm tổn thương cấu trúc của tai giữa.
– Nếu có thể hãy lấy dị vật trong tai: Nếu nhìn thấy dị vật một cách rõ ràng, dị vật mềm và dễ uốn mà có thể gắp ra được dễ dàng bằng nhíp thì nhẹ nhàng lấy bỏ nó ra khỏi tai. Trong trường hợp không lấy được thì không nên cố.
– Thử dùng trọng lực để dị vật tai rơi ra ngoài: Khi bị dị vật tai bạn có thể nghiêng đầu về bên tai có dị vật để cố gắng đánh bật dị vật rơi ra ngoài.
– Đối với dị vật là côn trùng bạn hãy thử dùng dầu để lấy chúng: Hãy nghiêng đầu để bên tai có dị vật là côn trùng hướng lên trên. Sau đó dùng dầu khoáng (paraffin), dầu olive hay dầu trẻ em (JOHNSON’S®baby oil) rót vào tai nhằm mục đích để côn trùng nổi lên trên.

Dầu không được để nóng nhưng phải ấm. Bạn nên kéo thẳng ống tai khi rót dầu để dầu đi vào tai dễ dàng hơn. Với người lớn, kéo nhẹ vành tai ra sau và lên trên; với trẻ em, kéo nhẹ vành tai ra sau và xuống dưới. Côn trùng sẽ bị ngạt và nổi lên trong dầu.

Chỉ dùng dầu để lấy dị vật tai là côn trùng. Không dùng phương pháp này khi trẻ em đang được đặt ống tai (tạo một đường thoát khí cho tai giữa để tránh ứ đọng dịch trong tai giữa hay phía trong màng nhĩ) hoặc khi màng nhĩ bị thủng. Các dấu hiệu có thể gợi ý là: đau, chảy máu hoặc chảy dịch từ tai.

– Thử rửa trôi dị vật: Bạn có thể rửa trôi dị vật bằng cách dùng một bầu bóp (bulb ear syringe) và nước ấm bơm vào tai. Phương pháp này cũng không áp dụng với các trường hợp đang được đặt ống tai (tạo một đường thoát khí cho tai giữa để tránh ứ đọng dịch trong tai giữa hay phía trong màng nhĩ) hoặc nghi ngờ thủng màng nhĩ.
Nếu sử dụng các phương pháp trên mà bạn vẫn không thể lấy được dị vật ra, hoặc tiếp tục cảm thấy đau tai, giảm thính lực, còn cảm giác có vật mắc trong tai, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để có biện pháp lấy ra giúp bạn.