Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Sơ cấp cứu - Khi gặp người bị đột quỵ



Sơ cứu đúng cách khi người bệnh bị đột quỵ


Sơ cứu đúng cách khi người bệnh bị đột quỵ

Nếu không sơ cứu đúng cách và chữa trị kịp thời bệnh nhân đột quỵ sẽ dễ bị những di chứng nặng nề, thậm chí dẫn tới tử vong.


Hàng năm tại Việt Nam, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não khiến 200.000 trường hợp mắc mới, trong đó gần 11.000 người chết và nhiều người bị dị tật.
Ngay khi những dấu hiệu đầu tiên của cơn đột quỵ xuất hiện anh Nguyễn Văn Phụng, 41 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM, đã được vợ sơ cứu và gia đình đưa tới bệnh viện.
Tuy nhiên, do sơ cứu không đúng cách, kết hợp với nguyên nhân khách quan đã khiến anh nhập viện trong tình trạng bệnh đã trở nặng.
Chị Võ Thị Lã, vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Phụng cho biết: “Lúc mới thay đồ thấy miệng của chồng tôi méo đi, tôi mới biết chồng tôi có triệu chứng đột quỵ và gọi người nhà đưa tới bệnh viện ngay, tuy nhiên do tắc đường gần 2 giờ nên khi tới bệnh viện bác sĩ cho biết đã hơi chậm”.
Người nhà bệnh nhân cần lưu ý những triệu chứng nhận biết bệnh đột quỵ để có thể sơ cứu kịp thời. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê, số bênh nhân đột quỵ đang gia tăng trong những năm gần đây. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Vì vậy, mọi người cần được trang bị kiến thức cơ bản để nhận biết những dấu hiệu của đột quỵ:
-Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể).
-Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ.
-Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.
-Đột ngột nhức đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp vận động.
Ngay khi thấy có những dấu hiệu đó, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.
TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, bệnh viện 115 TP.HCM cho biết: “Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, không nên sơ cứu gì mà ngay lập tức đưa tới bệnh viện.
Cứ mỗi phút bệnh nhân đột quỵ không được điều trị đặc hiệu thì có khoảng 2 triệu nơron thần kinh mất đi. Càng trì hoãn việc điều trị, các tế bào thần kinh càng chết đi nhiều hơn và hậu quả tàn phế cũng như tử vong sẽ cao hơn so với bệnh nhân được điều trị sớm”.
Thông thường, 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng" do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.
Vì vậy bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.
TS. BS Nguyễn Huy Thắng cho biết thêm: “Khi thấy những triệu chứng của đột quỵ, người nhà bệnh nhân thường gặp nhiều sai lầm như: Thường nghĩ bệnh nhân bị trúng gió rồi vắt chanh cho bệnh nhân uống hay đưa tới phòng mạch tư mà không nghĩ đến việc đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay.
Cũng theo BS Nguyễn Huy Thắng, sai lầm tiếp theo là người nhà cố hạ huyết áp cho bệnh nhân ngay trước khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
"Khi chưa biết đây là tình trạng thiếu máu não hay suất huyết não mà vẫn cố hạ huyết áp quá sớm vô tình chúng ta đã làm hại bệnh nhân, do lưu lượng máu sẽ giảm đột ngột và triệu chứng càng xấu đi.
Như vậy, chúng tôi khuyên người nhà bệnh nhân chỉ cần cố gắng giữ thông thoáng cho bệnh nhân, để bệnh nhân thở và đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt”, BS Thắng cho biết thêm.
Như vậy, khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần phải:
- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải:
- Đặt người bệnh nằm lên một mặt phẳng nằm ngang, không đặt người bệnh lên đệm lò xo có độ lún quá sâu sẽ làm thay đổi tư thế đầu.
- Đặt đầu người bệnh hơi nghiêng, để nếu dịch trong miệng chảy ra nhiều sẽ chảy ra bên mép mà không để chảy xuống đường thở gây ngạt thở.
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.


SƠ CỨU SAI LÀM TĂNG TỶ LỆ TỬ VONG DO ĐỘT QUỴ

Đột quỵ dẫn tới tỷ lệ tử vong cao thứ ba sau ung thư và các bệnh về tim mạch, song có tới 40% người nhà bệnh nhân không biết các dấu hiệu để cấp cứu kịp thời.
Số liệu của Tổ chức Đột quỵ thế giới cho thấy, mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Trên 80% trường hợp đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, nên việc chẩn đoán, xử trí và quản lý bệnh nhân đột quỵ còn gặp nhiều khó khăn. Kiến thức về đột quỵ của người dân cũng còn hạn chế, không nhận biết được các triệu chứng để kịp thời đưa người bệnh đi cấp cứu. Hậu quả là tỷ lệ bệnh nhân bị di chứng lên tới con số 90%.
Một nghiên cứu do PGS TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM và đồng nghiệp tiến hành có tới 40% thân nhân bệnh nhân khi được hỏi không hiểu biết về đột quỵ và các dấu hiệu nhận biết. Thậm chí, họ còn nhầm lẫn đột quỵ với các bệnh khác như trúng gió, đau nửa đầu hoặc đau tim. Chính vì thế, không ít người đã chọn cách sơ cứu sai dẫn đến chậm trễ trong cấp cứu bệnh nhân.
Hình ảnh Sơ cứu sai làm tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ
Cạo gió, vắt chanh hay xức dầu đều không phải là cách sơ cứu đột quỵ đúng.
Theo giới chuyên gia, đột quỵ có hai dạng là nhồi máu não (chiếm 85% trường hợp) và xuất huyết não. Triệu chứng của đột quỵ thường diễn tiến đột ngột như đang làm việc, sinh hoạt bình thường bỗng nhiên liệt hẳn một bên, không nói được, méo mặt, ngã quỵ, đau đầu, chóng váng…Điều này dễ khiến người nhà liên tưởng đến hiện tượng trúng gió, đau nửa đầu nên thường xử trí sai như cạo gió, xức dầu mà không đưa người bệnh đến ngay đến bệnh viện. Ngoài ra, có một số triệu chứng khác không rõ rệt nên người nhà khó phát hiện kịp thời, làm lỡ mất khoảng thời gian điều trị quý báu lúc ban đầu.

Cần đưa bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất:
Nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ “FAST” để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ. “FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian) giúp người thân nhận biết dấu hiệu của người bị đột quỵ.
Khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, thường gặp trong trường hợp diễn tiến đột ngột. Đôi khi, bệnh nhân chỉ có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. 
Có một số biểu hiện kín đáo hơn cần lưu ý như mặt bệnh nhân có thể mất cân xứng: nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường; nếp mũi, má bên yếu thường bị rũ xuống. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn.
- Tay: Dấu hiệu đột quỵ “rõ mười mươi” là tay bị liệt. Nhưng trước đó, có thể đã có những diễn tiến từ từ như: tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc (ví dụ như gặp khó khăn khi viết, ăn uống). 
Ngoài tay còn một số dấu hiệu ở chân: đi dễ bị vấp té mà nguyên nhân không rõ ràng; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép...
Lời nói: Rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hoặc nói đớ, cảm thấy khó khăn khi nói, hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người nghe có thể chưa nhận thấy bất thường vì thế hãy yêu cầu bệnh nhân nói chuyện với một vài câu đơn giản một cách mạch lạc. 
Từ đó, có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói.
Thời gian: Những dấu hiệu trên có thể kéo dài hoặc chỉ thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại, có thể xuất hiện cùng lúc hoặc chỉ một vài dấu hiệu. Đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu. 
Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị đột quỵ cần phải chuyển ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt, chỉ trong 3 tiếng đầu xảy ra cơn đột quỵ mới có thể đảm bảo cho bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong và những di chứng khác. 
Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu trên cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Hình ảnh Sơ cứu sai làm tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ
Cần đưa bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.
PGS.TS Vũ Anh Nhị lưu ý, ngoài những dấu hiệu như trên, một số triệu chứng khác có thể cảnh báo đột quỵ như nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hay chậm hiểu bất thường.
Việc nắm rõ tất cả dấu hiệu kể trên là rất cần thiết, đặc biệt nếu trong gia đình có người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường... 
Khi xảy ra cơn tai biến, người nhà phản ứng càng nhanh sẽ giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm. 
Nhờ đó, giúp giảm nguy cơ tử vong và những di chứng nặng nề kéo theo của bệnh đột quỵ não.
(Theo VnExpress)

Không có nhận xét nào: