‘Trẻ con thì biết cái gì’, ‘Làm vậy người ta cười cho’,... cứ thế, cha mẹ Việt đang tạo ra những đứa trẻ càng ngày càng hư.
Tôi không phải là một người “sính ngoại”, ưa tắm “ao người” hơn “ao ta” hay “cuồng” văn hóa, lối sống nước ngoài mà chê bai dân tộc nước mình. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm sống và làm việc ở châu Âu, tôi thấy người Việt chúng ta có nhiều thứ đáng học hỏi từ nước bạn, đặc biệt là trong việc giáo dục trẻ em.
Dưới đây là những kiểu dạy con khiến trẻ càng ngày càng hư còn tồn tại khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam nhưng không được ủng hộ bên trời Tây:
Kiểu coi thường suy nghĩ của trẻ con.
“Con còn bé lắm, không hiểu được đâu.” “Trẻ con thì biết gì, ra chỗ khác chơi.” Nhiều người lớn có xu hướng không tôn trọng ý kiến hay sự có mặt của con trẻ, coi mọi suy nghĩ của chúng là vặt vãnh, không chấp. Điều này không những tạo cho trẻ cảm giác tự ti, không được tôn trọng mà còn có thể kìm hãm và giết chết tính sáng tạo, ham học hỏi ở trẻ.
Người lớn không tôn trọng con trẻ, đừng trách chúng không lễ phép với mình. Người lớn ngăn cản việc trẻ con tò mò, thắc mắc, đừng trách vì sao chúng giấu giếm, tự đi tìm hiểu mà không cần người lớn, để rồi "lầm đường lạc lối".
Không có ý đánh đồng tất cả, nhưng tôi thấy có khá nhiều kiểu dạy khiến trẻ càng ngày càng hư còn tồn tại trong các gia đình Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Kiểu đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Các vị phụ huynh thử xem, có phải cảnh tượng này rất quen hay không: Một em bé đang chạy thì bị ngã, chân vấp phải cái bàn, òa lên khóc. Bố mẹ hoặc ông bà lập tức lao ra, xúm xít dỗ dành, cưng nựng và liên tục bảo bé: “À, đánh chừa cái bàn này. Cái bàn làm em đau này!”
Lỗi là do đứa trẻ chạy nhanh nên vấp ngã, tại sao lại bắt cái bàn phải nhận? Từ nhỏ cha mẹ đã nuôi dưỡng mầm mống thích đổ thừa cho hoàn cảnh trong con thì khi trẻ lớn lên, đừng ngạc nhiên khi thấy chúng bị điểm kém thì đổ lỗi tại giáo viên ra đề quá khó (chứ không phải do không học bài), bị công an phạt thì đổ tại công an chèn ép (chứ không phải do đi sai luật)...
Rồi đến những chuyện trọng đại hơn như xây dựng một công trình, tổ chức một kì thi,... lúc xảy ra sai phạm thì người này đổ lỗi cho người kia, không ai chịu trách nhiệm.
Kiểu bảo bọc quá mức.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Vâng, vì thương con mà nhiều cha mẹ Việt gánh hết phần vất vả, nặng nhọc về mình, không dám để con cực một giây phút nào.
Sợ con bẩn nên không dám cho con tự do khám phá thiên nhiên, sợ con làm hỏng đồ nên làm thay con mọi việc nhà, sợ con va vấp sớm với cuộc đời nên chỉ bắt con học, lên đại học cũng không được làm thêm,... Vô tình, với kiểu “thương con” này, con mãi là đứa trẻ bé bỏng, yếu đuối, nhút nhát và ích kỉ, không biết quan tâm, thấu hiểu cho những vất vả của bố mẹ.
Kiểu coi trọng điều tiếng thiên hạ hơn làm đúng lương tâm.
Không ít lần tôi đã chứng kiến có những ông bố bà mẹ mắng con: “Mày làm thế người ta cười cho.”, “Mày làm thế khác gì bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ.”
Coi trọng truyền thống, thanh danh gia đình là điều cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sợ con cái làm điều khiến thiên hạ bàn tán, dị nghị hơn là sợ con cái làm điều trái với lương tâm.
Chính kiểu dạy như vậy dẫn đến việc con cái họ sau này bất chấp tất cả, làm những chuyện trái đạo đức, miễn sao không gây ra điều tiếng trong xã hội hoặc sống theo kiểu hình thức, miễn sao “đẹp lòng” thiên hạ.
Kiểu “thương cho roi cho vọt”.
Mang tâm lý muốn con ngoan, nghe lời, nhiều bậc phụ huynh đã dùng đến đòn roi, nhưng lại không biết rằng càng đánh càng khiến trẻ không ngoan. Đối mặt với đòn roi lâu ngày, trẻ sẽ bị tổn thương về thể xác cũng như tinh thần, làm phá vỡ tình cảm gia đình và mối tương quan giữa cha mẹ, con cái.
Trẻ cũng có thể trở nên lỳ lợm, bướng bỉnh và vô cảm hơn, thậm chí có xu hướng bạo lực về sau do ảnh hưởng từ những trận đòn roi của bố mẹ, ngoài ra còn sinh tâm lý sống bất cần, dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo.
Như đã nói ở trên, tôi không phải là người cuồng lối sống “Tây hóa” và thích đả kích người Việt mình. Bài viết này chỉ mang tính chất góp ý, rút ra từ những kinh nghiệm thực tế của chính tôi, không có mục đích đánh đồng mọi ông bố bà mẹ mà chỉ mong muốn chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những thế hệ tương lai Việt Nam tốt đẹp hơn.
(Theo Khám phá)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét