Bánh phu thê
Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê khi ăn ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường…, tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê.
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_1

Nem làng Bùi

Để làm nem phải lấy nguyên phần hông con lợn. Phần thịt nạc và thịt mỡ để sống, chỉ riêng phần bì là luộc chín rồi thái nhỏ tất cả, nêm gia vị tỏi ớt, bột ngọt trộn đều với thính nóng, sau đó để chín thịt, tiếp đến nắm chặt nem thành quả nhỏ bọc trong lá chuối. Lấy một nhúm nem quấn với lá sung cắn một miếng ngon tuyệt.
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_2
Bánh tẻ làng Chờ
Ai từng ăn bánh răng bừa (hay còn gọi là bánh tẻ), một thứ quà quê nổi tiếng của thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh sẽ không thể nào quên được vị ngọt từ thịt, mùi thơm của hành, cái giòn của mộc nhĩ và sự dẻo thơm của bột bánh.
Bánh tẻ ăn lúc còn nóng vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được. Bánh khi ăn chấm với tương ớt hoặc nước mắm ớt, tùy sở thích của từng người.
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_3
Bánh khúc làng Diềm
Sở dĩ có tên bánh khúc là vì nguyên liệu chính để làm bánh là rau khúc. Rau khúc có hai loại: khúc tẻ và khúc nếp, khi làm bánh, người ta thường chọn lá khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều.
Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, béo của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút, hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Dù là bánh nhân đỗ hay nhân hành thì vỏ bánh và nhân cũng đều phải nêm một lượng gia vị vừa đủ, bánh mặn làm mất đi vị bùi, béo song nếu nhạt bánh sẽ có mùi ngai ngái.
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_4
Bánh tro Đình Tổ
Bánh tro Đình Tổ được làm từ gạo nếp, nước tro, một ít vôi, bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Để có được nước tro trong, có mùi thơm nhẹ người ta dùng rơm nếp đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa với nước vôi để lắng nước trong, sau đó chắt lấy nước trong, bỏ cặn. Gạo nếp được vo sạch, ngâm trong vòng từ 3-4 giờ, rồi vớt ra, để ráo nước. Lá chuối hoặc lá dong được rửa sạch, hấp chín mềm, rồi lau khô, sau đó dùng để gói bánh. Bánh tro Đình Tổ mềm, có vị thanh mát, ngọt ngào. Một lần được thưởng thức thứ quà quê dân dã này sẽ khiến bạn luôn nhớ mãi dư vị của nó.
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_5
Tương Đình Tổ
Nghề làm tương ở làng Đình Tổ có từ lâu đời, nguyên liệu để làm tương bao gồm ngô, đỗ tương, gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả được ủ và lên men tự nhiên không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Để có mẻ tương ngon người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Một mẻ tương được ra lò phải được ngâm ủ trong vòng 15 ngày, sau đó mới đem xay tạo thành tương thành phẩm. Tương Đình Tổ có màu đỏ nâu, đặc sánh, mùi thơm, vị ngọt bùi, béo ngậy của gạo nếp, ngô. Đây là đặc sản rất giàu dinh dưỡng được dùng để làm nước chấm rau luộc, thịt luộc, cá nướng, bánh đúc, bánh tẻ, kho cá, kho thịt và chấm bún.
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_6
Cháo thái Đình Tổ
Cháo thái Đình Tổ được chế biến không quá cầu kỳ, gạo được xay nhuyễn, được nhào thành cục to. Nước nấu cháo được hầm từ xương, thịt gà, thịt lợn. Khi nước dùng sôi, người ta dùng dao mỏng thái từng miếng bột cho vào nồi cháo. Cháo chín cho thêm hành hoa, tiêu xay, nêm nếm gia vị vừa ăn bắc xuống là dùng được.

Gà Hồ

Từ xưa tới nay người dân làng Lạc Thổ (Thuận Thành) coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình, đã chọn làm lễ vật dâng thành hoàng làng vào ngày hội làng mùng 10/2 (âm lịch) hàng năm. Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh trai”. Đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con. Khi con gà trống Hồ trưởng thành có cái đầu rất to, vẫn là mình cốc cánh trai, thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh. Gà Hồ có thịt chắc, thơm ngon, hiện đang được người dân làng Lạc Thổ chăn nuôi theo mô hình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
wanderlust_tips_nhung_dac_san_cua_que_huong_quan_ho_bac_ninh_7Nguồn: Wanderlust Lips