Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

VĂN HÓA ẨM THỰC - Phép cư xử trên bàn ăn của người Nhật


Mỗi dân tộc sẽ có những quy định riêng về các phép tắc, lễ nghĩa phải tuân theo trong những hoàn cảnh nhất định như trên bàn ăn, trong tiệc cưới, khi thăm bệnh, khi đi dự tiệc,v.v.  Đặc biệt, đối với Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng bởi sự quy củ, nề nếp trong cách nghĩ, cách hành động, những quy tắc này được dạy cho cả trẻ con ngay từ khi còn bé.
Để hiểu tâm hồn người Nhật, trước hết, là hiểu những quy tắc bất di bất dịch mà họ luôn tôn trọng và tuân thủ, để thấy đằng sau đó là những đúc kết thâm thúy về đạo đức và cách ứng xử giữa con người với con người.
1. Lựa chọn chỗ ngồi và gọi món ăn
Vị trí ngồi là một trong những mana (phép cư xử) quan trọng nhất trong giao tiếp công việc của người Nhật vì nó phản ánh được thứ bậc trong một nhóm người, một tổ chức. Người nào càng quan trọng, thì họ sẽ ngồi ở vị trí cách xa cửa nhất. Vì vậy, đừng tự ý chọn chỗ ngồi trước cho mình, hãy đợi người cao tuổi nhất hoặc người có cấp bậc cao nhất ngồi vào chỗ của mình, rồi những người sau đó sẽ lần lượt theo thứ tự cao- thấp ngồi theo. Hoặc nếu bạn là khách, hãy đợi chủ nhà hoặc người chủ tiệc mời bạn vào vị trí nhé!
Trong khi chờ đợi món ăn, đừng tỳ tay lên bàn hay chống chằm mà phải ngồi thẳng, hai tay để lên đùi, và nói chuyện với mọi người xung quanh. Điện thoại phải được tắt chuông và để trong túi áo quần, không được để trên bàn ăn.
Khi thức ăn được dọn ra, ngay cả khi phần thức ăn của mình được dọn ra trước bạn cũng không được tự ý ăn ngay mà phải đợi cho tất cả mọi người trong bàn có đầy đủ thức ăn, trừ khi bạn được người cao tuổi nhất hoặc vai vế cao nhất trong bàn cho phép ăn. Lúc đó, hãy lịch sự nói “Xin phép cho tôi được dùng trước.”

2. Trong khi dùng bữa

Người Nhật chủ yếu dùng đũa trong thức ăn, nên các phép cư xử trên bàn ăn hầu hết có liên quan đến việc sử dụng đũa.Khi gắp từ đĩa thức ăn chung, bạn phải dùng chén đĩa của mình để hứng thức ăn thay vì dùng tay nhé.Khi muốn di chuyển, bạn phải cầm đĩa thức ăn lên bằng cả hai tay. Khi ăn bằng bát (như các món donburi) thì bạn phải cầm bát bằng cả hai tay lên để ăn, nhưng với các đĩa thức ăn lớn thì không nên vừa cầm vừa ăn như vậy chẳng đẹp mắt tí nào.
Ngoài ra, trong khi ăn, bạn không được tỳ khuỷu tay lên bàn, vuốt tóc hoặc ngồi vắt chéo chân lên bàn. Không những là không lịch sự, đối với phụ nữ, tư thế đó được coi là không đúng đắn.

3. Các điều cấm kỵ khi dùng đũa

- Không múa đũa
- Không dùng đũa chỉ vào người khác 
- Không huơ đi huơ lại đôi đũa trên các đĩa thức ăn
- Không gặm cơm dính trên đũa.
- Không chuyền và nhận thức ăn trực tiếp bằng đũa. Đây là quy tắc tối kị vì có liên quan đến một nghi lễ trong đám tang của người Nhật! 
- Không gặm đũa
- Không cầm chén và đũa bằng một tay.
- Không dùng đũa để ấn, nhét thức ăn vào miệng
- Không dùng đũa đâm hoặc xiên thức ăn



4. Kết thúc bữa ăn:

Bữa ăn với người Nhật được coi là cơ hội để mọi người giao tiếp với nhau, vì vậy, bạn phải ngồi tại chỗ từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc bữa ăn, không được tự mình ăn hết rồi nhanh chóng đứng dậy.Trong bữa ăn, mọi người thường điều chỉnh tốc độ ăn của mình cho phù hợp, không ăn quá nhanh để phải ngồi đợi mọi người hoặc ăn quá chậm làm mọi người phải đợi mình.
Sau khi ăn, bạn đừng quên nói “Gochiso sama deshita” nghĩa là cám ơn vì đã cho tôi một bữa ăn ngon.Nếu bữa ăn đó bạn được mời tại nhà hoặc được trả tiền bởi một ai khác, thì nên nhìn người đó khi nói câu này nhé.


Không có nhận xét nào: