Văn hoá thảo nguyên - Văn hoá truyền thống Mông Cổ
Văn hoá truyền thống của Mông Cổ thực chất là văn hoá thảo nguyên tiếp biến qua hàng nghìn năm lịch sử. Ngày nay, văn hoá quý báu ấy chính là nền tảng xây dựng tương lai lớn lao cho đất nước này...
Văn hoá mang bản sắc của các dân tộc anh em
Dân số nước Mông Cổ hiện nay có khoảng 2,8 triệu người, với 18 dân tộc anh em. Theo số liệu của tác giả B.GATUYA tại tác phẩm “Mông Cổ tiềm năng và thế mạnh về kinh tế” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, năm 2010), người dân Mông Cổ hiện nay sinh sống chủ yếu ở các thành phố lớn. Trong đó, thủ đô Ulabato có khoảng gần 1 triệu người. Trong số 18 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Mông Cổ thì dân tộc Khanlkh chiếm 86%, dân tộc Kazăc chiếm 6%, còn lại 8% là các dân tộc khác. 96% số dân Mông Cổ theo Phật giáo, cả đất nước có gần 3.000 ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa hoặc công trình Di sản văn hoá đều trở lại làm một Bảo tàng ghi dấu văn hoá từng thời kỳ lịch sử…
Đua ngựa và bắn cung tại lễ hội Naadam. |
18 dân tộc anh em của Mông Cổ có nguồn gốc từ các bộ lạc chăn nuôi trên các thảo nguyên. Cuộc sống sản xuất, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, trải qua hàng nghìn năm đã sáng tạo nên văn hoá bản địa riêng của mỗi dân tộc. Sinh hoạt văn hoá gắn với sinh hoạt thể thao, thượng võ là nét văn hoá thảo nguyên - văn hoá truyền thống của riêng Mông Cổ.
Dấu vết văn hoá thảo nguyên có từ thời kỳ đồ đá
Mông Cổ có diện tích 1.564.116km2, là nước có diện tích lớn thứ hai trên thế giới (sau Kazakhstan) không giáp biển. Phần lớn lãnh thổ Mông Cổ là cao nguyên, đồng cỏ, đồi núi ở độ cao trung bình 1.580m so với mực nước biển. Các dân tộc anh em sống trên 6 vùng tự nhiên khác nhau về môi trường, phong cảnh, điều kiện khí hậu. Điều kiện thiên nhiên, điều kiện sống, điều kiện lao động khác nhau được cộng đồng các dân tộc sáng tạo nên sắc thái văn hoá rất phong phú, độc đáo. Người bản địa có mặt trên đất nước Mông Cổ cách ngày nay từ 700.000-800.000 năm. Dấu vết cổ xưa của người bản địa được khai quật do các cuộc khảo cổ tại hang động Tsaga, thuộc huyện Bayanlig, tỉnh Baynkhongor. Các hiện vật được phát hiện là tiêu biểu cho văn hoá du mục của nhân loại từ thời kỳ đồ đá.
Chị Loi Una, hiện là Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Mông Cổ), người đã cống hiến gần cả cuộc đời cho lĩnh vực Di sản văn hoá của dân tộc mình, trong một dịp cùng chúng tôi đi thăm các Di sản văn hoá tại tỉnh Selenge, giáp biên giới nước Nga, đã nhận xét: Sinh hoạt văn hoá du mục thảo nguyên từ thời kỳ đồ đá tiếp biến qua các thời kỳ đồ đồng, thời kỳ đồ sắt, thời kỳ các quốc gia cổ đại, thời kỳ trung đại, thời kỳ mới… Và đến nay, văn hoá thảo nguyên được bảo tồn và phát triển rực rỡ nhất qua các thời kỳ lịch sử của đất nước có bề dày lịch sử vĩ đại...
Văn hoá thảo nguyên thiết yếu như thịt cừu, sữa ngựa, bánh mì hàng ngày
Mùa đông, nhiều vùng của Mông Cổ nhiệt độ xuống tới -50 độ C. Mùa hè, có nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C. Trên các đồng cỏ, nhiệt độ rất khắc nghiệt. Thế nhưng, trên đất nước Mông Cổ các sinh hoạt văn hoá luôn sôi động, dập dìu. Mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 9, các thiếu nữ cưỡi trên lưng lạc đà 2 bướu lùa đàn gia súc trên bãi thả. Nhiều người ngân nga những điệu hát dân ca. Tiếng hát vút lên ngọn cây bá hương (loài cây giống cây thông mã vĩ). Đàn gia súc với hàng nghìn con cừu, con dê, ngựa giống Tây Tạng hiền hoà gặm cỏ trong tiếng hát. Lông các con vật lướt thướt chấm ngọn cỏ, như thể chúng “quàng” mây xốp có tua rua vậy. Đàn ông phi ngựa lùa đàn gia súc trên đồi. Họ cưỡi ngựa không yên, mà như họ nói, là để kết hợp luyện tập tham gia lễ hội Naadam (lễ hội cưỡi ngựa không yên) trên đồng cỏ.
Mùa đông, băng tuyết phủ trắng trời, trắng thảo nguyên. Để tránh rét, các gia đình quây tụm trong các nhà lều. Nhà lều trắng lẫn trong tuyết trắng. Nóc nhà lều ngất ngưởng ống khói tỏa ra không gian những làn khói xanh từ các lò sưởi. Trong lều, người già ngồi bên lò sưởi ăn thịt dê hầm và uống rượu. Trẻ con thì sưởi lửa ấm và uống sữa ngựa. Bên lò sưởi, tiếng hát như có lửa ấm. Tiếng hát của các gia đình theo ống khói bay ra ngoài thảo nguyên cùng hơi lửa ấm.
Ngài Dorj ENKHBAT, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ tại Việt Nam, có lần nói với chúng tôi rằng: Văn hoá thảo nguyên - văn hoá truyền thống của Mông Cổ vô cùng quý giá, thiết yếu với cuộc sống với mỗi người dân Mông Cổ như thịt cừu, sữa ngựa, bánh mì trong mỗi bữa ăn hàng ngày…
Lễ hội Naadam
Lễ hội Naadam là sinh hoạt văn hoá tiêu biểu, độc đáo của văn hoá thảo nguyên từ nghìn năm được bảo tồn, phát triển rực rỡ hiện nay. Lễ hội được tổ chức vào dịp Quốc khánh của nước Mông Cổ. Đây là lễ hội văn hoá quốc gia cuốn hút tất cả mọi người dân ở nông thôn, đô thị cùng náo nức tham gia. Người nước ngoài đến Mông Cổ trong dịp lễ hội cũng không bỏ lỡ dịp may hiếm có này.
Lễ hội tổ chức ở tỉnh, thành phố nào cũng bao gồm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thi các môn thể thao truyền thống. Trong đó, thi cưỡi ngựa không yên, thi bắn cung, thi đấu vật dân tộc là những môn thể thao đặc biệt được nhiều người tham gia. Trẻ em 8, 9 tuổi thi cưỡi con ngựa 1 tuổi không yên. Cuộc thi ở địa phương nào cũng có gần trăm đấu thủ dàn hàng ngang phi ngựa băng băng theo đường thẳng trên thảo nguyên. Bên ngoài hàng đua là những chiếc ô tô chạy theo cổ vũ các kỵ sĩ tí hon trên đường về đích. Phần thưởng cuộc đua trao số tiền giá trị bằng một chiếc ô tô. Môn thi bắn cung thu hút rất nhiều phụ nữ tham gia...
Dự lễ hội Naadam, chúng tôi liên tưởng thấy gần gũi như đang ở trong Hội vật dân tộc ở các miền quê Việt Nam hay Hội thi đua ngựa không yên ở Bắc Hà vậy...
Văn hoá thảo nguyên trong thời kỳ hội nhập toàn cầu
Những năm gần đây, Mông Cổ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hoá toàn cầu. Với khoảng 2,8 triệu dân, hàng năm Mông Cổ xuất khẩu hàng hoá khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu là đồng, vàng, molypden (đã làm giàu), các kim loại màu khác, len casơmia, da, sản phẩm có nguồn gốc động vật, quần áo… Đời sống đô thị, nếp sống công nghiệp chi phối nếp sinh hoạt của từng gia đình và cả cộng đồng. Người dân thủ đô chủ yếu dùng xe ô tô cá nhân để tham gia giao thông. Hiện nay dân số thủ đô Ulanbato có khoảng 1 triệu dân, nhưng sở hữu khoảng 30 vạn ô tô cá nhân. Gia đình anh G.DAVKHARBAYAR có 9 người thì có 8 chiếc xe ô tô từ 5-7 chỗ ngồi. Có ô tô nên cuối tuần, hầu hết thành viên của các gia đình ở đô thị đều về nông thôn, tham gia các sinh hoạt văn hoá truyền thống. Đó cũng là những cuộc tìm về cội nguồn văn hoá. Ngay giữa trung tâm thủ đô, các tụ điểm văn hoá vẫn diễn ra các chương trình văn hoá thảo nguyên. Tượng đài tại thủ đô Ulanbato gồm các danh nhân, các vị anh hùng, còn có tượng đài ngựa, tượng đài chó sói. Sống giữa đô thị mà vẫn thấy đằm mình trong văn hoá thảo nguyên. Giữa sầm uất trong đời sống công nghiệp mà vẫn đằm thắm tâm hồn văn hoá dân gian.
Văn hoá và kinh tế là đôi cánh đưa đất nước Mông Cổ tới hạnh phúc lớn lao…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét