- Schweizerische Eidgenossenschaft (tiếng Đức)
- Confédération suisse (tiếng Pháp)
- Confederazione Svizzera (tiếng Ý)
- Confederaziun svizra (Tiếng Romansh)
Thụy Sĩ: Chữ thập trắng
Thụy Sĩ là quốc gia không giáp biển thuộc khu vực Tây Âu, do vị trí địa lí đặc biệt nằm giữa nhiều nước lớn nên ngôn ngữ của Thụy Sĩ rất đa dạng, trong đó có đến 4 quốc ngữ là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn là nước có truyền thống lịch sử về sự trung lập. Đất nước này không xảy ra bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ năm 1815 đến nay và là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Lá cờ nền đỏ chữ thập màu trắng (ngược lại với cờ của Hội chữ thập đỏ) là quốc kỳ và biểu tượng của đất nước Thụy Sĩ với ý nghĩa mong muốn Thụy Sĩ luôn là một đất nước hòa bình, trung lập và yên bình, tránh xa tất cả các cuộc chiến tranh.
1. Chữ thập Trắng
Thụy Sĩ là một quốc gia nhiều đồi núi với những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trên dãy núi Alps như những đỉnh núi cao, những dòng sông băng và nhiều hồ nước đẹp. Vào thế kỷ 13, con đường chạy qua đỉnh núi Gotthard nằm ở trung tâm dãy Alps được hình thành, phát triển nhanh chóng trở thành điểm giao lưu, qua lại quan trọng về kinh tế – thương mại Bắc – Nam của châu Âu và ngay lập tức lọt vào tầm ngắm chiếm đoạt của các cường quốc Châu Âu thời bấy giờ.
Để chống lại sự xâm lược của vương triều Habsburg của Áo, nhân dân 3 bang miền trung Thụy Sĩ là Schwyz, Uri và Unterwalden kết thành Liên bang Thụy Sĩ, hình thành các hiệp ước bảo vệ và hỗ trợ nhau theo tính chất của một Liên minh và chính thức ra đời vào năm 1291. Trong đó ‘Schwyz’ (trong tiếng Đức nghĩa là ‘nghề chăn nuôi’ hay ‘làm sữa’, do từ xưa nơi đây đã nổi tiếng về chăn nuôi bò sữa) là bang có tiềm lực mạnh nhất, nên được lấy tên đặt cho cả Liên bang.
Vào thế kỷ thứ 13, hoàng đế nướcĐức và Đế quốc La Mã thần thánh là Frederick II có một lá cờ mang biểu tượng cây thánh giá như một dấu hiệu thiêng liêng, tự nhận mình là một người bảo vệ Thiên Chúa. Ông còn một lá cờ khác màu đỏ tượng trưng cho quyền lực của ông vượt qua cả sự sống và cái chết. Frederick II thường trao đặc quyền cho một thành thị hoặc một vùng được mang lá cờ này như một dấu hiệu cho biết khu vực đó được ông bảo hộ. Truyền thuyết kể lại rằng vào năm 1240 khi Frederick II hành quân đến Ý, quân lính từ bang Schwyz đã gia nhập vào đội quân của ông. Vô cùng hài lòng trước sự ủng hộ và cống hiến của những người lính bang Schwyz, Frederick II đã ban cho họ lá cờ màu đỏ để tượng trưng cho sự tự do.
Năm 1289, quân lính bang Schwyz một lần nữa ủng hộ vua nước Đức là Rudolf I trong cuộc chiến chống quân Burgundy (thuộc nước Pháp ngày nay) và lần này họ được ban tặng quyền được biểu tượng thánh giá của Thiên Chúa lên lá cờ đỏ của mình.
Sau này khi quân của Liên bang Thụy Sĩ ra trận, các binh sĩ của mỗi bang đều có quân phục và cờ hiệu khác nhau của bang mình. Khi liên minh lớn mạnh dần, họ cần một biểu tượng chung để phân biệt bạn và thù giữa trận chiến và họ đã lấy biểu tượng Thánh giá màu trắng của bang Schwyz đặt lên quân phục và quân kỳ của mình. Họ cho rằng sự nghiệp giải phóng dân tộc là rất thiêng liêng cũng giống như chữ thập thần thánh của Thiên chúa. Những bức họa miêu tả trận đánh Laupen năm 1339 giữa Liên bang Thụy Sĩ và vương triều Habsburg là những chứng cứ đầu tiên cho thấy lá cờ đỏ có chữ thập trắng đã được quân Thụy Sĩ sử dụng ra trận.
Năm 1848, Thụy Sĩ ban hành hiến pháp Liên bang mới, chính thức quy định lá cờ chữ thập trắng nền đỏ là quốc kỳ và quốc huy, tượng trưng cho sự thống nhất đất nước và tinh thần hiến thân vì lợi ích cộng đồng.
2. Chữ thập Đỏ
Cờ chữ thập đỏ nền trắng là huy hiệu của hội cứu thương Chữ thập đỏ (Hội Hồng Thập Tự), một tổ chức quốc tế xuất phát từ ý tưởng của một doanh nhân người Thụy Sĩ là ông Jean Henri Dunant.
Trong một chuyến buôn bán, Dunant đến Solferino vào tối ngày 24/6/1859, nơi diễn ra Trận Solferino (một trận đánh quan trọng trong cuộc Chiến tranh giành độc lập Ý lần thứ hai) giữa 2 phe liên quân Pháp – Sardegna và quân đội Áo.
38 000 người đã chết và bị thương, hấp hối trên chiến trường mà không được ai chăm sóc. Bị sốc trước tình trạng này, Dunant tự đảm nhiệm việc kêu gọi và tổ chức các thường dân, đặc biệt phụ nữ, giúp đỡ các binh sĩ bị thương bất kể thuộc phe nào, theo khẩu hiệu ‘Tutti fratelli‘ (Mọi người đều là anh em).
Sau khi trở về Genève, Dunant xuất bản một cuốn sách về các trải nghiệm của mình trong trận Solferino, với tên gọi Un Souvenir de Solferino (‘Một kỷ niệm về Solferino’) vào năm 1862. Trong sách này, ông mô tả lại trận Solferino, các thiệt hại và tình trạng hỗn loạn sau trận đánh. Ông cũng đề ra ý tưởng lập một tổ chức trung lập trong tương lai để chăm sóc các binh sĩ bị thương trong chiến tranh, không phân biệt thương binh đó thuộc phe nào.
Dunant bắt đầu du hành khắp châu Âu để giới thiệu ý tưởng này và phân phát sách của mình cho nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự. Sách của ông được nhiều người hoan nghênh nhiệt liệt. Luật gia Gustave Moynier, chủ tịch ‘Hội Phúc lợi công cộng Genève’ đã đưa sách này làm đề tài thảo luận trong cuộc họp của tổ chức này ngày 9/2/1863 và được các hội viên xem xét, đánh giá cao. Ngay sau đó, họ lập ra một Ủy ban 5 người để tìm cách thực hiện ý tưởng của Dunant và đề cử ông làm ủy viên.
Các thành viên của Ủy ban 5 người bao gồm Dunant, Moynier, tướng quân Thụy Sĩ Henri Dufour, 2 bác sĩ Louis Appia và Théodore Maunoi. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban diễn ra ngày 17/2/1863, nay được coi là ngày thành lập Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Để vinh danh Dunant, châu Âu đồng ý chọn nền trắng Chữ Thập Đỏ làm cờ cho tổ chức này (vì Dunant quốc tịch Thụy Sĩ, mà Thuỵ Sĩ có cờ nền màu đỏ và chữ thập trắng ở giữa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét