Văn hóa ứng xử của người Đức
Từ lâu, người Đức đã nổi tiếng với văn hóa ứng xử lịch thiệp, tao nhã và văn minh. Cùng tìm hiểu những nét độc đáo trong văn hóa ứng xử của người Đức trong bài viết dưới đây nhé!
1. Văn hóa giao tiếp của người Đức
Trong giao tiếp, người Đức khá cầu kỳ trong cách xưng hô. Người Đức có thói quen gọi đầy đủ tên ghép cùng với chức danh của người đó. Ví dụ như Thưa ngài bộ trưởng Philip, đặc biệt với các tước hiệu quý tộc như bá tước, hầu tước, bạn cần đặc biệt chú ý: Thưa bá tước, thưa Tiến sĩ bá tước, thưa giáo sư tiến sỹ bá tước…
Dù ở bất cứ quốc gia nào thì lời chào luôn là yếu tố quan trọng mở đầu cho mỗi cuộc trò chuyện. Ở Đức, khi 2 người gặp nhau, thì người đến sau sẽ chào người đến trước hoặc người nào nhìn thấy người còn lại trước thì sẽ lên tiếng chào trước. Người Đức thường có thói quen cúi đầu nhẹ khi chào hỏi một người đã quen biết. Khi đó bạn hãy gật đầu để đáp lại cử chỉ của họ.
Cần lưu ý với những trường hợp gặp người lần đầu tiếp xúc, khi làm quen cần tìm những tương đồng giữa 2 người để tạo bầu không khí thân thiện, và dễ nói chuyện. Không nên đề cập đến những chủ đề chính trị hay tôn giáo để tránh tranh luận hay căng thẳng tạo môi trường thân thiện, cởi mở hơn.
Cũng giống như các nước phương Tây khác, người Đức rất tôn trọng phụ nữ . Vì vậy, việc ưu tiên phụ nữ nói trước luôn thể hiện bạn là một người có cách ứng xử lịch sự.
Là cái nôi văn hóa của Châu Âu, vì thế văn hóa ứng xử của người Đức cũng mang những nét lịch thiệp và nhã nhặn, đặc biệt là đối với những lời khen. Khi muốn khen một ai đó, người Đức rất tinh tế, không khen một cách quá đà, thô thiển. Người Đức cũng tránh không nhận xét hay đề cập đến các vấn đề tế nhị như ăn mặc, kiểu tóc, trang điểm… Dù ở bất cứ ngôn ngữ nào thì lời khen là cả một nghệ thuật. Vì vậy hãy dùng lời khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất.
2. Văn hóa dự tiệc của người Đức
Khi đi dự tiệc hay tham gia bất kỳ cuộc hẹn nào khác, đúng giờ là yếu tố vô cùng quan trọng đối với người Đức. Vì vậy, bạn sẽ trở nên rất mất lịch sự nếu đến bữa tiệc muộn giờ. Và nếu có lí do nào đó mà bạn không thể đến đúng giờ, hãy gọi điện để thông báo lí do bạn đến trễ. Đồng thời, người Đức rất coi trọng lễ nghi. Vì thế, sau các buổi tiệc, trước khi ra về đừng quên gửi lời cám ơn đến gia chủ vì đã mời bạn và sự tiếp đãi chu đáo, nhiệt tình. Đây là nét văn hóa đặc trưng trong ứng xử của người Đức.
Trên bàn tiệc cũng có những quy chuẩn nhất định. Bạn không nên ngồi nếu chưa được gia chủ mời ngồi. Trong khi ăn tiệc cũng cần chú ý đến cách cầm dao, dĩa. Dĩa cầm tay trái, còn tay phải cầm dao, không dùng bữa nếu chưa có lời mời dùng bữa từ gia chủ. Và đặc biệt lưu ý là không chống tay lên bàn ăn. Nếu là tiệc Buffet thì bạn nên lấy lượng thức ăn vừa phải và không nên để thừa quá nhiều thức ăn sau khi dùng bữa. Nếu bạn đang ăn mà có việc cần ra khỏi bàn ăn. Hãy đặt dao, dĩa 2 bên của đĩa thức ăn. Còn nếu bạn đã ăn xong thì dao và dĩa sẽ để cùng 1 bên của đĩa. Như vậy người phục vụ sẽ biết khi nào bạn không ăn nữa và dọn đĩa của bạn đi.
3. Văn hóa ứng xử trong kinh doanh của người Đức
Người Đức nổi tiếng là có cách ứng xử văn minh trong giao tiếp kinh doanh. Trong cuộc sống, người Đức rất coi trọng giờ giấc, còn trong công việc thì yếu tố này càng được đề cao. Vì vậy, người Đức luôn đúng giờ trong các buổi làm việc, cuộc họp, hẹn đối tác bất kể cấp bậc cao hay thấp.
Khác với người Việt Nam, khi trao danh thiếp, người Đức cũng có những quy chuẩn riêng. Nguyên tắc là khách sẽ là người trao danh thiếp trước sau đó mới tới chủ nhà. Khi trao giao tiếp cũng có quy tắc. Nếu trao cho một nhóm người thì cần trao cho người có cấp bậc cao nhất trong nhóm trước. Nếu trong trường hợp không biết cấp bậc của đối tác thì trao lần lượt bắt đầu từ người bên cạnh mình. Khi nhận danh thiếp cũng cần lưu ý. Khi nhận được danh thiếp không nên cất đi ngay. Bạn cần xem qua danh thiếp đó để thể hiện sự quan tâm tới người trao danh thiếp. Nếu không lưu ý điều này thì người Đức sẽ đánh giá bạn là mất lịch sự. Đây cũng là nét đặc trưng thể hiện văn hóa ứng xử văn minh, chuyên nghiệp của người Đức trong kinh doanh.
Khám phá văn hóa ứng xử của người Đức để hiểu rõ hơn về lối sống và nền văn hóa của người Đức. Người Việt Nam ta có câu: “Nhập gia tùy tục”, vì thế nắm rõ được những nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của người Đức sẽ tạo nhiều thuận lợi khi làm ăn kinh doanh với người Đức hoặc sang du học tại Đức và sinh sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét